Chúng ta nên tự hào hay lo lắng về thực trạng nền giáo dục nước nhà?

05/09/2016 07:56
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng "Một mục tiêu quan trọng của giáo dục là làm sao hài hoà giữa dạy chữ và dạy người." và dưới đây là 9 điều tâm huyết của ông!

LTS: Nối tiếp bức tâm thư gửi Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ, hôm nay, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng có bài viết đi sâu phân tích những kiến nghị đã nêu.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Chúng ta nên tự hào hay lo lắng về thực trạng nền giáo dục nước nhà?

Nhìn về nền giáo dục nước nhà, tôi thấy có rất nhiều điểm đáng tự hào, bên cạnh tình trạng hiếu học muốn tiếp tục học lên cao của đa số thanh thiếu niên nước ta và lòng yêu nghề mến trẻ của hầu hết các giáo viên còn có tố chất thông minh của một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên Việt Nam.

Chúng ta nên tự hào hay lo lắng về thực trạng nền giáo dục nước nhà? ảnh 1

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Tôi viết thư này gửi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

(GDVN) - Chúng ta không bi quan về thực trạng giáo dục nước nhà nhưng cần xác định cái gì nên làm trước, cái gì nên thực hiện sau vì “dục tốc bất đạt”.

PISA là chữ viết tắt của “Programme for International Student Assesment - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế” do OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới - Organization for Economic Cooperation and Development) khởi xướng và chỉ đạo.

Hiện đã có hơn 60 nước tham gia vào cuộc khảo sát có chu kỳ 3 năm một lần này để theo dõi tiến bộ của mình trong phấn đấu đạt được các mục tiêu giáo dục cơ bản.

Cho tới nay PISA là cuộc khảo sát giáo dục duy nhất đánh giá kiến thức và kỹ năng của học sinh ở độ tuổi 15, độ tuổi kết thúc giáo dục bắt buộc ở hầu hết các quốc gia. Nội dung đánh giá của PISA hoàn toàn được xác định dựa trên các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống tương lai, không dựa vào nội dung các chương trình giáo dục quốc gia. Đây chính là điều mà PISA gọi là “năng lực phổ thông”.

Để làm được việc đó PISA thu thập và cung cấp cho các quốc gia các dữ liệu có thể so sánh được ở tầm quốc tế cũng như xu hướng của dữ liệu quốc gia về trình độ đọc hiểu, toán học và khoa học của học sinh độ tuổi 15.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, PISA là cuộc khảo sát tin cậy về kiến thức và kỹ năng của học sinh song chúng ta đang đứng trước những thách thức lớn khi lần đầu tiên Việt Nam tham gia PISA.

Nhìn vào bảng trên ta thấy mặc dầu chỉ sô GDP tính theo đầu người của nước ta còn rất thấp so với các nước trên thế giới, vậy mà chỉ số PISA lại ngang hàng với những nước có nền giáo dục phát triển như Phần Lan, Thuỵ Sĩ…

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: cand.com,.vn).
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: cand.com,.vn).

Trong số 8 quốc gia đang phát triển tham gia vào bài thi PISA, Việt Nam là quốc gia có GDP bình quân đầu người thấp nhất, ở mức 4.098 USD/năm. Tuy nhiên, điều đặc biệt là sinh viên Việt Nam lại đạt điểm số cao hơn các nước khác.

Về Chương trình nghiên cứu toán học và khoa học quốc tê TIMMS, chuyên gia Abjijeet Singh sau khi xem xét kết quả bài thi TIMMS đã nhận ra rằng: Trẻ em Việt Nam thể hiện tốt hơn so với bạn bè cùng trang lứa ở những quốc gia đang phát triển khác dù mới 5 tuổi và khoảng cách này đang dần được nới rộng hơn sau mỗi năm. Ông đánh giá: “Một năm học Tiểu học tại Việt Nam đạt hiệu quả hơn về mặt tiếp thu các kỹ năng so với cấp độ tương tự tại Peru hay Ấn Độ”.

Những kết quả ấy là một căn cứ đáng tin cậy cho việc đánh giá thực trạng giáo dục phổ thông ở Việt Nam, khiến cho không ít người Việt Nam tin tưởng và tự hào về những chính sách giáo dục của chúng ta, về trình độ, năng lực giáo dục và tâm huyết của đội ngũ các giáo viên cũng như hiệu quả của công tác quản lý giáo dục ở trường phổ thông.

