Chủ tịch Hà Nội đã biết học sinh phải nhịn đi tiểu vì nhà vệ sinh quá bẩn

12/08/2016 06:32
Thùy Linh
(GDVN) - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã nhận được nhiều phản ánh từ phụ huynh về việc học sinh phải nhịn đi tiểu ở trường vì nhà vệ sinh quá bẩn.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 ngành GD&ĐT Hà Nội vào sáng 11/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá cao thành tích trong sự nghiệp trồng người mà ngành giáo dục Thủ đô đã đạt được trong năm học vừa qua. 

Tuy nhiên, người đứng đầu TP.Hà Nội cũng có nhiều trăn trở với chất lượng của ngành giáo dục Thủ đô hiện nay từ khu vệ sinh đến hệ thống nước sạch trong trường học… 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa ra một số vấn đề trong thời gian tới ngành giáo dục Thủ đô cần phải hướng tới để có một nền giáo dục toàn diện, chất lượng hướng tới hội nhập quốc tế. 

Trường học không chỉ lo dạy kiến thức mà phải chăm lo cả sức khỏe cho học sinh

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội bày tỏ: “Tôi rất mong những chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ GD&ĐT sẽ được ngành giáo dục Hà Nội quán triệt, trong đó có những nội dung rất quan trọng là việc trồng cây xanh ở các trường. 

Vấn đề tiếp theo chúng ta phải lo đó là sức khỏe học trò. Bởi rất nhiều phụ huynh phản ánh, con đến trường phải nhịn tiểu vì nhà vệ sinh quá bẩn. Chúng ta không chỉ lo dạy kiến thức mà phải chăm lo cả sức khỏe cho học sinh, đảm bảo đủ nước uống, nhà vệ sinh sạch
”.

Để khắc phục vấn đề này, thành phố Hà Nội đã khởi động dự án cải tạo hệ thống nhà vệ sinh trường học với việc xây dựng hệ thống nhà vệ sinh riêng cho học sinh.

Cùng với đó, hệ thống nước sạch trong trường học cũng được đầu tư nhằm đảm bảo đủ nước uống hàng ngày cho học sinh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Chúng ta phải khơi gợi sự sáng tạo của học sinh và đào tạo lòng nhân hậu ngay từ bé
Chủ tịch UBND TP Hà Nội: Chúng ta phải khơi gợi sự sáng tạo của học sinh và đào tạo lòng nhân hậu ngay từ bé

Ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Thành phố đặt mục tiêu từ nay đến năm học 2017 – 2018 phải hoàn thành vấn đề nước uống sạch, khu vệ sinh cho học sinh”.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng chỉ đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cần chú trọng phát triển tư duy, tính sáng tạo, phẩm chất đạo đức, sức khỏe của mỗi học sinh. Từ đó, xây dựng được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Chúng ta tổ chức nhiều đoàn đi thăm từ tiêu chuẩn châu Á, tiêu chuẩn Hàn Quốc đến tiêu chuẩn châu Âu… nhưng chúng ta đã áp dụng được gì? 

Thử hỏi, bây giờ có bao nhiêu trường ở Thủ đô Hà Nội, học sinh hoàn thành lớp 12 xong được công nhận bằng tú tài quốc tế? Câu trả lời: Không có một trường nào! Đây là điều mà chúng ta phải trăn trở, phải suy nghĩ. 

Chúng ta nghĩ như thế nào khi mà con em chúng ta bước ra thời kì hội nhập này không phải mất 2 năm để học tiếng và không phải mất 2 năm học chứng chỉ để đạt tiêu chuẩn tú tài của quốc tế? 

Vậy tại sao chúng ta không hợp tác đưa một số chương trình để chúng ta có thể đạt những tiêu chuẩn đó? 

Tại sao trường học của chúng ta không đạt mức mà khi con em chúng ta muốn chuyển trường thì có thể chuyển đến tất cả các nơi trên thế giới? 

