Chạy đua lấy bằng Thạc sĩ: Cơ chế xin cho đẻ ra “sính bằng cấp”

19/10/2013 06:43
Diệu Linh
(GDVN) - Mấy năm gần đây, thực trạng “chạy đua học thạc sĩ” diễn ra khá phổ biến ở các cơ quan nhà nước. Điều đáng nói là trình độ của nhiều người đi học sau khi cầm được tấm bằng thạc sĩ thậm chí vẫn thua kém cả những cử nhân mới ra trường.
"Phổ cập" Thạc sĩ đang trở thành quốc nạn mới ở Việt Nam.
"Phổ cập" Thạc sĩ đang trở thành quốc nạn mới ở Việt Nam.

“Phổ cập” thạc sĩ

Câu chuyện đào tạo thạc sĩ ở Việt Nam hiện nay đã trở thành hiểm họa cho nền giáo dục. Dường như bằng thạc sĩ bây giờ trở thành “phổ cập”, bằng chứng là mỗi năm cả nước có hàng chục ngàn thạc sĩ được đào tạo ra trường, nhưng vẫn thất nghiệp. Việc này xuất phát từ tình trạng các trường xin mở ngành đào tạo thạc sĩ một cách tràn lan, chưa chú trọng đến kỹ năng chuyên môn; đồng thời phía các cơ quan nhà nước cũng chú trọng tuyển dụng nhân sự cố bằng cấp mà không thực sự chú ý tới chuyên môn, kỹ năng thực tế.

Nói về những bất cập trong đào tạo sau đại học, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nguyên nhân của tình trạng học – đạo tạo thạc sĩ tràn lan là do tâm lý sính bằng cấp của một bộ phận, bên cạnh đó chính các cơ quan nhà nước khi tuyển dụng cũng đề cao bằng cấp (chứ không mấy khi đề cao thực hành).

“Ở khối tư nhân, họ tuyển người bằng những bài thực hành cụ thể, thậm chí không cần bằng mà vẫn nhận. Còn các cơ quan nhà nước thì cứ phải bằng đẹp mới lọt cửa, đó chính là vì nhiều lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước cũng leo lên từ bằng cấp chứ họ không có thực chất nên chính họ không đánh giá được người thực sự có khả năng và người chỉ có cái bằng", PGS Nhĩ đánh giá.

PGS Trần Xuân Nhĩ: Người ta sẵn sàng làm bậy vì chưa có chế tài xử phạt đủ mạnh.
PGS Trần Xuân Nhĩ: Người ta sẵn sàng làm bậy vì chưa có chế tài xử phạt đủ mạnh.

Để thay đổi thực trạng này không khó, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục đề nghị: "Thứ nhất, các cơ quan nhà nước phải thay đổi tâm lý tuyển dụng, như thời gian vừa qua một số tỉnh còn tuyên bố chỉ tuyển cử nhân tốt nghiệp đại học hệ công lập, không tuyển hệ cao đẳng và đại học ngoài công lập. Thứ hai là nhà nước cần phải có một cuộc tổng kiểm tra lại bằng cấp của tất cả thạc sĩ, ai không đạt thì loại bỏ và phải nghiêm khắc xử lý cả người học và đơn vị cấp bằng. Người ta sẵn sàng làm bậy là vì bấy lâu nay chúng ta không có chế tài đủ mạnh để xử”.

PGS.TS Đặng Xuân Thư - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, hiện nay nhu cầu học thạc sĩ lớn nên mỗi năm trường xin chỉ tiêu đào tạo khoảng 1.300 đến 1.400 thạc sĩ. Năm 2012, trường đăng kí với Bộ GD-ĐT xin 1.400 chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ.

PGS Thư cũng chia sẻ một thông tin quan trọng: “Những năm gần đây, số sinh viên mới tốt nghiệp đại học có nhu cầu học thạc sĩ tăng cao bởi sau khi tốt nghiệp cử nhân xong, sinh viên chưa tìm được việc làm nên họ muốn học lên cao học. Đồng thời, họ cũng muốn nâng cao bằng cấp, vừa tranh thủ thời gian chưa tìm được việc để đi học.

Năm 2012, trường đăng kí hơn 1.000 chỉ tiêu nhưng nhu cầu của người học cao học vẫn vượt con số này. Sau kỳ thi trường tuyển được 70% chỉ tiêu, nhưng trong số đó có tới 30% học viên là sinh viên mới ra trường”.