Kết quả ấy còn là cơ sở khoa học để Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các mô hình giáo dục phù hợp, tổng kết và đánh giá thực tiễn giáo dục từ nhiều năm trước để phát huy những thành tựu đã đạt được và tiếp tục cải tiến, đổi mới phương pháp giáo dục nhằm đạt tới kết quả và hiệu quả cao hơn.

Tại sao Đảng chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; phát triển nguồn nhân lực - xác định đây là một quốc sách hàng đầu, tiêu điểm của sự phát triển, mang tính đột phá, khai mở con đường phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong thế kỷ XXI; khẳng định triết lý nhân sinh mới của nền giáo dục nước nhà “dạy người, dạy chữ, dạy nghề”?

Đây không phải là những sửa đổi, điều chỉnh đơn lẻ, cục bộ mà phải đụng đến bản chất của hệ thống, làm thay đổi căn bản về chất cả hệ thống giáo dục, đưa lên một trình độ mới với hiệu quả, chất lượng cao hơn.

Những đổi mới bao gồm tư duy về sứ mạng, quan điểm, cơ chế phát triển, mục tiêu và môi trường giáo dục. Bên cạnh đó còn đổi mới cả động lực, nguồn lực phát triển và tổ chức chỉ đạo quá trình đổi mới giáo dục.

Bàn về Dự án Mô hình trường học mới VNEN

Để thực hiện quá trình Đổi mới giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ưu tiên vào việc thí điểm triển khai Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam GPE-VNEN (Global Partnership for Education-Vietnam Escuela Nueva), khởi nguồn từ Colombia.

Ở nước này đây là dự án để dạy trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn theo nguyên tắc “lấy học sinh làm trung tâm”. Quản lý lớp học là “Hội đồng tự quản học sinh”, các Ban trong lớp do học sinh tự nguyện xung phong, cần sự tư vấn, khích lệ, giám sát của giáo viên, phụ huynh.

Chúng ta nên tự hào hay lo lắng về thực trạng nền giáo dục nước nhà? ảnh 3

Bộ trưởng “mở lối” VNEN

Hội đồng tự quản học sinh gồm 1 Chủ tịch, 2 Phó chủ tịch, và các Ban (học tập, quyền lợi, sức khoẻ, vệ sinh,văn nghệ, thể dục, thư viện, đối ngoại...).

Rất nhiều thầy giáo và phụ huynh băn khoắn: Vì sao trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với nhiều nền giáo dục tiên tiến, vậy mà ta lại lấy mô hình Colombia (một nước nhỏ và nghèo ở Nam Mỹ)?

Nguồn tài trợ cho dự án này là 84,6 triệu USD từ Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về Giáo dục của Liên Hiệp Quốc. Chúng ta đã triển khai từ năm học 2012-2013 trên 54 tỉnh, thành phố với 2.365 trường Tiểu học và trên 1.000 trường Trung học cơ sở (!). Có nghĩa là mấy vạn học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 đang bị buộc là “chuột thí nghiệm”. Theo dự kiến Chương trình đã kết thúc vào ngày 31/5/2016.

Có quá nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình triển khai dự án này.

Theo quan điểm của tôi, đã đến lúc cần lắng nghe phản biện của các Hiệu trưởng, giáo viên, phụ huynh và đông đảo học sinh.

Cần đặt ra câu hỏi: “Ai sẽ chịu trách nhiệm khi Dự án không đạt được các yêu cầu như mong muốn”?

Qua các phương tiện truyền thông chúng ta biết Hà Tĩnh quyết định dừng triển khai mô hình trường học mới VNEN trên 100% các trường Tiểu học và Trung học Cơ sở ở địa bàn toàn tỉnh (!).

Một phụ huynh phát biểu: “Tôi gửi cháu theo chị vào học trong Nam vì lo con lác mắt, vẹo lưng” - theo Giaoduc.net.vn.

Hà Giang cũng quyết định dừng nhân rộng mô hình trường hợp mới VNEN. Nhiều phụ huynh ở trường Trung học Cơ sở Đất Đỏ ở Bà Rịa - Vũng Tàu nhất quyết xin rút con khỏi các lớp theo mô hình VNEN cho nên Vũng Tàu cũng kiến nghị tạm dừng.

