Chúng tôi chờ đợi việc thực hiện lời nói của Bộ trưởng

16/12/2018 07:33
Phan Tuyết
(GDVN) - Chúng tôi, những thầy cô giáo đang giảng dạy ở nhiều cấp học tin tưởng và hy vọng việc Bộ trưởng nói được sẽ làm được.

LTS: Chỉ ra những điều không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên, nhà giáo Phan Tuyết đã có bài viết gửi gắm đến Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây trong cuộc tọa đàm “Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trường đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 14/12 nhằm phần nào tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nói “những gì không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên sẽ cắt bỏ”.

Chúng tôi, những thầy cô giáo đang giảng dạy ở nhiều cấp học tin tưởng và hy vọng việc Bộ trưởng nói được sẽ làm được.

Giáo viên vẫn phải chịu nhiều áp lực từ những quy định của ngành giáo dục (Ảnh minh họa: vov.vn).
Giáo viên vẫn phải chịu nhiều áp lực từ những quy định của ngành giáo dục (Ảnh minh họa: vov.vn).

Nhưng, những gì là không hợp, là gây áp lực cho giáo viên?

Nếu hỏi các nhà quản lý giáo dục chắc chắn sẽ có những câu trả lời khác với các thầy cô giáo.

Thế nên hãy để chúng tôi - những người giáo viên đang hằng ngày, hằng giờ chịu nhiều áp lực từ những quy định của ngành xin được lên tiếng.

Những điều không phù hợp, gây áp lực cho giáo viên

Thứ nhất, áp lực về các chỉ tiêu thi đua như chỉ tiêu về phổ cập và phổ cập đúng độ tuổi. Có chỉ tiêu này, các trường khó có thể cho học sinh học yếu ở lại lớp nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chỉ tiêu lên lớp thẳng và chỉ tiêu về hiệu quả đào tạo sau 5 năm.

Đồng thời, giáo viên luôn lo sợ học sinh nghỉ học giữa chừng (giáo viên buộc phải tìm mọi cách vẫn động học trò ra lớp, nếu không đạt sẽ tìm mọi cách gian dối).

Chỉ tiêu về trường chuẩn quốc gia, hàng loạt chỉ tiêu quy định về kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các trường phổ thông trong Thông tư số: 18/2018/TT-BGDĐT; Thông tư số 06/2010/TT-BGDĐT.

Chúng tôi chờ đợi việc thực hiện lời nói của Bộ trưởng ảnh 2Nên bỏ các cuộc thi kiểu Giáo viên giỏi và Dự giờ theo chuyên đề

Hàng loạt chỉ tiêu về chất lượng giáo dục như học lực, hạnh kiểm luôn ở mức cao gần như tuyệt đối.

Ngoài ra còn chỉ tiêu về tỉ lệ học sinh khá giỏi, về các giải thưởng ở các cuộc thi trong và ngoài tỉnh.

Do chỉ tiêu quá cao, giáo viên phải gồng sức thực hiện khi không thể đạt được cũng sẽ nảy sinh sự gian dối.

Đề đủ điều kiện công nhận trường chuẩn quốc gia, tỉ lệ giáo viên dạy giỏi các cấp cũng phải đạt theo quy định đề ra, nhà trường buộc giáo viên phải tham gia các hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên tổng phụ trách giỏi…các cuộc thi quá dày năm nào cũng có (có giáo viên một năm tham gia đến vài cuộc thi một lúc) mặc dù nhiều người không có nhu cầu.

Bộ Giáo dục nên bỏ danh hiệu trường chuẩn quốc gia vì đó chỉ là vẻ bề ngoài hình thức.

Đánh giá chất lượng dạy và học của trường không nên nhìn vào cái danh hiệu bên ngoài mà cần đi vào thực chất như khảo sát chất lượng học sinh sẽ chính xác hơn nhiều.

Thứ hai, dẹp bỏ các phong trào thi đua của học sinh được tổ chức dưới nhiều hình thức như Hội thi vở sạch chữ đẹp, hùng biện, giao lưu, em yêu tiếng Anh, em yêu Văn học, Lịch sử, về nguồn, rung chuông vàng, nấc thang vinh quang, trạng nguyên nhí, hoa trạng nguyên, cuộc thi sáng tạo tuổi thơ năm nào cũng có… các cuộc thi học sinh giỏi trên mạng…học sinh không có khả năng nhưng bị ép bằng chỉ tiêu buộc thầy cô phải gian dối.

Chúng tôi chờ đợi việc thực hiện lời nói của Bộ trưởng ảnh 3Thi giáo viên giỏi - thầy cô không muốn tham gia cũng khó

Thứ ba, cần dẹp bỏ quy định mỗi năm giáo viên phải có từ 1-2 sáng kiến kinh nghiệm hoặc giải pháp hữu ích.

Dù sáng kiến, dù giải pháp cũng chỉ hướng tới việc nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh. Vậy nên chỉ cần kiểm tra chất lượng học tập của các em là có ngay kết quả chính xác.

Thứ tư, áp lực quá lớn về hội họp, hồ sơ sổ sách, về thanh tra dự giờ liên miên giáo viên chẳng còn nhiều thời gian tập trung cho việc giảng dạy.

Cần cởi trói cho thầy cô như việc buộc giáo viên phải giảng dạy theo mô hình, theo phương pháp cấp trên mặc định sẵn mà không cho phép thầy cô được tự do dạy, tự do sáng tạo.

Khoán chất lượng cho giáo viên

Có ý kiến cho rằng, nếu không thi đua, không áp chỉ tiêu sợ giáo viên chây ì không nỗ lực trong giảng dạy.

Vậy nên song song với việc dẹp bỏ những áp lực cho người thầy, ngành giáo dục cần khoán chỉ tiêu cho từng giáo viên.

Thầy cô có quyền sử dụng phương pháp, hình thức dạy học, nhà trường sẽ có kế hoạch sát hạch, kiểm tra chất lượng vào cuối học kỳ, cuối năm học để đánh giá chất lượng học tập, sinh hoạt của từng học sinh.

Khi giáo viên được cởi bỏ những gánh nặng xung quanh mình thì việc tập trung trí lực vào giảng dạy là việc làm đương nhiên.

Phan Tuyết