Trường ĐH “độc” nhất Hà Nội rèn sinh viên như học sinh cấp I

24/02/2012 06:00
Ngọc Khánh
(GDVN) - Mô hình mở lấy sinh viên làm trọng tâm đào tạo không chỉ rèn cho người học tác phong sư phạm mà còn trao quyền làm chủ, trách nhiệm với mái trường.
Đội cờ đỏ

Có mặt tại giảng đường trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội (ĐH SP TDTT HN) trước giờ học buổi sáng, chúng tôi rất tò mò khi thấy một nhóm sinh viên đứng kiểm tra trang phục của mọi người khi đi học.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đây là đội cờ đỏ đang làm nhiệm vụ giám sát việc thực hiện nội quy về trang phục, đeo thẻ khi đi học của sinh viên. Theo đó, những sinh viên vi phạm như mặc áo không cổ, không đeo thẻ...sẽ bị đội cờ đỏ ghi lại và yêu cầu chỉnh đốn trang phục mới được đến lớp.
Hoạt động trong đội sao đỏ cũng chính là cách giúp Hà (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên khác tạo cho mình tác phong người giáo viên. Ảnh: Ngọc Khánh
Hoạt động trong đội sao đỏ cũng chính là cách giúp Hà (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên khác tạo cho mình tác phong người giáo viên. Ảnh: Ngọc Khánh
Tay đeo băng đỏ ghi chép cận thận, các thành viên có tác phong chững chạc như người giáo viên thực thụ. Bạn Cao Văn Hà – sinh viên năm 3, khoa Giáo dục thể chất tham gia đội cờ đỏ từ khi vào trường. “Ngày ấy, thấy các anh chị khóa trước làm công việc trực cờ đỏ như học sinh cấp 1, cấp 2, em thấy rất thú vị liền viết đơn xin tham gia. Trong quá trình hoạt động, em nhận ra tác dụng tích cực của đội cờ đỏ trong việc rèn luyện tác phong sư phạm, tạo dựng một môi trường giáo dục nề nếp, quy củ”, Hà chia sẻ.
 
Hiện là thủ lĩnh của gần 40 thành viên năng động, nhiệt huyết, Hà cho biết: Số lượng sinh viên rất đông nên để tạo ra một không gian sư phạm nghiêm túc, nề nếp như này là một sự cố gắng của các thành viên trong đội và quan tâm sát sao của các thầy cô. Hàng ngày bọn em có mặt trước 15 phút để làm nhiệm vụ. Nếu sinh viên nào vi phạm, chống đối sẽ lập biên bản gửi về phòng công tác HS – SV để có biện pháp xử lý.

Mô hình đội cờ đỏ thường được biết tới ở bậc Tiểu học, THCS, THPT nhưng lại được duy trì tại môi trường đào tạo chuyên nghiệp như trường ĐH SP TDTT HN thực sự là phương pháp giáo dục tích cực “độc nhất vô nhị” so với các trường đại học trên địa bàn thủ đô. 

Sinh viên hư, nhà trường triệu tập phụ huynh

Không chỉ có đội cờ đỏ, trường ĐH SP TDTT HN còn áp dụng mô hình đảm bảo an ninh - trật tự, tập thể dục buổi sáng, phụ trách vệ sinh công cộng...Những mô hình này đều do sinh viên đảm nhiệm dưới sự quản lý của các thầy cô chủ nhiệm. 
Sinh viên làm vệ sinh trước khi vào giờ học ngoài bãi tập. Ảnh: Ngọc Khánh
Sinh viên làm vệ sinh trước khi vào giờ học ngoài bãi tập. Ảnh: Ngọc Khánh
Mặc dù có diện tích hơn 16ha nhưng nhà trường chỉ thuê 2 lao công, còn lại sinh viên phải làm vệ sinh trong khuôn viên trường. Buổi sáng, các bạn đi quét dọn, thu gom rác tại giảng đường, sân tập, ký túc xá cho xe chở rác đẩy ra điểm tập kết rác. Những hoạt động mang tính chất tự rèn luyện này đã được duy trì hơn chục năm tại đây, hàng tháng đều có báo cáo tổng kết trước sinh viên toàn trường.

