Chỉ mỗi chuyện đánh vần, bao năm rồi mà vẫn cứ rối tinh lên thế?

03/09/2018 06:23
Phan Tuyết
(GDVN) - Từ bao năm qua, các nhà cải cách giáo dục cứ loay hoay thay đổi hết cách đọc, cách phát âm này (chương trình cũ) qua cách đọc, cách phát âm khác.

LTS: Sau đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách dạy con lớp 1 đánh vần đang hút sự quan tâm của nhiều người với những tranh luận trái chiều, khó hiểu, chia sẻ về vấn đề cải cách giáo dục cô Phan Tuyết đã đưa ra quan điểm của mình thông qua bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Mới đây, xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh cô giáo một trường tiểu học đang hướng dẫn phụ huynh cách dạy con lớp 1 đánh vần.

Nội dung trong clip là giáo viên đang hướng dẫn cách đọc ba tiếng ca, ki, qua. Cụ thể (tiếng ca đọc là cờ a ca; ki là cờ i ki; qua là cờ oa qua).

Giáo viên lưu ý “Khi nào cờ i ki viết con chữ K? Đó là khi đứng trước i viết con chữ K. Còn khi đứng trước âm đệm (U) được viết thành con chữ qu (cu).

Cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách dạy đánh vần. (Ảnh minh họa: Báo VTC News).
Cô giáo hướng dẫn phụ huynh cách dạy đánh vần. (Ảnh minh họa: Báo VTC News).

Clip được hàng trăm nghìn lượt xem và chia sẻ cùng với rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều nhưng ý kiến phản đối, phê phán vẫn chiếm đa số.

Bởi nhiều người cho rằng, cách đánh vần này, khác xa những gì họ từng biết, từng học.

Được biết đây chính là cách đánh vần theo sách công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Hiện nay, trên cả nước, vẫn tồn tại song song hai 2 bộ sách tiếng Việt: sách cải cách giáo dục của Bộ giáo dục và Đào tạo và sách công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Tìm hiểu cách đánh vần theo chương trình công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.

Điểm khác biệt lớn nhất của chương trình này là đánh vần theo âm không đánh vần theo chữ như chương trình hiện hành.

Ví dụ: ca: /cờ/ - /a/ - /ca/; ke:/cờ/ - /e/ - /ke/; que:/cờ/ - /uê/ - /quê/

Chỉ mỗi chuyện đánh vần, bao năm rồi mà vẫn cứ rối tinh lên thế? ảnh 2Những ngôn từ khó hiểu trong sách Tiếng Việt lớp 1 của GS.Hồ Ngọc Đại

Do đánh vần theo âm nên khi viết phải viết theo luật chính tả; Âm /cờ/ đứng trước âm /e/; /ê/; /i/ phải viết bằng chữ k (ca). Âm /cờ/ đứng trước âm đệm phải viết bằng chữ q (cu), âm đệm viết bằng chữ u.

Học sinh đánh vần theo cơ chế 2 bước: Bước 1 là đánh vần tiếng thanh ngang (tách ra phần đầu và phần vần). Ví dụ: ba: /bờ/ - /a/ - /ba/. Bước 2 là đánh vần tiếng có thanh (tạm thời tách thanh ra để lại thanh ngang). Ví dụ: bà: /ba/ -huyền - /bà/.

Cách đánh vần theo chương trình cải cách giáo dục

Khác biệt lớn nhất của chương trình cải cách của Bộ Giáo dục là đánh vần theo chữ không phải đánh vần theo âm như chương trình công nghệ giáo dục.

Ví như ca đọc là /cờ/-/a/-/ca/; ki đọc là /ka/-/i/-/ki/; qua đọc là /quờ/-/q/-/qua/. Với cách đọc này hoàn toàn khác với cách đọc ở chương trình công nghệ nêu trên.

chương trình cải cách của Bộ Giáo dục cần phân biệt tên gọi chữ cái và âm đọc chữ cái.

Chẳng hạn: Chữ b, tên gọi là "bê", âm đọc là "bờ"Để nhớ và phân biệt tên gọi và âm đọc có thể dùng câu sau:

Chữ "bê" (b) em đọc là "bờ"

Chữ "xê" (c) em đọc là "cờ", chuẩn không?

