Chỉ dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc

10/05/2015 06:00
Ngọc Quang
(GDVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đào tạo nghề phải đa dạng, cụ thể, sát nhu cầu của người dân và thực tiễn sản xuất.

Theo đó, chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và có khả năng thu nhập cao hơn sau học nghề.

Phó Thủ tướng yêu cầu khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc chủ động đào tạo, nâng cao tay nghề của người lao động. Kiên quyết không để các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện, tổ chức kém hiệu quả tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. UBND cấp tỉnh tổ chức triển khai các hoạt động của Đề án 1956 và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.

Đồng thời thực hiện việc lồng ghép, huy động các nguồn lực trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn một cách linh hoạt, phù hợp giữa các đề án, chương trình khác nhau, giữa các đối tượng đào tạo, các địa phương; lồng ghép với các vấn đề về giới, về môi trường, văn hóa, xã hội, kiến thức kinh doanh trong quá trình đào tạo nghề để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Thiết bị dạy nghề ở tỉnh KonTum được đầu tư hàng trăm triệu đồng, nhưng không có học viên. ảnh: vov.
Thiết bị dạy nghề ở tỉnh KonTum được đầu tư hàng trăm triệu đồng, nhưng không có học viên. ảnh: vov.

Bên cạnh đó thực hiện phương thức hỗ trợ chi phí đào tạo cho người học nghề thông qua cơ sở đào tạo; chỉ hỗ trợ trực tiếp (tiền ăn, tiền đi lại) cho người học thuộc một số đối tượng ưu tiên (người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động nữ bị mất việc làm) và tập trung kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu ra.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn, không phân biệt cơ sở công lập hay ngoài công lập nếu đáp ứng các điều kiện dạy nghề, nhất là về giáo viên, chương trình, thiết bị dạy nghề.

Tăng cường công tác tư vấn đối với lao động nông thôn trong việc lựa chọn nghề để học và có điều kiện làm nghề sau khi học. Chú trọng việc thông tin, tuyên truyền trực tiếp cho lao động nông thôn trong quá trình đào tạo; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức thông tin rộng rãi về những người lao động của mình đã thành công sau học nghề.

Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Điều 1 Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956) (giai đoạn 2010-2014), cả nước đã có gần 3,2 triệu lao động nông thôn được học nghề, đạt 70,8% mục tiêu Đề án (trong 5 năm dạy nghề cho 4,5 triệu người); đặt hàng dạy nghề trình độ cao đẳng, trung cấp cho 10.534 người thuộc diện hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có khó khăn về kinh tế.

Số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề đạt 90,4% kế hoạch cả giai đoạn 2010-2014. Trong số hơn 1,9 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề xong, có hơn 1,5 triệu người có việc làm sau học nghề, đạt 78,7%, cao hơn 8,7% so với mục tiêu tối thiểu của Đề án là 70% số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề

Ngọc Quang