Cho bạn tát học sinh vì trót nói tục giáo viên cần xem xét lại cách hành xử

08/11/2016 07:00
Trần Trí Dũng
(GDVN) - Giáo viên đã phạm sai lầm khi xử phạt học sinh bằng cách cho bạn khác tát việc làm đó đã làm mất danh dự của học sinh mà còn là hành vi phản giáo dục.

LTS: Báo điện tử giáo dục Việt Nam ngày 4/11/2016 có đăng bài viết "Nữ sinh trót nói tục trong giờ học, cô giáo cho 2 bạn nam cùng lớp tát 11 cái".

Theo dõi thông tin sự việc cũng như phản ứng của nhà trường, phụ huynh học sinh cũng như dự luận xã hội, tác giả Trần Trí Dũng (TP. Cẩm Phả - Quảng Ninh) đã chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phân tích các góc cạnh đúng sai trong cách hành xử của người trong cuộc. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Trường THPT Cao Bá Quát, số 57, đường Cổ Bi, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Ảnh caobaquat.edu.vn
Trường THPT Cao Bá Quát, số 57, đường Cổ Bi, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Ảnh caobaquat.edu.vn

Đọc xong bài viết "Nữ sinh trót nói tục trong giờ học, cô giáo cho 2 bạn nam cùng lớp tát 11 cái", tôi không khỏi băn khoăn trước cách hành xử của một cô giáo dạy bậc THPT. 

Theo đó, trong đơn mà phụ huynh học sinh phản ánh thì khoảng 12 giờ 45’ ngày 13/09/2016 tại Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội), vào tiết học môn Hóa của cô Đặng Thị Huyền, em Đinh Trần Phương M., học sinh lớp 10 do trước đó có trót nói bậy trong giờ học nên đã bị cô giáo xử phạt lỗi bằng hình thức khuyến khích, động viên và cho phép hai bạn học sinh nam trong lớp lần lượt thay nhau tát 11 cái mạnh vào mặt, vùng cạnh thái dương trước mặt toàn thể 43 em học sinh trong lớp.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, em M. đã khóc lóc, buồn bã và sợ đến trường vì sợ cô giáo Huyền và xấu hổ với bạn bè, thầy cô.

Em M. đã đòi gia đình xin chuyển trường và nghỉ học mất mấy buổi cho đến khi cô giáo chủ nhiệm và gia đình động viên đưa đến trường, nhưng cho đến nay tâm trạng của em vẫn không ổn định được.

Sau khi sự việc xảy ra, ngày 05/10/2016, ông Đỗ Văn Chiến, Hiệu trưởng Trường THPT Cao Bá Quát đã ký quyết định số 01/QĐ-KLVC cảnh cáo trước hội đồng giáo dục nhà trường đối với bà Đặng Thị Huyền, giáo viên giảng dạy bộ môn Hóa học của nhà trường với khuyết điểm: Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử gây hậu quả nghiêm trọng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp. Thời gian kỷ luật là 12 tháng kể từ ngày ký quyết định kỷ luật.

Tuy nhiên gia đình em M. đã không đồng ý với hình thức kỷ luật nói trên với cô giáo Huyền, vì cho rằng đây là một hành vi hết sức nghiêm trọng.

Cô Đặng Thị Huyền đã tổ chức để các học sinh khác hành hạ và sỉ nhục con gái họ trước mặt cả lớp của cháu.

Theo đó, việc làm này của cô Huyền đã khiến cho không chỉ tất cả học sinh trong lớp em M. và toàn trường lo sợ, mất niềm tin vào thầy cô, bạn bè mà còn khiến cho các bậc phụ huynh rất bức xúc

Từ diễn biến của sự việc và sự búc xúc của gia đình cần thiết xem xét phân tích và đánh giá lại cách hành xử của cô giáo Huyền, để coi đó như một lời nhắc nhở chung cho các thầy cô giáo đang đứng trên bục giảng về cách hành xử của mình trước những diễn biến phát sinh trong học đường. 

Trong cuộc đời làm người, chắn chắn không ai là không nỡ nói tục hay chửi bậy một câu, khi có bức xúc và nhất là khi còn ở độ tuổi mới lớn đang hình thành nhân cách con người.

Thậm chí, có những người đang làm thầy mà còn văng tục ngay trên bục giảng mà báo chí đã phản ánh. 

Nói như thế không có nghĩa là ủng hộ hay bao biện cho những hiện tượng nói tục chửi bậy, mà chỉ là một cái nhìn khái quát chung cho hoạt động giáo dục.

Dưới sự tác động của giáo dục, con người biết cách điều chỉnh cảm xúc và ý thức được mình, do đó sự nói tục hay chửi bậy cũng dần mất đi trong quá trình hoàn thiện con người.

