Chỉ tiêu Kế hoạch nhỏ đang biến nhiều học sinh thành đồng nát, ve chai

24/01/2019 06:44
Phan Tuyết
(GDVN) - "Kế hoạch nhỏ" đã làm được nhiều việc lớn trong thời kỳ đất nước chiến tranh, nhưng trong thời bình và hội nhập, chỉ tiêu thi đua đã làm mất ý nghĩa ban đầu.

Chúng tôi xin được nói ngay rằng, đồng nát hay ve chai hoàn toàn là công việc lương thiện và đang góp phần làm sạch môi trường ngày càng ô nhiễm nặng nề, đáng được tôn trọng và nhận lời cảm ơn từ xã hội, đặc biệt là những ai có thói quen xấu, xả rác bừa bãi.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ muốn phản ánh một khía cạnh khác của việc áp chỉ tiêu phong trào "Kế hoạch nhỏ" trong các nhà trường, đã khiến nhiều em học sinh phải làm công việc bất đắc dĩ, thu gom ve chai, giấy vụn cho đủ chỉ tiêu trường giao.

"Trẻ em như búp trên cành,

Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan."

Đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phòng trào “Kế hoạch nhỏ” là một trong các phong trào lớn của Đội thiếu nhiên tiền phong Hồ Chí Minh.

Phòng trào ra đời từ những năm 1958, thời kì đất nước còn khó khăn, hoạt động này từng phát huy tác dụng tích cực với nhiều hình thức để gây quỹ theo tinh thần tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình.

Điển hình như tham gia lao động sản xuất tại gia đình và tại trường, bằng việc: thu nhặt giấy vụn, ve chai, phế liệu (hoàn toàn tự nguyện)... để góp phần gây quỹ xây dựng các công trình của Đội, như đoàn tàu Thiếu niên tiền phong, khách sạn Khăn Quàng Đỏ…

Học sinh làm kế hoạch nhỏ (Ảnh minh họa của Báo Bình Dương)
Học sinh làm kế hoạch nhỏ (Ảnh minh họa của Báo Bình Dương)

Thế nhưng, những năm gần đây, nhiều địa phương đã làm sai lệch ý nghĩa quan trọng nhất của các hoạt động kế hoạch nhỏ bằng việc ra chỉ tiêu bắt học sinh phải nộp giấy vụn, lon bia …

Vì thế, dư luận đã xuất hiện những luồng ý kiến trái chiều về việc nên hay không nên duy trì phong trào kế hoạch nhỏ kiểu này.

Ý nghĩa tốt đẹp của phong trào “Kế hoạch nhỏ” đã bị méo mó

Nếu như phong trào “Kế hoạch nhỏ” trước đây, phát động trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện thì nay việc phát động gần như bắt buộc.

Nhiều địa phương đưa công văn về trường yêu cầu “Mức vận động” một cách cụ thể:

Đối với học sinh Tiểu học: thu gom phế liệu quy đổi tương đương giá trị tối thiểu 1,5 kg giấy/em/năm học.

Đối với học sinh Trung học cơ sở: thu gom phế liệu quy đổi tương đương giá trị tối thiểu 2,5kg giấy/em/năm học.

Công văn còn lưu ý Tùy tình hình thực tế tại các trường có thể tăng mức vận động đóng góp”.

Chỉ tiêu Kế hoạch nhỏ đang biến nhiều học sinh thành đồng nát, ve chai ảnh 2

Chuyện buồn "Kế hoạch nhỏ"

Khi đã giao chỉ tiêu ai cũng hiểu điều đó là bắt buộc. Bởi nếu không bắt buộc thì tại sao phải giao chỉ tiêu?

Nếu đúng tinh thần tự nguyện thu gom, thì các em làm được bao nhiêu sẽ tốt bấy nhiêu.

Có chỉ tiêu, ắt có đánh giá và ghi nhận. Bên được giao cũng phải cố gắng hoàn thành. Thế là có khá nhiều chuyện buồn xảy ra xung quanh câu chuyện “Kế hoạch nhỏ” tại trường học.

Những câu chuyện người lớn phải ngẫm

Phong trào “Kế hoạch nhỏ” ở các địa phương luôn được phát động vào những ngày giáp Tết.

Không nói thì ai cũng biết người ta chọn thời điểm này không ngoài mục đích huy động học sinh quyên góp, lon bia, vỏ chai, vỏ nhựa ở các gia đình trong những ngày Tết.

