Chỉ tiêu ảo đâu phải chỉ có ở trường chuẩn quốc gia

20/01/2016 07:04
Thùy Linh
(GDVN) - Muốn công bằng trong giáo dục thì phải kiểm tra đánh giá. Nhưng vì chỉ tiêu ảo đã khiến người giáo viên trở thành kẻ “bẻ bút” ray rứt lương tâm.

Nhiệm vụ và vinh dự của giáo viên là được truyền tải kiến thức, kỹ năng sống đến học trò. Muốn đảm bảo tính công bằng trong ngành giáo dục thì kiểm tra đánh giá chính là thước đo. 

Ấy thế mà, chính việc kiểm tra ấy lại biến những “người lái đò” trở thành người không công bằng, “xô cân”, “bẻ bút”, không trung thực với chính mình, với chính học sinh của mình và với cả phụ huynh học sinh vì các chỉ tiêu ảo. 

Ngày 19/1, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Lương tâm cắn rứt của người giáo viên dạy trường chuẩn quốc gia”, Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của các thầy cô giáo trên cả nước. 

Chỉ tiêu ảo đâu phải chỉ có ở trường chuẩn quốc gia (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Chỉ tiêu ảo đâu phải chỉ có ở trường chuẩn quốc gia (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Trao đổi với phóng viên, một cô giáo dạy tại trường Tiểu học thuộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Đối với các trường trước khi đón danh hiệu “trường chuẩn quốc gia” thì đã được nhận chỉ thị từ một vài năm trước. 

Khi nhận được chỉ thị, ít nhất là trong 1-2 năm Nhà trường có sự luân chuyển giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất đồng thời đó là thời gian giáo viên ròng rã kèm học sinh 2 buổi/ngày đều đặn trong khi trước đó việc học 2 buổi/ngày là rất ít. 

Rèn luyện trước 1-2 năm nhằm thực hiện đủ chỉ tiêu từ cấp trên đưa ra bằng mọi cách nếu không vẫn không đạt thì tự khắc giáo viên phải làm cho đạt. Bởi chất lượng học sinh dù có “ảo” cũng không khổ bằng việc giáo viên bị hạ bậc thi đua vì có nhiều học sinh của bộ môn mình dạy đạt điểm số thấp.

Liệu rằng, khi đứng trên bục giảng người giáo viên có thực sự được dồn hết tâm trí để sáng tạo cho bài giảng hay chưa? 

Khi mà hiện nay giáo viên chịu sức ép nặng nề từ chỉ tiêu học sinh giỏi (lớp không được có học sinh trung bình, yếu), chỉ tiêu học sinh lên lớp, chỉ tiêu học sinh đỗ tốt nghiệp, chỉ tiêu đạo đức học sinh…luôn trở thành nỗi ám ảnh mỗi khi giáo viên cầm lên tay viên phấn. 

Cứ ngỡ rằng chỉ có “trường chuẩn quốc gia” mới có chỉ tiêu ảo khiến giáo viên đau khổ, lương tâm cắn rứt.

Tuy nhiên, khi phóng viên có liên hệ với thầy cô giáo không giảng dạy tại các điểm trường chuẩn quốc gia thì lương tâm người giáo viên không chỉ “cắn rứt” mà còn mang cảm giác tội lỗi.

Chỉ tiêu ảo đâu phải chỉ có ở trường chuẩn quốc gia ảnh 2

Thầy cô khốn khổ, áp lực bởi các chỉ tiêu ảo

(GDVN) - Năm này qua năm khác, áp lực này chồng lên áp lực khác, giáo viên quay cuồng như con thoi, ngụp thở như thợ lặn mà không biết phải kêu ai.

 
Trong khi đó, một giáo viên Tiểu học dạy tại điểm trường thường (chưa đạt “trường chuẩn quốc gia”) tại tỉnh Đắk Nông cho biết: Mặc dù học sinh có học kém, năng lực yếu nhưng theo chỉ thị về quy định phổ cập giáo dục theo độ tuổi thì giáo viên phải chấp hành. 

Chỉ thị nêu rõ, 8 tuổi học lớp 3, 9 tuổi phải học lớp 4 cho nên dù cả trường có bao nhiêu học sinh thì cuối kỳ học, cuối năm học ít nhất 98% phải đạt chuẩn (lên lớp), 2% không đạt thường nằm ở học sinh lớp 1 do đọc yếu, viết sai thì phải ở lại lớp còn đối với lớp 4, lớp 5 thì kiểu gì giáo viên cũng phải nâng đỡ. 

Nếu không cho học trò lên lớp thì không đáp ứng đủ chỉ tiêu chung của Nhà trường mà cứ cho lên thì thấy trái với lương tâm nghề nghiệp nhưng đó là chỉ thị từ cấp trên nên buộc phải “phục tùng”. 

Trước đây, điểm 10 là Giỏi, điểm 5 là Trung Bình nhưng giờ học sinh chỉ đạt được điểm 3 mà chúng tôi vẫn phải vớt vát
”, giáo viên buồn bã nói. 

Thùy Linh