Chủ quyền, biển đảo tiếp tục làm “dậy sóng” suy nghĩ của thí sinh

03/07/2015 14:21
Nhóm PV Giáo dục
(GDVN) - Như thường lệ, đề Địa lí các năm đều có hỏi về chủ quyền, biển đảo. Thí sinh cho rằng, đây là câu hỏi rất thực tế.

Tại cụm thi số 5 – Đại học Thủy lợi, hết 2/3 thời gian làm bài môn Địa lí buổi sáng đã có rất nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi. Đây là môn thi tự chọn sau các môn thi bắt buộc hai ngày hôm trước (Toán, Văn, Ngoại ngữ), số lượng thí sinh dự thi cũng vì thế ít hơn.

 Đề Địa lí dễ, thí sinh hào hứng với biển đảo

Là một trong những thí sinh ra sớm nhất tại cụm thi này, em Lê Hán Trung, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Đông cho biết, sau khi đọc đề em nhận thấy đề sát với chương trình học, có phần dễ hơn so với những gì em tưởng tượng trước đó.

Thậm chí là dễ hơn so với các năm khác. Đề Địa lí sáng nay đã áp dụng một cách triệt để các kiến thức thực tế, lí thuyết bám sát chương trình học. 

Câu hỏi liên quan tới chủ quyền, biển đào đề hỏi liên quan tới phát triển kinh tế biển. Với phần này Trung giải thích, em sử dụng kiến thức được học để giải quyết phần phát triển kinh tế biển, còn phần chủ quyền thì sử dụng kiến thức tiếp thu được từ bên ngoai như  báo, đài. 

Bản thân Trung trong quá trình làm câu này đã tự liên hệ với đến việc Trung Quốc đe dọa chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Cảm nhận đề thi Địa lí sáng nay dễ, thí sinh Nguyễn Văn Toàn đến từ Định Công, Q. Hoàng Mai (Hà nội) cho biết, em đã trúng tủ câu 1 và câu 2. Câu hỏi liên quan tới phát triển kinh tế biển em đã liên hệ với kiến thức thực tế.

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

Cũng tại cụm thi này, một thí sinh tự do cho biết, cảm nhận đề Địa lí bình thường, không khó hơn mọi năm. Đề sáng nay có nhiều câu hỏi mở rất hay: câu 1 nêu đặc điểm sông ngòi, câu 2 nói về những tỉnh có đường biên giới giáp Trung Quốc. Tuy nhiên, thí sinh này cho biết câu hỏi về biển đảo em không liên hệ tới việc Trung Quốc gây hấn trong thời gian gần đây vì đó là vấn đề chính trị.

Tại cụm thi Thái Binh, thí sinh Vũ Tiến Luân,  học sinh  Trường THPT Thái Linh nhận định, đề năm nay dễ, điểm 6-7 là điều mà nhiều thí sinh mong chờ và dễ dàng đạt được. 

“Đề tập trung vào nền kinh tế biển. Đề này giúp các bạn trung bình có điểm đỗ tốt nghiệp. Em gặp vướng mắc về câu biển đảo. Để làm câu này em áp dụng kiến thức xã hội, xem ti vi, thời sự. Em đoán mình khoảng 7 điểm môn này” Luân cho hay.

Còn thí sinh Đỗ Duy Anh, học sinh Trường THPT Khoái Châu, Hưng Yên thì nói: “Đề năm nay khá phù hợp với trình độ học lực của học sinh, chỉ cần nắm được những kiến thức cơ bản là làm được bài. Em thấy đề dễ , em làm được hết.  

Khi đọc câu hỏi về  biển đảo quê hương em nghĩ ngay tới tầm quan trọng của nó đối với bảo vệ chủ quyền của đất nước và ta phải biết bảo vệ biển đảo vì có nhiều tài nguyên, khoáng sản. Em dự định thi vào trường Sân Khấu điện ảnh Hà Nội” thí sinh này cho biết.

Thí sinh Nguyễn Thanh Trang, học sinh Trường THPT Nam Duyên Hà  chia sẻ: “Đề thi vừa sức với học sinh, đề không khó lắm, phần mở đầu không phải xử lí số liệu, câu hỏi không vòng vo mà hỏi thẳng. Em chỉ gặp vướng mắc trong việc không nhớ số liệu. Câu biển đảo, em viết khẳng định chủ quyền, em mất khoảng 25 phút cho câu này”.

