Chủ đề Biển Đông tiếp tục thử thách các thí sinh ở môn Địa lý

09/07/2013 12:20
Xuân Trung
(GDVN) - Kết thúc thời gian làm bài môn Địa lý sáng nay ở khối C, nhiều thí sinh đã trúng “tủ” khi phán đoán được đề thi sẽ hỏi xoay quanh về chủ quyền biển đảo, một vấn đề thời sự nhất hiện nay.
Ra khỏi phòng với tâm trạng khá thoải mái, thí sinh Nguyễn Trọng Việt, quê ở Lào Cai dự thi khoa Luật kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội tươi cười cho biết đề Địa lý sáng các câu hỏi đều xoay quanh chủ đề biển đảo. Đề hơi khó nhưng ra theo hướng mở khiến thí sinh rất hào hứng với dạng đề này.

Việt cũng cho biết, đề Địa lý sáng nay có lẽ dễ nhất là câu vẽ biểu đồ. Tuy nhiên, câu hỏi có vấn đề thời sự và hay nhất theo Việt lại là ý 2 của Câu 2 với nội dụng: “Trình bày việc khai thác tài nguyên khoáng sản nước ta. Tại sao các Đảo và quần đảo có ý nghĩa chiến lược trong việc phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh vùng biển?”

Với câu hỏi này Trọng Việt xử lí trong vòng 30 phút và khá hài lòng với phần làm bài của mình. Tuy nhiên, các câu hỏi khác hơi khó khiến thí sinh này không chắc chắn cho phần thi sáng nay. Việt cho biết, nếu may thì được hơn 5 điểm.

Thí sinh hài lòng với cách ra đề theo hướng mở ở môn Địa lý. Ảnh Xuân Trung
Thí sinh hài lòng với cách ra đề theo hướng mở ở môn Địa lý. Ảnh Xuân Trung

Tại điểm trường ĐH KHXH&NV Hà Nội, thí sinh Đặng Thiên Trang (THPT Ứng Hòa A – Hà Nội) ra khỏi phòng thi hồ hởi: “Đề Địa năm nay rất sát với chương trình sách giáo khoa lớp 12, không có câu nào mang tính chất đánh đó hay đòi hỏi phải đào sâu suy nghĩ. Theo em, thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức là dễ dàng đạt điểm 7, điểm 8 cho môn này”.

Cũng tại đây, thí sinh Ngô Thị Hồng Vân (THPT Công nghiệp Hòa Bình – Hòa Bình) nhận định, đề năm nay có 2 câu ra vào chủ đề biển đảo. Đây là nội dung mà Vân đã chuẩn bị từ trước khi thi tốt nghiệp nên làm khá suôn sẻ.

Các câu hỏi trong đề chủ yếu yêu cầu thí sinh nhận biết, do đó chỉ cần chăm chỉ đọc và tìm hiểu có thể đạt điểm khá. Với những thí sinh chịu khó tìm hiểu thông tin xã hội về biển đảo thì ăn điểm giỏi là chuyện bình thường.

Vấn đề thời sự về biển Đông cùng với ý nghĩa chiến lược của đảo, quần đảo xuất hiện liên tiếp trong đề thi đại học khối C năm nay. Nhờ thế, sĩ tử đã có một buổi sáng khá nhẹ nhàng bởi phần lớn thí sinh đều ôn "tủ" nội dung này. 

Theo ghi nhận của chúng tôi tại Hội đồng thi Học viện Báo chí và Tuyên truyền, mặc dù chưa hết thời gian làm bài nhưng nhiều thí sinh đã ra khỏi phòng.  Tại đây, em Khổng Thị Linh Giang, thí sinh khoa Quản lý văn hóa tư tưởng, cho biết, đề Địa lí rất dễ, gần với đề thi tốt nghiệp. Dù là môn tự luận nhưng em vẫn làm xong trước giờ. Giang cho biết, không chỉ riêng em mà rất nhiều bạn trong phòng cũng làm xong sớm. Theo đó, Giang dự kiến mặt bằng chung phải được 8-9 điểm. 