Với những nội dung rèn luyện như vậy, sinh viên nào không chấp hành sẽ bị kỷ luật, hạ điểm rèn luyện thậm chí nhà trường gửi chuyển phát nhanh về gia đình, yêu cầu triệu tập phụ huynh đến trường để trao đổi.

Thầy Lê Minh Hường – Trưởng phòng Công tác HS – SV cho rằng việc này rất bình thường và được làm triệt để ở ngôi trường đào tạo những giáo viên tương lai này.

“Rất nhiều phụ huynh từ Điện Biên, Hà Giang cho tới Nghệ An, Hà Tĩnh đến gặp chúng tôi đã rất xúc động và hoan nghênh khi nhà trường quản lý chặt chẽ việc học tập, rèn luyện của sinh viên, như vậy khiến họ cảm thấy yên tâm, phấn khởi. Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, đào tạo người thầy rất quan trọng bởi nếu không nghiêm sẽ tạo ra những sản phẩm tồi, ảnh hưởng tới những thế hệ sau nữa”, thầy Hường khẳng định.
Công việc trồng cây tạo cảnh quan được sinh viên tự tay làm.
Công việc trồng cây tạo cảnh quan được sinh viên tự tay làm.
Chúng tôi thắc mắc “nếu bị triệu tập, sinh viên nhờ người khác làm phụ huynh đến gặp thì sao?”. Thầy Hường cho biết: Bố mẹ đến phải mang theo chứng minh nhân dân và giấy mời. Nếu anh, chị của sinh viên đi thay thì phải có giấy ủy quyền, đóng dấu đỏ của chính quyền địa phương. Sinh viên nào nhờ người thì xử lý nặng hơn. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, khuôn viên ngôi trường này sạch sẽ, vườn hoa thanh niên được cắt tỉa, chăm sóc cẩn thận. Theo anh Phạm Quốc Toản – Bí thư Đoàn trường cho biết: Chính những mô hình giáo dục mở như này nên phong trào đoàn tại đây rất đa dạng, sôi nổi. Những buổi sinh hoạt tập thể, hội thi như tiếng hát sinh viên, cắm hoa, nấu ăn, đặc biệt là sự kiện festival sáng tạo không giới hạn, tập huấn nghiệp vụ Đoàn đội trong 1 tháng hè, 100 sinh viên tình nguyện 3 cùng với những người cai nghiện tại trung tâm đào tạo sau cai nghiện số 1 – Sơn Tây...được sinh viên ủng hộ nhiệt tình.
Trao quyền làm chủ mái trường cho sinh viên là phương pháp giáo dục tích cực, tạo dựng môi trường sư phạm thân thiện.
Trao quyền làm chủ mái trường cho sinh viên là phương pháp giáo dục tích cực, tạo dựng môi trường sư phạm thân thiện.
Là một ngôi trường đặc thù đạo tạo giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất nên việc giáo dục theo hướng để sinh viên tự tổ chức, tự quản lý dưới sự giám sát của ban giám hiệu là một phương pháp sư phạm tích cực.

Mô hình mở lấy sinh viên làm trọng tâm đào tạo không những rèn luyện cho người học tác phong sư phạm mà còn trao quyền làm chủ, trách nhiệm với mái trường, rộng hơn là với xã hội.

Chia tay chúng tôi, thầy Hường chia sẻ “khi sinh viên bị khuyết điểm, chúng ta không thể chỉ tay năm ngón phải thế này thế kia mà hãy bắt tay thân tình. Như vậy, các em mới thấy mình được tôn trọng và quan tâm thực sự”.
Ngọc Khánh