“Chúng ta đang khủng hoảng thừa các trường đại học”

14/12/2017 07:52
Tấn Tài
(GDVN) - Vì sao điểm đầu vào sư phạm thấp, sinh viên ra trường thất nghiệp, là bởi ở đâu, địa phương nào cũng được đào tạo ngành sư phạm một cách tràn lan.

Đó là chia sẻ của nhiều giáo viên, lãnh đạo các sở, phòng giáo dục tại hội thảo "góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục" do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đà Nẵng mới đây.

Quản chặt chất lượng đào tạo đại học

Liên quan đến những tranh cãi trong dự thảo luật giáo dục đại học sửa đổi về hình thức đào tạo chính quy và tại chức, ông Lê Bá Thiềm - Trưởng phòng giáo dục thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) nêu quan điểm rằng bằng tại chức có giá trị như bằng chính quy.

Nhiều Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ liên quan đến giáo dục thì rất khó để các địa phương thực hiện. Ảnh: TT
Nhiều Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ liên quan đến giáo dục thì rất khó để các địa phương thực hiện. Ảnh: TT

“Tôi nghĩ rằng, quan điểm phân biệt giữa bằng tại chức và chính quy như vậy là không đúng.

Quan điểm của Bộ trong dự thảo luật giáo dục đại học sửa đổi là chuẩn đầu ra và văn bằng tốt nghiệp sẽ giống nhau là hoàn toàn đúng”.

Cũng theo ông Thiềm, quan trọng là mình có cơ chế quản lý chất lượng của các cơ sở đào tạo bằng tại chức, từ xa, chứ không phải cho đào tạo ra rồi phân biệt.

“Chúng ta đang khủng hoảng thừa các trường đại học” ảnh 2Giáo viên tiểu học không đạt chuẩn sẽ về đâu?

Ông Thiềm cũng lấy ví dụ như Thủ tướng Áo Sebastian Kurz mới 31 tuổi và không có bằng đại học.

Đó là một nước phát triển nhưng người lãnh đạo chỉ cần làm được việc, còn người dân họ cũng có cần Thủ tướng họ phải có tấm bằng đại học đâu.

Ông Thiềm cho rằng, chúng ta đang khủng hoảng thừa trường đại học. Với sự “nở rộ” của các trường đại học thời gian qua thì chỉ tăng cơ học về số lượng mà bỏ quên chất lượng.

Điển hình như một số địa phương Nghệ An, Hà Tĩnh cũng có đến 5-6 trường Đại học thì “kinh khủng quá”.

“Ngay như tại Đại học Hà tĩnh, có khoa cũng chỉ tuyển sinh được 6-7 em/năm. Nên đề nghị Bộ quy hoạch lại các trường đại học”, ông Thiềm nói.

Còn vì sao điểm vào sư phạm thấp, sinh viên ra trường thất nghiệp, ông Thiềm cho rằng, vì ở đâu, địa phương nào cũng được đào tạo ngành sư phạm. Có thí sinh 10 điểm cũng đi học được sư phạm thì lấy đâu ra chất lượng.

“Nếu chúng ta quy hoạch lại các trường đại học, chỉ cần tuyển sinh số lượng ít như trường công an, quân đội chẳng hạn thì số điểm đầu vào sẽ tăng lên.

Phải xem xét giải quyết các trường không đảm bảo điều kiện, đào tạo sinh viên ra không có việc làm. Đẩy mạnh tự chủ đại học, nếu làm không được phải cho giải tán”, ông Thiềm nói thêm.

Nhiều Nghị định, Thông tư thiếu thực tế

Qua thực tế quản lý, ông Thiềm cũng phản ánh với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về một thực trạng là nhiều Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ liên quan đến giáo dục thì rất khó để các địa phương thực hiện.

Cụ thể thông tư liên tịch số: 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

“Chúng ta đang khủng hoảng thừa các trường đại học” ảnh 3Quản lý giáo dục, chính quyền địa phương đang có quyền lực quá lớn

Trong đó, mỗi nhóm trẻ có từ 2,2 - 2,5 giáo viên/lớp nhưng ở Hà Tĩnh thì chỉ có 1,7 giáo viên/lớp. Lý do là nhiều lớp quá tải mà số lượng giáo viên ít.

“Khi chúng tôi đấu tranh thì hầu như các địa phương không quan tâm. Họ cho rằng, phải cắt giảm biên chế, viên chức để thực hiện đề án tinh giảm bộ máy chứ không đầu tư, tuyển dụng thêm”.

Do đó, thực tế Thông tư này đã không được thực hiện - ông Thiềm nói.

Đồng quan điểm trên, ông Ngô Quang Hưng, Phó giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Yên cho hay, hiện một số chỉ đạo về tài chính, con người, mỗi địa phương lại thực hiện một kiểu.

Và không thực hiện đúng mức như chỉ đạo của Chính phủ. Nên đưa vào nội dung Luật quy định: "Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ, Chính phủ".

Bởi sau này, nếu tỉnh, huyện không thực hiện sẽ vi phạm luật.

Nên tách hay nhập các trường tiểu học, trung học

Liên quan đến việc nên tách hay nhập trường tiểu học và trung học, ông Thiềm nói, ở thành phố thì quá tải nhưng ở nông thôn có trường tiểu học chỉ 50 em. Mỗi lớp chỉ có 10-15 em.

Giáo viên sợ bị điều lên làm cán bộ phòng, sở giáo dục

“Nếu trường tiểu học và trung học nhập lại một trường thì nó chỉ giải quyết được vấn đề cơ sở vật chất, còn không giải quyết được vấn đề chất lượng.

Nếu nhập trường liên xã (nhiều xã lân cận) thì mới giải quyết được vấn đề. Còn liên cấp thì không được”, ông Thiềm nêu quan điểm.

Thực tế các trường liên cấp cũng rất bất cập. Bởi cách đây 20 năm chúng ta tách ra, giờ lại nhập lại nên về hướng quy hoạch, đề nghị Bộ quan tâm, xác định rõ hướng quy hoạch như thế nào?

Tấn Tài