Choáng vì... lò luyện thi

15/04/2012 05:46
GD TPHCM
(GDVN) - Đến hẹn lại… tung chiêu quảng cáo hút người học, nhiều cơ sở luyện thi bắt đầu tung đủ các chiêu thức “vô tiền khoáng hậu” để thu hút thí sinh đăng kí ôn thi. 
Khóa học “đậu mới nhận tiền”!
“Trong thế giới phẳng, kinh tế tri thức luôn được coi trọng và là nền tảng phát triển vững chắc cho mỗi cá nhân và xã hội. Còn gì bằng khi con em bạn được hành trang bước vào đời bằng đôi chân tri thức, không quỳ lụy, không van xin trước cám dỗ của cuộc đời”. Lần theo mẩu quảng cáo đầy hấp dẫn này, chúng tôi tìm đến một cơ sở của Trung tâm (TT) Luyện thi Danien (có trụ sở tại 467, Trần Cao Vân Q.Thanh Khê, Đà Nẵng).
Cẩn thận với những chiêu quảng cáo câu khách của các trung tâm luyện thi Đại học
Cẩn thận với những chiêu quảng cáo câu khách của các trung tâm luyện thi Đại học
Tại đây chúng tôi được những người quản lý hướng dẫn đăng ký ôn thi một cách cụ thể. Ngoài các ca học đại trà của 4 khối A-B-C-D với mức học phí trung bình 500 ngàn đồng/tháng, TT này còn có lớp học riêng dành cho người học với bản hợp đồng dân sự giữa TT và phụ huynh với cam kết hấp dẫn “đậu đại học mới nhận tiền”. Theo đó, TT ra mức giá luyện thi từ lớp 12 đến đậu đại học là 50 triệu đồng; nếu từ lớp 10 đến đại học thì sẽ là 80 triệu đồng…
“Các em yên tâm, chỉ cần có lực học trung bình vào đây được học các thầy cô có uy tín đang giảng dạy tại các trường ĐHBK, ĐHNN, ĐHSP là sẽ đỗ đại học ngay. Các em thấy đó, thời buổi bây giờ làm gì người ta cũng cần bằng đại học. 50 triệu đồng để đỗ đại học thay đổi cả tương lai của đời mình thì nghĩ cho cùng có thấm vào đâu. Mai này ra trường làm việc, chỉ cần một chữ ký hoặc cái gật đầu cũng đã có cả trăm triệu rồi. Còn nếu không thì em chọn lớp đại trà ấy, mỗi tháng 500 ngàn đồng/môn học. Tất nhiên là đỗ hay trượt TT đều không chịu trách nhiệm”, một nữ nhân viên nhanh nhẹn nói khi thấy chúng tôi tỏ vẻ e ngại với mức học phí này. Tìm hiểu được biết, mặc dù không có trong danh sách các điểm được cấp phép của Sở GD-ĐT Đà Nẵng nhưng TT Danien mở đến 4 cơ sở tại các quận trên địa bàn thành phố.

Không tung chiêu “độc” như Danien, một cán bộ TT Luyện thi Phan Châu Trinh trên đường Lê Duẩn (Q.Hải Châu) lại có chiêu an lòng thí sinh rất ngọt ngào: “Học phí ở TT chị rẻ hơn rất nhiều so với mấy nơi khác, các thầy cô giảng dạy đều có uy tín dạy giỏi ở các trường. Em yên tâm, luyện thi ở đây năm nào lượng thí sinh cũng đỗ đại học cao lắm”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện trên địa bàn Đà Nẵng chỉ có 9 TT, cơ sở luyện thi được Sở GD-ĐT cấp phép nhưng lại có đến khoảng 30 TT, cơ sở ôn thi đại học, cao đẳng hoạt động.

Người học phải tự cứu mình

Sau ba tiếng đồng hồ “mai phục” trước TT Danien đợi một lớp học tan ca, tôi gặp một cậu học trò đang lững thững dắt xe ra về dưới cái nắng chói chang. Bắt chuyện với em, mới biết cậu học trò này vừa thi trượt đại học năm trước.

Là con của một gia đình nông dân ở thị trấn Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị), đọc được thông tin trên mạng nên ba mẹ bàn cách liều cho em vào đăng ký khóa học “đậu mới nhận tiền” này. “Em vào đây được hai hôm rồi.

Nhiều trung tâm nhồi nhét kín học sinh nhưng chất lượng lại không đảm bảo
Nhiều trung tâm nhồi nhét kín học sinh nhưng chất lượng lại không đảm bảo
Đến tìm hiểu để đăng ký học nhưng còn liên quan đến việc ký hợp đồng giữa TT với ba mẹ nên em chưa chính thức vào học. Với lại số tiền lớn như thế trong khi ba mẹ ở quê chỉ làm ruộng, nếu “nhỡ” em đỗ đại học thì chưa biết lấy đâu ra để nộp”, Khoa - tên cậu thí sinh này ngại ngùng cho biết.

Trước vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, ở một góc độ nào đó mảnh bằng đại học với nhiều bậc phụ huynh không chỉ là “tấm căn cước” giúp con họ tìm được việc làm ổn định mà phần nào còn thể hiện cái “oai” của ba mẹ. Vì thế, không chỉ những gia đình khá giả bỏ ra hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để tìm thầy cho con học mà có cả những gia đình nông dân nghèo khổ cũng còng lưng chạy theo “giấc mơ” đó.

Nhiều người, nếu không đủ tỉnh táo sẽ bị các chiêu quảng cáo hút khách trên “móc túi” một cách trắng trợn mà không hề hay biết. Theo các thầy cô giáo có thâm niên dạy chương trình 12 thì đề thi những năm gần đây chủ yếu đánh vào kiến thức chuẩn của học sinh. Điều này, Bộ GD-ĐT cũng đã nói rõ trước các kỳ thi tuyển sinh.

Với học lực khá, chỉ cần các học sinh chăm chỉ, có phương pháp cũng như lịch học phù hợp, có nghị lực và nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa thì hoàn toàn có thể thi đỗ đại học mà không cần phải tầm sư học đạo ở bất cứ đâu.
Về vấn đề kiểm tra, khảo sát để cấp phép cho các TT, cơ sở luyện thi, một lãnh đạo Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho hay, hiện đang chuẩn bị phối hợp với ngành chức năng kiểm tra và có hướng xử lý để tránh thiệt thòi cho học sinh. Tuy nhiên, cái khó nằm ở chỗ có nhiều TT được một cơ quan có thẩm quyền khác cấp phép nên khó xử lý. Trong khi chờ ngành chức năng vào cuộc, các bậc phụ huynh và bản thân thí sinh cần tỉnh táo để chọn cho mình một phương pháp học phù hợp, tránh “tiền mất, tật mang” khi tin vào những lời quảng cáo “vô tiền khoáng hậu” của các lò luyện thi không phép trên.
GD TPHCM