Theo quan sát của phóng viên tại điểm thi Đại học Kinh tế Quốc dân, các sĩ tử ra từ rất sớm vẻ mặt rất hồ hởi có vẻ rất khả thi. 

Theo đánh giá chung của các thí sinh, đề thi môn Địa lí sáng nay khá dễ, kiến thức rất gần gũi và đặc biệt rất sát với tình hình chung của xã hội, các em đều có vẻ phấn khởi vì làm bài rất tốt. Theo nhận định của các em , đề thi Địa lí năm nay khá vừa tầm, phù hợp với khả năng của những em trung bình cũng có thể đạt điểm khá.

Thí sinh Hoàng Thị Yến trường THPT Xuân Trường C ( Nam Định) cười tươi cho biết: “ Đề khá dễ, vì là dành cho hai kì thi tốt nghiệp và Đại học nên cũng không làm có thí sinh mấy. 

Đặc biệt ý 2, câu cuối đề thi có liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo, em giải quyết khá ổn, khai thác biển đảo tạo thế phát triển liên hoàn về biển đảo và đất liền, nhằm phân bố lại nguồn lao động, xóa bỏ sự chênh lệch kinh tế giữa đất liền và biển đảo. Em đoán bài thi của bình chắc chắn sẽ đạt khá trở lên”.

Cùng ý kiến với Yến, em Nguyễn Văn Thịnh, Trường THPT Tân Dân( Phú Xuyên) phấn khởi cho hay: “ Học sinh trung bình cũng dễ dàng đạt điểm 6, đề tương đối sát thực với chương trình học và đặc biết có sự lồng ghép rất hay ở câu cuối, em không chuyên ban C nhưng cũng chắc chắn được 70% bài thi, phần biểu đồ vào cột chồng xen đường cũng không khó”.

“Đề ngắn và dễ, em đoán chắc chắn đề sẽ rơi vào chủ quyền biển đảo của đất nước mình vì đây là một vấn đề đang nóng, quả không sai. 

Khai thác tài nguyên cũng là việc chứng minh chúng ta đang sở hữu và càng thêm khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, Atlat Địa lí giúp em rất nhiều trong quá trình làm bài, đặc biết là câu 2” là ý kiến của thí sinh Lê Thị Hương Giang đến từ Hà Nội. 

Tương tự, thí sinh Phùng Thị Duyên cũng chia sẻthêm: “Em là dân ban A nhưng tháng 3 vừa rồi em có học chuyên môn Địa để đi thi đội tuyển Địa thành phố nên đề thi năm nay đối với em khá nhẹ nhàng, em thừa khá nhiều thời gian và ra ngoài từ sớm, em chắc chắn mình đạt 8 điểm trở lên”.

Phân loại thí sinh mức độ cao

Trong khi đó, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trụ-  giảng viên Học viện Chính sách và Phát triển nhận định đề Địa lí sáng nay, đề vừa sức với học sinh.

“Đề thi khá hay, đã gắn với nhiều vấn đề kinh tế chính trị xã hội của đất nước như: đường biên giới với Trung Quốc, vấn đề biển đảo. 

Đồng thời, đề có khả năng phân loại học sinh cao, các học sinh trung bình có thể đạt được tầm 4-6 điểm, từ các câu hỏi sử dụng Atlat, vẽ biểu đồ, đặc điểm nguồn lao động... Trong khi các học sinh khá và giỏi có thể đạt điểm cao từ các câu hỏi đòi hỏi suy luận như giải thích câu III và câu IV” tiến sĩ Trụ cho biết.

Nói thêm, tiến sĩ Trụ cho rằng, câu 2 tương đối d ễ, câu này thích hợp với học sinh thi tốt nghiệp. Câu 3, phần vẽ biểu đồ, tuy học sinh đã được luyện nhưng vẫn có thể mắc sai sót như khoảng cách năm, chia tỉ lệ.

Với Câu 4, vị giảng viên này cho rằng, ý thứ nhất tương đối vừa sức với học sinh vì có thể sử dụng cả kiến thức đã học và Atlat Địa lí để làm bài. Đây  cũng là ý mang tính phân loại học sinh. Ý thứ 2 là gắn với vấn đề chủ quyền biển đảo học sinh có thể có nhiều tư liệu để viết về nội dung này.

Nhóm PV Giáo dục