Trước những bất cập trong công tác đào tạo sau đại học, GS.TSKH.AHLĐ Bùi Đại – Nguyên Viện trưởng BV Quân đội 108, bày tỏ: “Tôi đã có nhiều năm là Phó Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, rất nhiều lần tham gia các hội đồng chấm luận án Tiến sĩ, thì thấy rằng nhiều người làm Tiến sĩ chỉ để có cái hình thức, chứ họ không thực sự nghiên cứu. Tài liệu tham khảo liệt kê ra hàng trăm loại, nhưng thực chất nhiều luận án không sử dụng đến 10% tài liệu mà họ đã kê khai là tham khảo.

Đối với bậc Tiến sĩ còn như vậy, nên tôi chẳng bất ngờ gì khi mà chất lượng đào tạo Thạc sĩ kém cỏi. Tương lai của đất nước này sẽ rất đen tối nếu không giải quyết dứt điểm được thực trạng này”.

Cơ chế xin cho đẻ ra “sính bằng cấp”

TS Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi thì đưa ra đánh giá, tâm lý chạy theo bằng cấp vì chúng ta vẫn còn cơ chế xin cho; đa phần các gia đình cũng muốn con em có tấm bằng rồi nhét vào một cơ quan nhà nước, nghiễm nhiên thành “công chức”.

“Để có được chức Phó phòng hay Trưởng phòng ở nhiều cơ quan nhà nước thì họ lại phải cố lấy được bằng Thạc sĩ, thậm chí cao hơn nữa. Tâm lý sính bằng cấp đang khiến Việt Nam bị tụt hậu. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nay rồi nhưng chưa được xử lý, gần nhất Bộ Nội vụ cũng đã lên tiếng về tình trạng này.

Theo tôi, cái bất hợp lý ở đây không chỉ là hàng nghìn con người đang ăn bám vào đồng lương nhà nước, mà nguy hiểm hơn là họ không có năng lực thực sự thì sẽ làm cho nền hành chính trì trệ thêm. Họ chính là gánh nặng mà hàng triệu người dân đang phải gánh”, TS Luận đánh giá.

TS Nguyễn Tiến Luận: Tâm lý chạy theo bằng cấp bị đè nặng bởi cơ chế xin cho.
TS Nguyễn Tiến Luận: Tâm lý chạy theo bằng cấp bị đè nặng bởi cơ chế xin cho.

TS Nguyễn Tiến Luận cảnh báo, cái bằng là điều kiện cần nhưng nó không phải là yếu tố quyết định sự thành danh của một con người, và trên thực tế nhiều sinh viên không học cho mình mà “học cho bố mẹ”, thậm chí nhiều người cũng chẳng thiết tha gì với công việc, họ cần bằng cao cho oai.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ để thay đổi triệt để “tâm lý bằng cấp” chẳng dễ dàng gì, vì đúng là ngay chính sách mà Bộ Giáo dục đang áp xuống các trường là khi mở ngành thì phải có người đứng đầu là Tiến sĩ. Tôi cho rằng, quy định như vậy là máy móc và không phù hợp với thực tế hực tế. Thí dụ, ngành Kiến trúc, Mỹ thuật, nghệ thuật, năng khiếu khác... sinh viên cần những giảng viên có kiến thức thực tế, vì vậy đâu cần phải 100% giảng viên phải là tiến sĩ, thạc sĩ”, TS Luận chỉ rõ.

Trong khi đó, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, rất hiếm nghiên cứu sinh tham gia các hoạt động chuyên môn, trợ giảng, nghiên cứu, hướng dẫn sinh viên thực tập hoặc nghiên cứu khoa học tại cơ sở đào tạo theo sự phân công của đơn vị chuyên môn; một số thầy tham gia quá nhiều hội đồng chấm, đến mức không kịp đọc hoặc không cần đọc luận văn, luận án, chỉ copy từ bản lưu trong máy vi tính ra những nhận xét chung chung, có thể áp dụng vào bất kỳ luận văn, luận án nào.

Hầu hết cơ sở đào tạo để học viên cao học và nghiên cứu sinh trực tiếp chuyển luận văn, luận án đến nhà thành viên hội đồng chấm luận án kèm theo phong bì tiền.

Để giải quyết thực trạng này, GS Nguyễn Minh Thuyết đề nghị: “Tổ chức kiểm định chất lượng chịu trách nhiệm khảo sát định kỳ và bất thường chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo theo đề nghị của cơ quan quản lý Nhà nước về đào tạo hoặc đề nghị của cơ sở đào tạo. Căn cứ kiểm định là bộ chuẩn đánh giá chất lượng.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm định chất lượng có trách nhiệm xếp hạng và công bố bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo đã được kiểm định theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước. Bảng xếp hạng này góp phần định hướng cho học viên chọn cơ sở đào tạo và định hướng cho đơn vị sử dụng lao động tuyển nhân sự, đồng thời cũng buộc cơ sở đào tạo không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo của mình”.

Diệu Linh