Chiếc tủ kỳ diệu của các cô giáo mầm non

17/11/2016 09:42
Tam Anh
(GDVN) - Do trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, các cô giáo tại Hậu Giang đã phát minh ra mô hình "Chiếc tủ kỳ diệu" để các bé thêm hứng thú đến trường.

LTS: Xuất phát từ niềm yêu trẻ, tận dụng những sản phẩm tưởng như bỏ đi, hai giáo viên trường Mẫu giáo Sơn Ca (Hậu Giang) đã sáng tạo mô hình ấn tượng “Chiếc tủ kỳ diệu”.

Mô hình này đã đạt giải nhì trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang lần thứ VIII năm 2015.

Bài viết do độc giả Tam Anh gửi đến. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Với mong muốn nâng cao chất lượng giảng dạy, hai giáo viên trường Mẫu Giáo Sơn Ca (Thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) đã thiết kế thành công mô hình “Chiếc tủ kỳ diệu”.

Thông qua mô hình này, các cô Nguyễn Thị Nga và Ngô Thị Thanh Trúc (tác giả của mô hình) hi vọng sẽ kích thích sự sáng tạo và tạo tâm lý thoải mái cho trẻ trong các bài giảng trên lớp.

Cô Nguyễn Thị Nga cho biết: “Thông qua chiếc tủ này, giáo viên là người dạy các cháu học, kể chuyện; sau đó các cháu thực hiện lại những nội dung, kể lại câu chuyện thông qua hình ảnh trên tủ. 

Hơn nữa, học sinh còn tự khám phá, thiết kế ra những câu chuyện khác theo suy nghĩ của mình
”.

Học sinh thích thú bên mô hình "Chiếc tủ kỳ diệu". (Ảnh: Tam Anh)
Học sinh thích thú bên mô hình "Chiếc tủ kỳ diệu". (Ảnh: Tam Anh)

"Chiếc tủ kỳ diệu" được hình thành từ những giấy trắng, bìa carton, những tấm tôn nhỏ gồm 2 tầng. Tầng dưới các bộ tranh dùng để minh họa cho những câu chuyện kể.

Tầng trên là một chiếc hộp hình tam giác có thể xoay 360 độ, phía trong khối tam giác rỗng chứa các hình ảnh, nội dung học tập. 

Chiếc tủ kỳ diệu của các cô giáo mầm non ảnh 2

Đừng để chiếc phong bì làm méo mó tình cảm thầy trò

(GDVN) - Nhiều phụ huynh bày tỏ “lòng biết ơn” thầy cô bằng những cái phong bì hay món quà đắt tiền đã làm mai một đi tình nghĩa thầy trò.

Khối này có thể mở ra các mặt để tạo nên những bàn cờ, những sân chơi bổ ích khác. Bên dưới là 4 bánh xe giúp chiếc tủ di chuyển rất dễ dàng.

Với mô hình lạ này, các tiết học của các cháu trở nên sinh động hơn trước với những hình ảnh được chiếc tủ hóa thân thành nhiều nhân vật, diễn biến câu chuyện được chuyển đổi từ cảnh này đến cảnh khác.

Qua đó, giúp trẻ nhỏ mở rộng thêm tầm mắt, khám phá được nhiều điều mới lạ và thú vị.

Cô Ngô Thị Thanh Trúc, đồng tác giả mô hình này kể thêm:

Do trường còn khó khăn về cơ sở vật chất, không có máy chiếu, từ đó chúng tôi nghĩ ra chiếc máy này để nâng cao chất lượng giảng dạy, không phải đi mượn tranh ảnh ở các lớp khác như trước.

Chiếc “ti vi đa hệ” này đã giúp chúng tôi giải quyết cùng lúc nhiều khó khăn mà không phải tốn kém nhiều kinh phí vì vật tư đều được tận dụng từ phế liệu
”.

Em Lê Trần Bảo Trâm, học sinh lớp lá vui vẻ kể: “Con rất thích chiếc tủ này vì có thể coi cùng lúc nhiều câu chuyện cổ tích, khi coi xong con có thể mở qua chuyện khác hay làm nhiều trò chơi theo ý của con”.

Mô hình này đã đạt giải nhì trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang lần thứ VIII năm 2015.

Vì mô hình không chỉ đơn giản phục vụ cho công tác giảng dạy ngày nâng cao mà còn tạo nên sự hứng khởi cho các cháu thiếu nhi, phát huy khả năng sáng tạo vốn rất phong phú của tuổi thơ.

Tam Anh