Vì sao mô hình VNEN trở thành nỗi ám ảnh của nhiều giáo viên, học sinh và cả phụ huynh?

Có rất nhiều lý do, quan trọng nhất có lẽ vì điều kiện cần và đủ chưa đáp ứng; học sinh non nớt phải tổ chức lớp học theo cặp đôi, thảo luận nhóm, thiếu trang thiết bị, giáo trình còn giáo viên thì chưa được tập huấn kỹ, học sinh yếu kém không năng động tham gia mà chỉ nhường quyền phát biểu cho các học sinh khá giỏi.

Chúng ta nên tự hào hay lo lắng về thực trạng nền giáo dục nước nhà? ảnh 4

Bộ trưởng Nhạ có biết, nhiều nơi VNEN bị áp dụng rất cứng nhắc, dập khuôn?

Lẽ nào các mô hình chúng ta đang giảng dạy thua kém chất lượng so với các trường ở Colombia?

Có thể kể đến không ít các trường quốc tế dạy theo chương trình nước ngoài và học sinh đang được học một cách vừa nhẹ nhàng vừa có chất lượng cao.

Các trường Việt Nam tuy bị ràng buộc bởi khung chương trình, sách giáo khoa, theo kế hoạch và chỉ đạo chặt chẽ của Bộ nhưng nhờ có những sáng kiến riêng, đội ngũ giáo viên giỏi nên đã tạo nên những thương hiệu nổi tiếng.

Có thể kể đến các trường chuyên, lớp chuyên trực thuộc một số trường Đại học, trường phổ thông liên cấp Olympia; trường phổ thông Amsterdam; trường Lương Thế Vinh; trường Marie Curie; trường Đoàn Thị Điểm...

Góp ý về xây dựng chương trình Sách giáo khoa

Trong dự kiến quá trình xây dựng Chương trình và Sách giáo khoa một băn khoăn rất lớn trong giới khoa học và giáo dục là vì sao Bộ không tận dụng sự tham gia của đông đảo hội Khoa học chuyên ngành đang được tập hợp trong Liên hiệp Các Hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VUSTA)?

Đó là Hội Toán, Hội Vật Lý, Hội Hoá học, Hội các ngành Sinh học, Hội Lịch sử, Hội Địa lý, Hội Địa chất, Hội Ngôn ngữ hoc. Ngoài Liên hiệp VUSTA còn có các Hội liên quan đến Văn, Nhạc, Hoạ, Nhiếp ảnh, Hội làm vườn, Hội địa chất, Hội cơ khí, Hội Thuỷ sản, Hội Sinh vật cảnh, Hội Khuyến học...

Các Hội này đâu chỉ gồm các nhà khoa học mà còn bao gồm rất nhiều giáo viên đang dạy ở các trường phổ thông.

Vì sao Bộ chỉ liên kết trên danh nghĩa với VUSTA chứ không dựa vào đội ngũ chuyên gia của các Hội một cách thực chất?

Bộ tự đi chọn người làm Chương trình, soạn Sách giáo khoa sẽ tốt hơn hay là để các Hội dân chủ bàn bạc và lựa chọn giúp Bộ?

Chuyện xây dựng Chương trình và biên soạn sách giáo khoa là chuyện hết sức hệ trọng.

Theo tôi cần có những cuộc Hội thảo quốc gia để định hướng biên soạn Chương trình và sách giáo khoa.

Sau đó phân cho các Hội chuyên ngành chọn chuyên gia (cả giáo viên) biên soạn chương trình dưới sự chỉ đạo của Bộ và cần có một Hội đồng quốc gia đầy đủ uy tín để xét duyệt Chương trình chuẩn.

Chúng ta nên tự hào hay lo lắng về thực trạng nền giáo dục nước nhà? ảnh 5

Vẫn còn gần 500.000 lao động có trình độ đang thất nghiệp

(GDVN) - Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, trong quý 2/2016, cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp.

Sau đó theo quyết định của Quốc hội là có nhiều bộ Sách giáo khoa sẽ để các nhóm chuyên gia đăng ký biên soạn Sách giáo khoa theo từng môn học chứ không phải có nhóm đăng ký cả bộ Sách giáo khoa.

Cần tự do đăng ký chứ không nên để ra những tiêu chuẩn chặt chẽ, bởi vì kết quả là sản phẩm có được duyệt hay không?