Đặc biệt có 3 chữ cái c (xê), k (ca), q (quy) đều đọc là "cờ". Theo thầy Trần Mạnh Hưởng thì chữ "q" không gọi tên là "cu" nữa mà gọi tên là "quy".

Chỉ mỗi chuyện đánh vần, bao năm rồi mà vẫn cứ rối tinh lên thế? ảnh 3Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại qua góc nhìn trực diện từ cơ sở

Với các phụ âm, nguyên âm ghi bởi 2 - 3 chữ cái. Ví dụ chữ ghi âm iê đọc là i-ê; yê đọc là i-ê; uô đọc là u-ô hay ng đọc là ngờ; ngh cũng đọc là ngờ…

Cách đánh vần một tiếng như tiếng an có vần "an" và thanh ngang, không có âm đầu. Đánh vần: a - nờ - an.

Tiếng ám có vần "am" và thanh sắc, không có âm đầu. Đánh vần: a - mờ - am - sắc - ám.

Tiếng bầu có âm đầu là "b", có vần "âu" và thanh huyền. Đánh vần: bờ - âu - bâu - huyền - bầu.

Tiếng nhiễu có âm đầu là "nh", có vần "iêu" và thanh ngã. Đánh vần: nhờ - iêu - nhiêu - ngã - nhiễu.

Tiếng Nguyễn cóâm đầu là "ng", có vần "uyên" và thanh ngã. Vần "uyên" có âm đệm là "u", âm chính là "yê", âm cuối là "n". Đánh vần "uyên" là: u - i - ê - nờ - uyên hoặc u - yê(ia) - nờ - uyên. Đánh vần "Nguyễn" là: ngờ - uyên - nguyên - ngã - nguyễn.

Với từ có 2 tiếng Con cá, ta đánh vần từng tiếng: cờ - on - con - cờ - a - ca - sắc - cá.

Chẳng biết đâu mà lần

Hai đứa trẻ lớp 1 gặp nhau cãi nhau chí chóe về cách đọc, cách đánh vần. Đứa thì bảo cô mình dạy thế này, đứa kia cãi lại cô mình dạy thế kia.

Người lớn đi ra cũng chẳng thể phân thắng bại vì nghe bên nào nói cũng có lý. Nhờ giáo viên phân giải giúp nhưng khổ nỗi cũng mỗi giáo viên mỗi kiểu.

Chỉ mỗi chuyện đánh vần, bao năm rồi mà vẫn cứ rối tinh lên thế? ảnh 4Thày Thuyết trả lời về tuổi thọ chương trình mới, sách Công nghệ giáo dục

Vì cô giáo dạy thời xa xưa (nay đã về hưu) có cách đọc và đánh vần khác cô giáo dạy chương trình cải cách bây giờ và càng khác với chương trình sách công nghệ giáo dục.

Nhiều phụ huynh cũng bức xúc lên tiếng vì về dạy cho con đánh vần như ngày trước mình từng học nhưng con cứ không nghe và một mực “mẹ dạy sai rồi, cô con không dạy thế”.

Có phụ huynh phản ứng “chỉ là dạy biết cách đọc và viết thôi sao cứ phải thay đổi lằng nhằng mãi?”

Mục tiêu của việc dạy vần tiếng Việt là giúp người học, đọc, viết được tiếng Việt trong một thời gian ngắn.

Thế nhưng từ bao năm qua, các nhà cải cách giáo dục cứ loay hoay thay đổi hết cách đọc, cách phát âm này (chương trình cũ) qua cách đọc, cách phát âm khác (chương trình cải cách giáo dục của Bộ).

Và ngay đến bây giờ, vẫn còn tồn tại cùng lúc 2 phương pháp dạy đọc khác nhau (chương trình công nghệ giáo dục và chương trình hiện hành).

Điều này không chỉ gây khó khăn cho giáo viên khi dạy mà còn làm khó phụ huynh không thể dạy nổi con mình dù con mới vào lớp 1.

Phan Tuyết