Nhiều thí sinh cũng nhận xét, câu ăn điểm nhất trong đề Địa lí sáng nay là câu vẽ biểu đồ. "Nếu như năm ngoái, đề thi chỉ có 1 ý nhỏ về các huyện đảo thì năm nay, đề thi liên tiếp đã có hai câu liên quan tới vấn đề này trong câu số 1 và số 2," Trần Văn Đô một thí sinh tự do nói.

Em Nguyễn Thị Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Thanh Bình, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương thi vào khoa Luật, ĐH QG Hà Nội cho biết: “Đề thi năm nay dễ nhưng dài. Em chưa làm hết tất cả các câu hỏi”.

Theo Trang: “Đề thi năm nay có 1 ý hỏi hoàn toàn về Biển Đông. Hai ý ở câu II có liên hệ mật thiết đến biển đảo nói chung và Biển Đông nói riêng. Về cơ bản đề thi khá vừa sức với lực học khá của em ở môn này”.

Thí sinh này cho biết, dù chưa chắc chắn nhưng dự định cũng được khoảng 6-7 điểm với môn Địa lí sáng nay. 

Nhận xét về đề Địa lý, em Nguyễn Thị Hồng Vân, Trường THPT Công nghiệp Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cùng thi vào khoa Luật, ĐH QG Hà Nội cho biết: “Đề thi năm nay thiên về hỏi nhận biết. “”Em thấy khá thú vị với ý hỏi đầu tiên trình bày về Biển Đông. Đề không khó, dễ viết với học sinh vì là những vấn đề được nghe hàng ngày và có sự chuẩn bị trong những lần ôn tập. Em viết khá nhiều nhưng phần số liệu đưa vào các câu hỏi về biển đảo lại ít. Do vậy nên em nghĩ điểm tối đa có thể đạt được là 7”.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Huệ, giáo viên Địa Trường chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An cho biết, với dạng đề xoay quanh vấn đề biển đảo có điểm hay là đánh đúng vào vấn đề mang tính thời sự, tuy nhiên nếu xét bố cục của đề thi  thì lại không được toàn diện, bao quát lắm. Vì chương trình thi đại học có nhiều vấn đề, nhiều kiến thức trọng tâm. 

Trong đề có câu biển đảo, nói về khai thác thủy sản, và vùng Đồng bằng sông Cửu long. Tôi thấy đề cơ bản, trong đó có những câu phân hóa được học sinh. Tôi nghĩ đề ra theo hướng mở chắc chắn hay hơn: Đạt được tính bất ngờ, có thể trong bài làm của thí sinh có thể bộc lộ những quan điểm cá nhân, những vấn đề thời sự của đất nước. Đề này chắc chắn sẽ hấp dẫn  được những thí sinh có năng lực tư duy, nhưng đề này làm sẽ rất mệt vì còn thử thách trách nhiệm công dân. Nếu thí sinh học theo kiểu dập khuân thì làm sẽ rất mệt.
 Đề Toán khối D1 vừa sức

Tại Học viện Hành chính quốc gia, các thí sinh dự thi môn Toán của khối D1 cho biết, đề Toán sát chương trình và vừa sức, tuy nhiên có 1 câu hơi khó. 

Nói với phóng viên, thí sinh Nguyễn Thị Lan Anh, học sinh trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Loing Biên, Hà Nội), dự thi vào khoa Quản lí Nhà nước cho biết, đề có phần dễ với em. 

“Đề Toán có kiến thức tổng hợp, câu khó nhất mà em chưa làm được là câu 6. Tuy nhiên câu này không nhiều điểm lắm nên bài làm sáng nay của em có thể được 8 điểm” Lan Anh tự tin cho biết.

Cũng cùng Hội đồng thi, thí sinh Kiều Văn Hưng, quê ở Thạch Thất, Hà Nội thi vào khoa Quản lí Nhà nước nhận xét, đề Toán khối D1 bình thường, đề thi có một số câu phân loại học sinh tốt. Nếu thí sinh học chắc thì có thể làm được phần riêng. Trong buổi sáng nay Hưng rất mất thời gian để làm câu 8a, trong đó có cả câu 3 không làm được. Với kết quả đó, thí sinh này dự kiến mình chỉ được khoảng 6 điểm. 
Xuân Trung