Chính phủ đặt hàng Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam 7 vấn đề giáo dục cấp bách

20/12/2014 16:50
Ngọc Quang
(GDVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ 7 vấn đề cần phải nhanh chóng thay đổi đối với công tác đào tạo đại học, cao đẳng Việt Nam.

Tới dự lễ ra mắt Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam(viết tắt tên theo tiếng Anh là AVUC) sáng nay (20/12), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao tâm huyết, sự kiên trì trên con đường tiến tới thành lập Hiệp hội.

“Từ nay tất cả các trường đại học, cao đẳng trong cả nước có thể tập hợp cùng nhau, chia sẻ các vấn đề giáo dục, đào tạo; tìm thấy sự tương đồng gắn kết, cùng nhau tạo ra sức mạnh lớn, cách làm mới tạo sự đột phá cho giáo dục Việt Nam.

Tôi cũng đánh giá cao vai trò của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập trong thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng sự nghiệp phát triển đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước”, Phó Thủ tướng bày tỏ.

Từ trái qua: Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch AVUC. Ảnh: Quốc Toản
Từ trái qua: Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch AVUC. Ảnh: Quốc Toản

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ 7 vấn đề rất cần phải nhanh chóng thay đổi đối với công tác đào tạo đại học, cao đẳng của Việt Nam:

Thứ nhất, đối với nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lương cao, phải thống nhất yếu tố quan trọng có tính quyết định với mọi quốc gia nhất là trong bối cảnh hiện nay.

“Chúng ta chỉ có thể phát triển được bằng cách phải có đột phá thật sự về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Rõ ràng sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với các nước trong khu vực, so với thế giới là không cao”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Trong các nghiên cứu đánh giá có rất nhiều vấn đề đáng lưu tâm, nhưng trong đó vấn đề quan trọng nhất chính là nguồn nhân lực. Nhiều tổ chức đã tiến hành khảo sát nguồn nhân lực và phân làm 3 tầng: Một là những người làm quản lý và gián tiếp; hai là kỹ thuật cao và chuyên môn; ba là lao động bình thường. Phó Thủ tướng dẫn số liệu nghiên cứu cho thấy một trong những nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp do 80% nhân lực đào tạo để làm quản lý, gián tiếp; 60% kỹ sư làm chuyên môn ở trình độ cao chưa đủ kỹ năng để làm việc trong môi trường quốc tế trong khi chỉ 20% lao động giản đơn thiếu kỹ năng. Điều đó có nghĩa đào tạo lao động càng lên bậc cao càng có vấn đề.

“Tất cả trách nhiệm không phải của riêng ngành giáo dục, nhưng trước hết trong đó có một phần trách nhiệm của mình và trên nguyên tắc chúng ta cứ làm thật tốt công việc của mình, còn trách nhiệm của các bộ phận khác thì các bộ phận khác phải làm”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ hai, sự phân công lao động phải theo thế giới, vì vậy từ câu chuyện có phân biệt đại học với cao đẳng hay không, có phân biệt công lập với dân lập hay không cũng phải theo thế giới.

Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Muốn gì thì gì chúng ta phải khuyến khích các trường tham gia vào việc xếp hạng khu vực và thế giới, gắn sao khu vực và thế giới. Chúng ta không tuyệt đối hóa cái này, nhưng chúng ta phải tham gia vào để biết mình ở đâu và như thế nào. Những tiêu chí phân hạng thì căn bản cũng phải theo thế giới”.

GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (AVUC) cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vì sự quan tâm Phó Thủ tướng trong toàn bộ quá trình thành lập AVUC. Ảnh: Quốc Toản.
GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (AVUC) cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vì sự quan tâm Phó Thủ tướng trong toàn bộ quá trình thành lập AVUC. Ảnh: Quốc Toản.

Thứ ba, vấn đề xã hội đang đặt ra là có quá nhiều trường, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Phải chăng chất lượng kém rồi, nhưng số lượng nhiều quá không?

