Chia lớp, phân công chủ nhiệm và giảng dạy, chuyện không nhỏ ở nhà trường

20/08/2017 06:40
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Nhà trường, thầy cô giáo cần làm tốt công tác tư tưởng, giúp các em nhận thấy việc dồn, chia lại lớp là tốt cho nhà trường, tốt cho các em và phụ huynh.

LTS: Từ kinh nghiệm và thực tế mà bản thân đã đúc rút được, trong bài viết này tác giả Sông Trà - một thầy giáo với nhiều năm gắn bó với nghề, đã gửi nêu ra những khó khăn, bất cập trong việc chia lớp, phân công chủ nhiệm và giảng dạy ở các trường phổ thông hiện nay.

Theo đó, tác giả cho rằng, làm tốt việc chia lớp, phân công chủ nhiệm và giảng dạy ngay từ đầu năm học sẽ có tác dụng không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Từ thời còn là học sinh phổ thông và hiện tại đã làm một thầy giáo với nhiều năm công tác, tôi từng chứng kiến nhiều xáo trộn, đổi thay của những lớp học phổ thông. 

Khối lớp, học sinh ngày càng teo tóp, giảm dần, buộc nhà trường phải cắt lớp, dồn học sinh lại để đảm bảo sĩ số theo quy định, tiết kiệm được phần kinh phí, cơ sở vật chất và nguồn lực con người.

Có lớp, học sinh cá biệt nhiều hoặc chất lượng học tập quá yếu, gây khó khăn cho công tác quản lý, phân công chủ nhiệm và giảng dạy đã khiến nhà trường phải xáo trộn tất cả, chia đều về các lớp. 

Các em học sinh, nhất là bậc trung học phổ thông, sau một thời gian học cùng lớp, có nhiều tình cảm, kỷ niệm đẹp về lứa tuổi học trò với nhau, đều có chung mong muốn, nguyện vọng được giữ nguyên, đừng xáo trộn, chia đều lớp. 

Hình ảnh minh họa nỗi niềm luyến tiếc của các em học sinh khi chia tay bạn bè vì tách lớp (Ảnh: news.zing.vn)
Hình ảnh minh họa nỗi niềm luyến tiếc của các em học sinh khi chia tay bạn bè vì tách lớp (Ảnh: news.zing.vn)

Không ít em thể hiện sự phản đối quyết liệt đối với quyết định của nhà trường, dọa bỏ học hàng loạt…. 

Không ít em rơi vào trạng thái buồn bã, hụt hẫng một thời gian dài khi bị chia tách lớp, phải xa cách những người bạn thân thiết của mình. 

Nhà trường có quyền đưa ra quyết định điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức các khối, lớp nếu thấy hợp lý và cần thiết. 

Tuy nhiên, nhà trường, thầy cô giáo cần làm tốt công tác tư tưởng, giúp các em nhận thấy việc dồn, chia lại lớp là tốt cho nhà trường, tốt cho các em và phụ huynh. 

Cách phân công giáo viên chủ nhiệm và giảng dạy ở các nhà trường phổ thông lâu nay cũng muôn hình, muôn vẻ. 

Có trường thì áp dụng hình thức bốc thăm “hên - xui” để các thầy cô cảm thấy được thỏa mái, công bằng, không bị phân biệt đối xử. 

Chia lớp, phân công chủ nhiệm và giảng dạy, chuyện không nhỏ ở nhà trường ảnh 2

Khi dạy và chủ nhiệm, lớp chưa tốt sẽ để cho ai?

Có trường lại cho giáo viên chủ nhiệm và giảng dạy theo lớp từ 2 năm đến 4 năm liên tục. Với lý do, từng chủ nhiệm và giảng dạy những lớp đó thì sẽ nắm bắt, hiểu kỹ tâm tính, đạo đức, năng lực học tập của từng em  rồi, sẽ rất thuận lợi, dễ thành công trong công tác quản lý ở các năm học tiếp theo. 

Có nhà trường, phân công chủ nhiệm và giảng dạy theo kiểu mỗi năm mỗi khác, tức là không chủ nhiệm và không giảng dạy lại những lớp đã từng chủ nhiệm và giảng dạy năm trước đó. 

Lập luận được đưa ra là, để mỗi năm các em luôn được học giáo viên mới, bởi mỗi thầy cô chủ nhiệm và giảng dạy sẽ có cách  quản lý và phương pháp truyền đạt riêng biệt, dễ tạo thêm nhiều hứng thú, động lực mới cho học sinh hơn. 

Đồng thời, ngăn chặn được chuyện một số giáo viên “chơi không đẹp” có biểu hiện khó chịu, chiếu tướng… với những học sinh hay làm trái ý hoặc không đi học thêm mình. Mỗi cách phân công đều có ưu, nhược, điểm mạnh, điểm yếu… khá rõ ràng. 

Theo tôi, trước khi phân công giáo viên chủ nhiệm và giảng dạy, nhà trường nên tổ chức thăm dò, lấy ý kiến của tập thể lớp, của học sinh để biết được rằng từng khối lớp, học sinh có mong muốn gì ở nhà trường, thầy cô giáo. 

Từ đó, đưa ra cách phân công chủ nhiệm và giảng dạy phù hợp nhất vừa đạt được mục tiêu, yêu cầu của nhà trường vừa thỏa mãn được nguyện vọng chính đáng của học sinh, từng tập thể lớp. 

Làm tốt việc chia lớp, phân công chủ nhiệm và giảng dạy ngay từ đầu năm học sẽ có tác dụng không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay. Các nhà trường chớ xem nhẹ.

SÔNG TRÀ