Sẽ không có tiêu chuẩn gì khác ngoài đúng chương trình và có chất lượng tốt, thông qua hai tiêu chí trên tại các Hội đồng xét duyệt Sách giáo khoa cấp Quốc gia.

Quyền lựa chọn Sách giáo khoa nên như các nước, đó là là tuỳ từng giáo viên, học sinh, vì tất cả đều đã theo đúng cùng một chương trình chuẩn, chỉ với các cách trình bày khác nhau mà thôi. Không có chuyện trao quyền lựa chọn cho Sở hay trường để dẫn tới vô vàn chuyện tiêu cực.

Một vấn để rất lớn đang gây phân tâm trong xã hội, đó là quan niệm thế nào là Tích hợp?

Không ai phản đối Tích hợp, nhưng tích hợp thế nào cho hợp lý thì lại là chuyện khác.

Ví dụ: Pháp không dạy Sinh học mà dạy Khoa học về sự sống và về Trái đất; không dạy Thực vật, Động vật, Người, Vi sinh vật... mà dạy từng chức năng sống từ Virut đến Người, liên quan đến môi trường sống, đến vệ sinh, an toàn thực phẩm...

Mỹ có môn Tự nhiên (Nature) in trong 1 cuốn sách nhưng lại có hẳn ba bài hoàn toàn riêng biệt (Vật Lý, Hoá học, Khoa học Sự sống).

Mỗi bài (unit) do các thầy dạy riêng, không ai bắt giáo viên soạn và dạy chung cả ba môn này (!). Rất ít có sự tích hợp giữa ba môn nhưng nếu có thì càng tốt, tích hợp như tôi trình bày ở trên là giữa lý thuyết với cuộc sống, với thiên nhiên, với tiến bộ Khoa học-Công nghệ, với biến đổi khí hậu, với trách nhiệm công dân...

Chúng ta nên tự hào hay lo lắng về thực trạng nền giáo dục nước nhà? ảnh 6

39 tiêu chí đánh giá sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Quốc hội có quyết nghị (hơi vội vã) là không tích hợp Sử với Địa Lý, vậy các môn khác thì sao?

Một chuyện rất hệ trọng là nên phân ban từ lớp nào và nên phân thành mấy ban là hợp lý nhất?

Chúng ta đã có một giai đoạn phân ban rất tốn kém rồi lại phải huỷ bỏ, đừng lặp lại những sai lầm như thế.

Tất cả chúng ta ai cũng thấy cần cung cấp đủ kiến thức cơ sở cho mọi học sinh, vì hạnh phúc của mỗi con người là đã được trang bị đủ kiến thức trên ghế trường phổ thông để đủ khả năng có thể tự học thêm trong suốt cuộc đời.

Nên tham khảo nhiều nước chỉ phân ban trong hai năm cuối ở bậc Trung học Phổ thông (lớp 11, 12).

Đã phân ban thì nên phân sâu, nước Nepal rất nghèo nhưng giáo dục lại rất tốt. Họ chỉ phân có bốn ban: Toán Lý; Hoá Sinh; Khoa học Xã hội và Quản trị kinh doanh; mỗi ban có 4 môn học. Có lẽ vì vậy nên tôi mua hai cuốn sách Sinh học lớp 11, 12, cả hai đều dày trên 700 trang (!), trong khi sách Sinh học của chúng ta mỏng như... lưỡi mèo!

Góp ý về hình thức thi cử

Một chuyện rất quan trọng nữa là nên thi cử như thế nào? Chúng ta loay hoay thử nghiệm mất mấy năm nay rồi mà vẫn không ổn.

Cần nhận thức rõ nhìn chung trên thế giới người ta bắt học sinh “Học gì thi nấy”. Ngược lại nếu như cách thi hiện nay thì tất cả học sinh sẽ có xu hướng “Thi gì học nấy”, tâm lý học sinh chắc chắn là không thi không học. Nếu chỉ thi một số môn thì các môn khác học sinh không học, giáo viên dạy các môn coi như “phụ” này lấy đâu ra phấn khởi để truyền đạt kiến thức?

Nếu thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông mà trên 90% đậu thì thi làm gì cho lãng phí tiền bạc và hoàn toàn không đúng thực chất?