Có một câu nói mà tôi tâm đắc "Sự giáo dục tốt nhất là tự mình giáo dục mình".

Cho bạn tát học sinh vì trót nói tục giáo viên cần xem xét lại cách hành xử ảnh 2

Nữ sinh trót nói tục trong giờ học, cô giáo cho 2 bạn nam cùng lớp tát 11 cái

Vì thế, em M. khi trót nói tục một câu trong giờ học cũng phải là hiếm gặp ở học đường, vì các em vẫn đang trong quá trình chịu sự giáo dục và hoàn thiện mình.

Đặc biệt ở độ tuổi nhạy cảm về tâm lý và đang ổn định về ý thức, nhận thức xã hội.

Do đó, vấn đề không được xem là quá nghiêm trọng, mà vấn đề ở đây là cách hành xử của giáo viên trước hiện tượng này. 

Tuy nhiên, cô giáo Huyền trong sự việc trên đã tự cho mình quyền được xử phạt học trò của mình bằng cách cho phép học sinh khác đánh phạt bạn mình, theo cách tát vào mặt.

Đây là một hành vi hết sức phản cảm, phản giáo dục thể hiện sự yếu về văn hóa và kém nhận thức trong hành xử của một giáo viên.

Nếu trong sự việc trên khi phát hiện học sinh nói tục trong lớp, cô giáo Huyền nghiêm khắc nhắc nhở và có những răn đe cần thiết thì có lẽ mọi chuyện học hành sẽ đi vào quỹ đạo chung. 

Thậm chí, nhiều khi chỉ cần bằng một cái nhìn thẳng nghiêm nghị vào học sinh vi phạm mà cũng có thể tạo hiệu quả giáo dục tốt.  

Đây là một vấn đề thể hiện nhận thức, tư cách và đạo đức giáo viên, nhiều khi học sinh đánh giá cao giáo viên hay không là từ những tình huống nhạy cảm này.

Vì thế phải khẳng định rằng, thật đáng tiếc cho cô giáo Huyền

Ở đây, cô giáo Huyền đã vi phạm hai lỗi, một là xử phạt học sinh một cách thái quá, đã làm mất danh dự của học sinh.

Hai là tự cho mình quyền được yêu cầu và cho phép cho học sinh khác đánh phạt bạn mình trước toàn thể các học sinh.

Hành động này của cô giáo Huyền đã gây tổn thương nghiêm trọng về tâm lý đối với học sinh và gây ác cảm đối với các học sinh khác, và hậu quả đã xẩy ra là em M. vì sợ và xấu hổ mà không dám đi học, xin được chuyển trường.

Và đến nay tâm trạng của em vẫn chưa ổn định được.          

Điều lệ trường học không cho phép giáo viên hành hạ học sinh hay xử phạt qúa đáng.

Pháp luật cũng đã có những định xử phạt trong lĩnh vực giáo dục khi có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể của người học.

Trong những trường hợp nghiêm trọng có thể bị quy tội và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vì thế, cũng không có không có gì lạ khi đọc xong bài viết trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, độc giả Anh Tuấn bình luận "đề nghị khởi tố cô giáo về tội làm nhục người khác".    

Đơn khiếu nại của phụ huynh em Đinh Trần Phương M., gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh Trần Việt.
Đơn khiếu nại của phụ huynh em Đinh Trần Phương M., gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Ảnh Trần Việt.

Thiết nghĩ, việc xử lý hành vi vi phạm của cô giáo Huyền đã có các cơ quan chức năng xem xét, tuy nhiên từ sự việc này cùng với vụ việc cô giáo Cúc ở Đà Nẵng hành hung đồng nghiệp của mình và sau đó quay video clip để đưa lên mạng, và thầy giáo Nguyễn Quý Cầu hành hung học trò ở Thanh Hóa, các thầy cô giáo khác cũng cần thiết xem lại mình.

Đây thực sự là những hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên về cách hành xử của giáo viên trong ngành giáo dục Việt Nam.              

Hành vi của cô Huyền tuy không gây thiệt hại về thể xác nhưng đã gây tổn hại nghiêm trọng về tinh thần của học sinh trước một diễn biến bình thường ở trường học.

Được xem là những "kỹ sư tâm hồn" nên các thầy cô giáo không thể hành xử như vậy được.

Được biết Ban giám hiệu trường THPT Cao Bá Quát cũng đã gửi hồ sơ nên Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội.

Vì thế, mong các cơ quan chức năng sớm xem xét lại hình thức xử lý cho xác đáng, để làm gương và cảnh báo chung, từ đó lấy lại những hình ảnh đẹp đẽ nơi học đường.

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.

Trần Trí Dũng