Mặc dù trong các văn bản phát động gửi về trường học luôn có Lưu ý: Tuyệt đối không để tình trạng các em mua giấy bên ngoài để nộp; không thu tiền mặt từ đội viên, thiếu nhi dưới mọi hình thức”.

Thế nhưng ai có thể kiểm soát được việc "các em mua giấy bên ngoài để nộp?" Nếu không phải gia đình làm nghề in ấn hay sử dụng đến giấy thường xuyên, lấy đâu ra giấy vụn để nộp?

Ở thành phố, khi không gian sinh hoạt của nhiều gia đình còn chật hẹp, chỗ nào cho các cháu tích trữ giấy vụn "Kế hoạch nhỏ"? Xảy ra hỏa hoạn ai sẽ chịu trách nhiệm?

Khi nhà trường phát động phong trào cũng đưa chỉ tiêu về từng học sinh (theo công văn của Đội). 

Điều nghịch lý ở đây, bản chất của phong trào “Kế hoạch nhỏ” là khuyến khích thiếu nhi tham gia hoàn toàn tự nguyện. Nhưng kế hoạch nhỏ của Đội bây giờ lại có chỉ tiêu rõ ràng.

Đã có trường vì muốn thu gom được nhiều nên phát động thành phong trào lớn. Đưa kết quả thu gom của từng lớp vào việc xét thi đua của Đội.

Đã có những thầy cô vì muốn lớp mình đạt hoặc vượt chỉ tiêu Đội nêu ra nên có phần ép học sinh phải nộp ít nhất bằng chỉ tiêu của Đội quy định.

Trẻ nhỏ muốn được thầy cô khen, nhiều em đã mang khá nhiều vỏ lon lên trường để nộp.

Có trẻ muốn bằng bạn, về đòi ba mẹ phải kiếm ra cho bằng được (dù trong nhà không có). Nếu không đi mua sẽ lấy số lượng đâu để nộp?

Thế là những danh hiệu “Dũng sĩ Kế hoạch nhỏ”; “Kiện tướng Kế hoạch nhỏ”… đã ra đời.

Nhiều người trong chúng ta luôn có suy nghĩ thời buổi này dăm ba chục vỏ lon bia, lon nước ngọt thì có khó gì?

Thế nhưng trong thực tế, có những gia đình cả mùa Tết con cái chưa kiếm được mươi cái vỏ lon.

Chỉ tiêu Kế hoạch nhỏ đang biến nhiều học sinh thành đồng nát, ve chai ảnh 3

Cứ thi đua là ... biến tướng

Chúng tôi đã từng nghe học sinh nói mà xót lòng: “Cô ơi! Con không có ba nên nhà con không có bia, chỉ có vài lon nước ngọt nhưng anh con giành hết rồi”.  

Có em lên lớp còn mếu máo: “Mẹ con không cho lon đi nộp. Mẹ con bán hết rồi”.

Nhà đông anh em đi học, chuyện tranh giành nhau dăm cái vỏ lon dẫn đến mất đoàn kết trong gia đình chẳng phải là không có.

Nhà không có vỏ lon, không đi mua chỉ còn cách đi kiếm. Mà kiếm ở đâu khi có khá nhiều người thu gom ve chai để bán?

Chúng tôi từng chứng kiến cảnh vài ba em học trò đứng nhìn chằm chằm vào bàn khách nhậu, để mỗi lần một cái vỏ lon quăng xuống là lao vào giành giật trông vô cùng đáng thương và phản cảm.

Thương con, không ít gia đình dùng cách đi mua vỏ lon, mua giấy cho con mang nộp cho đủ chỉ tiêu.

Cần thay đổi cách làm

Có thể phát động phong trào “Kế hoạch nhỏ” trong tổ chức Đội ở nhà trường bằng việc thu gom các loại giấy phế liệu (sách, vở, giấy báo cũ…) không còn giá trị sử dụng tại phòng học, sân trường…

Việc này, nên phát động bắt đầu vào năm học mới. Vì trong thực tế, ở nhiều trường học hiện nay chưa tận dụng hết các loại giấy vụn mà học sinh thải ra.

Mỗi lớp cần để một bao thu gom giấy cuối phòng học. Hết học kì, các lớp giao nộp cho Đội. Lớp có nhiều nộp nhiều, lớp có ít nộp ít mà không đưa ra chỉ tiêu, không đưa vào thi đua các lớp.

Việc phát động này chỉ mang tính khuyến khích, động viên các em biết bảo vệ môi trường và biết tận dụng đồ phế thải làm việc có ý nghĩa.

Phan Tuyết