Kỳ thi Quốc gia có nhiều thành công nhưng cũng còn rất nhiều ý kiến khác nhau, rất cần thảo luận thêm cho hoàn chỉnh.

Cũng nên tham khảo kiểu kiểm tra SAT của nền giáo dục Mỹ, có thể thi lại nhiều lần, vừa rất chính xác lại không quá nặng nề với học sinh.

Cũng cần có biện pháp loại bỏ các Sách tham khảo chất lượng kém, gây tốn kém quá nhiều tiền bạc và lãng phí thời gian của học sinh.

Về việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Một băn khoăn rất lớn trong toàn xã hội hiện nay là cứ tuyển sinh ồ ạt như hiện nay thì sau khi tốt nghiệp học sinh sẽ xin việc ở đâu?

Theo tôi việc thanh niên ta ham học là quá tốt, chỉ có điều là nên cân nhắc vào từng năng khiếu để cho các cháu nên thi vào trường nào, vào ngành nào để đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Vì sao ở nhiều nước khác rất đông học sinh xin học nghề, vì học nghề cũng có thể tiến rất xa, lương về sau có thể cao hơn cả Tiến sĩ.

Hiện nay trí thức trẻ thất nghiệp quá lớn. Theo thống kê công bố ngày 17/8/2016 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê thì bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 2 năm 2016 cho thấy: cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Con số này đã tăng 16.400 người so với quý 1/2016.

Theo đó, có 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp, chiếm tới 40%. Trong đó có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.

Chúng ta cũng đang dư thừa quá nhiều giáo viên: 41.000 giáo viên Tiểu học, 12.200 giáo viên Trung học Cơ sở, 16.900 giáo viên Trung học Phổ thông.

Trong khi đó các cơ sở đào tạo giáo viên vẫn tiếp tục tồn tại quá nhiều: 9 trường Đại học Sư phạm, 1 Đại học giáo dục, 31 Khoa Sư phạm trong Đại học đa ngành, 35 Cao đẳng Sư phạm, 19 Khoa Sư phạm trong các trường Cao đẳng, 3 Trung cấp Sư phạm, 10 Trung cấp chuyên nghiệp.

Đại học Sư phạm nên tuyển sinh bao nhiêu và nên học gì?

Theo tôi không cần thiết giảm chỉ tiêu tuyển sinh mà tạo ra hướng mới là lần lượt có kế hoạch bồi dưỡng cho mọi giáo viên các cấp đều đạt chuẩn.

Còn các trường Đại học khác nếu không đủ sức đào tạo ra những chuyên gia có tay nghề đích thực thì thà đào tạo các loại ngoại ngữ chuyên ngành (!).

Nghe có vẻ bất thường nhưng nếu giỏi ngoại ngữ theo chuyên ngành thì có thể dễ dàng tìm được công nghệ mới (đã hết thời gian bảo hộ) qua Internet rồi để lập doanh nghiệp. Sinh viên cần phân hoá theo năng khiếu và năng lực, chứ không do áp lực của bố mẹ và thiên kiến của xã hội.

Góp ý về giáo dục Đại học và trên Đại học

Về giáo dục Đại học và trên Đại học tôi có mấy kiến nghị vắn tắt như sau:

Hàn Quốc ban đầu dịch nguyên văn sách của Nhật Bản, mãi về sau mới biên soạn ra những bộ sách giáo khoa của riêng mình.

Chúng ta không cần đến mức như thế nhưng phải tham khảo các giáo trình hiện đại nhất trên thế giới.

Sinh viên cuối cấp phải tự tham khảo được sách giáo khoa nước ngoài, dù chỉ là bản sao chụp.

Học Đại học mà không tham gia nghiên cứu khoa học thì làm sao đủ năng lực để hành nghề sau khi ra trường?.

Chúng ta nên tự hào hay lo lắng về thực trạng nền giáo dục nước nhà? ảnh 7

Những con số "biết nói" của giáo dục phổ thông năm học 2015-2016

Tất cả các bộ môn tự xét thấy mình không đủ năng lực đào tạo ra các sinh viên đủ sức đáp ứng cho nhu cầu xã hội thì cần đổi mới nội dung và chất lượng đào tạo để sinh viên có thể dễ dàng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Ai cũng biết muốn có sinh viên giỏi thì đầu vào phải tốt.