Để làm được điều này, chúng ta cần phải đưa ra được trình độ đại trà cho trường Hà Nội và phải đưa ra một tiêu chuẩn. Tôi mong muốn điều này
”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh. 

Tại sao học sinh nội thành lại cận nhiều hơn học sinh ngoại thành?

Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Chung cho biết, sắp tới trường Cambridge (Anh) đến Việt Nam, chọn 2 trường Chu Văn An và Amsterdam để hội nhập, nghĩa là tiêu chuẩn của 2 trường này sẽ đạt tiêu chuẩn để bước vào thế giới. 

Ngoài ra, Chủ tịch TP Hà Nội nhắc nhở: “Tôi thấy, phong trào thi đua trong các trường, thầy cô giáo và học sinh rất nhiều nhưng tôi mong muốn Sở GD&ĐT phát động nhiều hơn nữa các cuộc thi của hiệu trưởng, hiệu phó, cấp quản lí hàng năm phải đưa ra nội dung mới.

Chủ tịch Hà Nội đã biết học sinh phải nhịn đi tiểu vì nhà vệ sinh quá bẩn ảnh 2

Việt Nam phải có đại học tầm quốc tế, đào tạo ra công dân toàn cầu

(GDVN) - TS.Nguyễn Tiến Luận đặt vấn đề: Việt Nam cần có một trường đại học mang đẳng cấp quốc tế, tạo điều kiện để sinh viên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu.

 
Thực tế mà nói, vấn đề kĩ năng sống và rèn luyện sức khỏe của chúng ta chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta nghĩ gì khi ¼ học sinh đi học đeo kính cận?

Điều này có nghĩa là chúng ta đang thất bại bởi sức khỏe con em chúng ta, chấp nhận sức khỏe lao động ngày mai… sẽ kém.

Do học sinh học nhiều hay do thầy cô giáo không quan tâm nhắc nhở?”. 

Bởi khi đi dự cuộc thi Hội khỏe Phù Đổng, ông Chung thấy các đoàn học sinh có quá nhiều học sinh bị cận thị, có đoàn lượng học sinh cận thị chiếm 1/3.

Ông Chung yêu cầu giáo viên, hiệu trưởng các trường quan tâm, nhắc nhở học sinh và đặt câu hỏi: Tại sao học sinh nội thành lại cận nhiều hơn học sinh ngoại thành?

Cũng theo ông Nguyễn Đức Chung: “Thành phố sẽ quan tâm để đầu tư các trường. Tuy nhiên khi xây trường là phải nghĩ đến đội ngũ giáo viên, nghĩ đến mọi thứ đồng bộ và chất lượng đi kèm. 

Cần có những tiêu chuẩn để xây dựng, không thể để chất lượng xây xong được ít ngày thì vôi rơi rồi trần rơi… như thế học sinh đánh giá thế hệ trên mình là giả dối nên dạy kiểu gì cũng khó. Trăm nghe không bằng một thấy, nhìn thấy vậy thì giáo dục khó mà tốt được
”. 

Vị chủ tịch Thành phố Hà Nội gửi tâm tư: “Tuổi học trò ngây thơ và nghịch ngợm nhưng cũng có sáng tạo, chúng ta phải khơi gợi được sự sáng tạo của học sinh và đào tạo được lòng nhân hậu cho trẻ ngay từ bé. 

Các trường hàng năm nên tổ chức cuộc thi về kĩ thuật về sáng tạo, rồi dùng sản phẩm đó hoặc bán sản phẩm đó để học sinh đi làm từ thiện. 

Hãy gieo vào tâm hồn học sinh từ cấp tiểu học, THCS những điều đó. Chúng ta phải đào tạo ra người công dân có lòng nhân từ ngay từ bây giờ
”. 

Đồng thời, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng nhắc nhở: “Chúng ta nói nhiều việc học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, xe điện. Nên chăng, chúng ta đưa môn học này vào Nhà trường. Hà Nội hãy đi đầu trong việc này”. 

Thùy Linh