Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội kết quả lấy ý kiến nhân dân Luật Giáo dục

21/02/2019 06:21
Đỗ Thơm
(GDVN) - Tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình bày báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Giáo dục

Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ diễn ra trong ngày 21/02/2019 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Theo dự kiến chương trình làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ khai mạc phiên họp và cùng với các Phó Chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành các nội dung phiên họp.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Hơn 1 triệu lượt ý kiến tham gia góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: Đỗ Thơm
Hơn 1 triệu lượt ý kiến tham gia góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Ảnh: Đỗ Thơm

Cho ý kiến về việc điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc .

Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).

Đây là dự án Luật được dư luận dành sự quan tâm rất nhiều thời gian qua. Dự án Luật này đã được thảo luận qua hai kỳ họp của Quốc hội.

Theo thống kê, tính đến ngày 22/01/2019, qua 100 báo cáo, biên bản, tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân đã có khoảng hơn 1 triệu lượt ý kiến tham gia góp ý về dự thảo Luật.

Đối tượng lấy ý kiến được trải rộng từ các cơ quan ở Trung ương (một số các Bộ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; các cơ quan quản lý ở địa phương: cán bộ quản lý sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, nhà giáo, đại diện cha mẹ học sinh và người học (đối với trung học cơ sở, trung học phổ thông); từ các cơ quan nhà nước đến các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức, đơn vị.

Có 11 nhóm vấn đề được Chính phủ xác định là trọng tâm trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân như tiêu chuẩn giáo viên sư phạm, miễn giảm học phí, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa...

Đỗ Thơm