Rất tiếc hiện nay thông qua kỳ thi quốc gia vừa qua thấy số đông có kiến thức quá thấp, nhất là với các môn quan trọng như Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Trong kỳ thi Quốc gia vừa qua: Môn Toán cả nước chỉ có 86 thí sinh đạt điểm 10, tổng số thí sinh đạt điểm 9 trở lên là 3.152. Có 5.410 thí sinh bị điểm 0; 6.671 thí sinh đạt 0,5 điểm, 8.586 thí sinh bị điểm 1; chưa kể đến số thí sinh đạt mức 0,25 và 0,75. Ước tính số thí sinh bị điểm liệt ở môn Toán có thể lên đến khoảng gần 40.000 em.

Môn Ngoại ngữ, vùng phổ điểm chủ yếu tập trung ở mức 2-3,5 điểm, chỉ có 59 thí sinh đạt điểm 10; số thí sinh bị điểm liệt gần 200 em.

Ngay môn Văn mà số thí sinh bị điểm 0 là 423 em, mức 0,5 điểm là 192 em và mức 1 điểm là 349 em. Tuy nhiên nếu tính số thí sinh đạt ở mức 0,25 và 0,75 thì con số thí sinh bị điểm liệt có thể lên đến hàng nghìn. Ở môn Văn, Bộ Giáo dục cũng xác nhận không có thí sinh nào đạt điểm 10.

Một mục tiêu quan trọng của giáo dục là làm sao hài hoà giữa dạy chữ và dạy người.

Bác Hồ đã từng căn dặn: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.

Rõ ràng một người sẽ không thể tiến hành các công việc mà mình đảm nhiệm nếu không có tài năng, trí tuệ, kiến thức nhưng sẽ là tệ hại hơn, với một người có tài năng nhưng lại thiếu vắng tư cách và đạo đức. 

Một chuyện thật đáng buồn là chuyện bạo lực học đường ngày càng tăng.

Bạo lực học đường là hiện tượng xấu xa, tiêu cực nhất đang có chiều hướng gia tăng trong lớp học, trên giảng đường hiện nay. Thực trạng đó có phần nguyên nhân từ môi trường sư phạm trong nhà trường không còn mô phạm như trước kia.

Sự liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong quản lý học sinh - sinh viên hiện nay tuy được thực hiện nhưng chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, điều đó cũng dẫn đến sự thả lỏng các em, tạo điều kiện cho các em rất dễ trong việc nói dối, lêu lổng…

“Dạy người” là một quá trình, đồng bộ, không chỉ một sớm một chiều, mà phải tiến hành liên tục, hàng ngày từ những việc làm và ứng xử nhỏ nhất. Vì vậy, giáo viên chúng ta phải nỗ lực phấn đấu để là những tấm gương sáng không chỉ về kiến thức mà còn về đạo đức tư cách. Có như vậy mới xứng đáng là những “kỹ sư tâm hồn”.

Đây là một vấn đề rất thời sự mà tất cả giáo viên đều mong Tân Bộ trưởng cần tham khảo ý kiến của số đông giáo viên để có sự sửa đổi càng sớm càng tốt.

Góp ý về Thông tư 30 của Bộ

Thời đại công nghệ thông tin rồi mà cứ bắt giáo viên chuyên ngồi viết “lý lịch” học sinh một cách chi tiết là điều phản khoa học và không cần thiết.

Những giáo viên như Mĩ thuật, Âm nhạc dạy cả gần 1000 học trò thì việc ngồi viết lý lịch là một chuyện khổ ải đến vô cùng.

Ngoài chuyện bất cập trong việc ghi lý lịch học trò thì một số sổ sách không cần thiết nên giảm đi cho giáo viên, bởi hiện nay có rất nhiều loại sổ ghi chép chỉ nhằm mục đích là để đối phó với thanh tra.

Những lời phê của giáo viên không nhất thiết phải ghi chép thường xuyên vào mấy quyển sổ… để lưu, mà nên tập trung vào lời nhận xét vở học trò để từ đó nhà trường kết hợp với phụ huynh cùng kèm cặp các em tiến bộ.

Phải tuyên truyền, bồi dưỡng cho đội ngũ Ban giám hiệu nhà trường thấu đáo về chủ trương của Bộ, bởi nhiều năm nay việc thanh tra giáo dục đã chuyển từ thanh tra giáo viên sang thanh tra người đứng đầu.