Phó Thủ tướng phân tích: “Nếu so sánh số người trong độ tuổi đi học đại học của nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì vẫn còn thấp, và thấp so với ngay chính với kế hoạch của chúng ta. Vậy thì số lượng chúng ta cũng không nên cho rằng đã thừa. Chúng ta đào tạo ra nhiều nếu chất lượng tốt thì đấy là điều kiện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích các nhà đầu tư trong nước mở rộng sản xuất. Chúng ta hãy đào tạo ra nhiều nguồn nhân lực có thể và chất lượng nhất có thể”.

Thứ tư, để tiến tới hội nhập không có con đường nào khác là phải tự chủ, bởi vậy ngoài 4 trường được Chính phủ chỉ định thí điểm cơ chế tự chủ, các trường khác nếu đủ kiều kiện có thể làm đề án trình Chính phủ.

Phó Thủ tướng chỉ rõ, đây là vấn đề cần phát động thi đua trong Hiệp hội, không thể cứ lấy hết lý do này, lý do khác để duy trì bao cấp mãi được.

“Hai mươi mấy năm trước chúng ta đổi mới doanh nghiệp cũng tranh luận rất nhiều, ngày hôm nay chúng ta có trên 400 nghìn các thành phần, trong đó doanh nghiệp nhà nước chỉ còn dưới 1000 so với khi mới đổi mới có 11 nghìn doanh nghiệp. Tuy nhiên, số trường trường học từ khi đổi mới tới giờ, trường công chiếm số lượng quá lớn. Vấn đề là ngân sách nhà nước đã đến lúc không thể cứ lo mãi như vậy được. Nếu cứ lo như vậy thì chất lượng không thể cao được, bởi vì ngân sách nhà nước đầu tư ra chỉ có vậy”, Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng đồng thời chỉ rõ, trong vấn đề tự chủ, nếu sinh viên con em là đối tượng chính sách thì nhà nước sẽ có trách nhiệm; nếu ngành nào nhà nước cần đào tạo thì đặt hàng cho các trường, còn lại các trường phải tự chủ về tài chính và tiến tới tự chủ như các trường tư.

Thứ năm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, các trường đại học phải tập trung tìm mọi cách để làm nghiên cứu khoa học, dù đây là việc rất khó, vì đó là uy tín của các trường, gắn liền với việc thu hút các nhà khoa học.

“Điều này rất khó nhưng chúng ta không thể không bắt nhịp. Trường không lớn cũng phải làm, nhưng trước hết chúng ta phải làm từ trường lớn. Trong các chỉ số đánh giá có chỉ số nghiên cứu khoa học, mà chúng ta không hợp tác với các nhà khoa học thì làm sao đánh giá được. Tôi cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Bộ khoa học rằng chúng ta có ý thức về vấn đề này rồi nhưng cần những bước đi rất cụ thể”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Ra mắt Ban chấp hành Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (nhiệm kỳ 2015 - 2019). Ảnh: Quốc Toản.
Ra mắt Ban chấp hành Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam (nhiệm kỳ 2015 - 2019). Ảnh: Quốc Toản.

Thứ sáu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế.

Phó Thủ tướng chỉ đạo: “Bộ Giáo dục phải rà lại tất cả các quy định, hãy mở rộng hợp tác quốc tế. Bây giờ liên kết với một trường rất nổi tiếng ai cũng biết mà xin thủ tục còn khó khăn thì không được, nhưng ngược lại nếu hợp tác với một trường thậm chí không được nước sở tại không công nhận thì cũng không được”.

Thứ bảy, Phó Thủ tướng hoanh nghênh việc Bộ Giáo dục cử Thứ trưởng tham gia vào Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, đồng thời bày tỏ: “Hiệp hội không chỉ phản biện chính sách, chúng tôi mong muốn muốn xa hơn là Hiệp hội nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách, để tạo điều kiện cho đại học, cho cộng đồng phát triển”.

Ngọc Quang