Bởi thế nhiều Ban Giám hiệu chỉ lo mức độ an toàn cho mình, cái gì cũng chỉ đạo giáo viên một cách máy móc theo lệnh từ trên xuống. Những Ban giám hiệu như vậy chỉ mới là người đóng tròn vai chứ chưa có sự linh động, sáng tạo.

Việc cốt lõi nhất là hiệu quả giảng dạy của thầy và trò chứ không phải những quyển sổ vô hồn để đối phó với cấp trên trong mỗi lần thanh kiểm tra.

Chúng ta nên tự hào hay lo lắng về thực trạng nền giáo dục nước nhà? ảnh 8

Bộ Giáo dục sửa Thông tư 30, khắc phục những hạn chế, bất cập

Có lẽ hình ảnh những nhà giáo một tay bế đứa con thơ, một tay loay hoay với tập hồ sơ, sổ sách đã trở lên phổ biến hơn khi Thông tư 30 ra đời.

Ngoài nhiệm vụ dạy học Nhà nước phân công thì thực tế giáo viên hiện nay còn phải làm nhiều công việc khác và một trong những việc khá vất vả, tốn thời gian là hoàn thiện hồ sơ sổ sách theo quy định như sổ dự giờ, giáo án, kế hoạch cá nhân, kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, sổ theo dõi tình hình phổ cập địa phương…

Tưởng chừng sẽ được hưởng lợi ích đến từ sự tiến bộ xã hội đó thì các giáo viên tiểu học lại vất vả dùng đôi bàn tay của mình ghi chép đến mỏi mệt, rã rời những điều dập khuôn, hình thức.

Do vậy, cần giảm bớt tối đa các hồ sơ sổ sách, tích cực đẩy mạnh ứng dụng Công nghệ Thông tin để giải phóng sức lao động cho thầy và trò!

Đối với học sinh lớp 1 thì việc cần thiết là dạy cho các em đọc thông, viết thạo và làm được các phép tính đơn giản, chưa nhất thiết phải thảo luận nhóm từ đó dần hình thành cho các em kĩ năng học bài.

Đối với khối một thì Ban Giám hiệu nhà trường cũng nên hạn chế tổ chức thao giảng, dạy chuyên đề bởi những tiết học này phần lớn là giáo viên phải “nhờ cậy” mấy em học khá giỏi để lấy lòng Ban giám hiệu trong tiết dạy.

Ban giám hiệu cần động viên, chia sẻ những khó khăn chứ đừng nên áp đặt, hoạnh họe, gây ức chế cho giáo viên, điều đó chỉ khiến mất đi mối quan hệ với cấp dưới vừa khiến giáo viên đứng lớp luôn cảm thấy cô độc trong quá trình giảng dạy, công tác.

Trong công tác khen thưởng cho học trò, lời phê trong học bạ và sổ liên lạc cũng cần được chú trọng. Chú ý đến những lời khen ghi trong giấy khen sao cho phù hợp, tránh tình trạng như dư luận đã phản ánh trong năm học vừa qua và gây nhiều sự hiểu lầm cho phụ huynh.

Trong các sổ liên lạc và học bạ giáo viên chủ nhiệm cần xây dựng một hệ thống lời phê phù hợp với năng lực, phẩm chất và kĩ năng của học trò, tránh tình trạng những lời phê na ná, chung chung như nhau. Em nào cũng “ngoan hiền”, “học tốt” thì sẽ đánh đồng tất cả học trò.

Suy cho cùng, quan trọng nhất vẫn là cần thay đổi tư duy của các cơ quan quản lý giáo dục.

Theo UNESCO hai chỉ số cốt lõi để đánh giá chất lượng Giáo dục là: Sự phát triển nhận thức của người học và thúc đẩy những giá trị chung, sự phát triển sáng tạo và cảm xúc của người học

Phải quản lý theo mục tiêu chất lượng mới phù hợp với khoa học quản lý thời kinh tế thị trường. Nghị quyến 29/TƯ nói rõ: "Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và chủ động sáng tạo của các cơ sở Giáo dục và Đào tạo.

Phải khuyến khích các trường chủ động tạo Thương hiệu, chỉ có chủ động sáng tạo mới tạo ra được thương hiệu, chứ không phải cứ mải chạy theo số lượng tuỳ tiện, hạ thấp yêu cầu giáo dục một cách toàn diện".

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng