Chúng tôi đâu chỉ là thầy, còn là cha, là mẹ, là chuyên gia tâm lý...

18/11/2015 07:40
Thủy Phan
(GDVN) - Không chỉ là người dạy chữ, giáo viên dạy dỗ trẻ khuyết tật còn là những người cha, người mẹ, là nhà tâm lý của những học sinh không may mắn này.

Đó là tâm sự của các giáo viên ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật thành phố Đồng Hới (Quảng Bình).

Chỉ yêu nghề thôi chưa đủ

Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật thành phố Đồng Hới hiện có 88 trẻ khuyết tật với đủ các dạng như: trẻ khiếm thính, trẻ khiếm thị, trẻ khuyết tật trí tuệ, trẻ khuyết tật vận động.

Để dạy được những học sinh khuyết tật này, ngoài yêu nghề đòi hỏi các giáo viên phải có tính kiên nhẫn, chịu khổ, yêu thương trẻ như chính con cái của mình.

Vừa dạy học, cô Võ Thị Huế vừa lau nhà vì nhiều em chưa thể tự đi vệ sinh (Ảnh: Thủy Phan)
Vừa dạy học, cô Võ Thị Huế vừa lau nhà vì nhiều em chưa thể tự đi vệ sinh (Ảnh: Thủy Phan)

Gặp cô Lê Vũ Hiền, người có nhiều năm công tác và hiện đang dạy lớp học sinh đa khuyết tật tại trung tâm. Khác với những lớp học thông thường, làm giáo viên ở đây phải kiêm luôn chức vụ phục vụ, chăm sóc học sinh của mình.

Là giáo viên của những người “không bình thường” nên cô Hiền gặp phải rất nhiều tình huống chẳng giống ai. 

Cô kể, có học sinh bị khuyết tật trí tuệ và tự kỷ ở mức độ rất nặng, thường xuyên la hét, đập bàn, đánh bạn. 

Không chỉ thế, nhiều học sinh của cô đùa nghịch trong lớp, chạy nhảy ra ngoài không cần hỏi ai cả là chuyện xảy ra như cơm bữa. Những lúc như thế, cô lại chạy theo đưa các em quay vào lớp.

Chúng tôi đâu chỉ là thầy, còn là cha, là mẹ, là chuyên gia tâm lý... ảnh 2
Nếu không có tình thương, tính kiến nhẫn thì khó có thể làm công việc này lâu dài (Ảnh: Thủy Phan)

Còn với cô Đặng Thị Tâm, dạy các học sinh khiếm thính, cô đến với nghề như có duyên trời định. 

Cô tâm sự, từ nhỏ cô đã có niềm đam mê với những ngôn ngữ ký hiệu. Vì vậy, cô nuôi ước mơ sẽ được học thành thạo để truyền đạt lại cho những trẻ em bị khiếm thính.

Tốt nghiệp trường đại học sư phạm Đà Nẵng, cô quyết tâm xin vào đây giảng dạy để thực hiện ước mơ của mình. Cô luôn nuôi hy vọng sẽ giúp các em khiếm thính hòa nhập cộng đồng và có thể tự nuôi sống được chính mình.

Cô Tâm cho biết, khi mới tiếp xúc với các học sinh, để giải thích được một vấn đề gì đó rất khó khăn vì các em chưa biết cách giao tiếp, chưa biết các ngôn ngữ ký hiệu. 

Bên cạnh đó, các kỹ năng tiền học đường như cách cầm bút, nhìn mặt chữ… các em chưa có nên chúng tôi phải mất một thời gian dài để dạy cho các em hiểu.

Ở trường khuyết tật, muốn dạy được các em học sinh thì giáo viên không chỉ yêu nghề thôi là đủ, mà phải có lòng yêu thương đối với các em. 

Mặt khác, mỗi giáo viên cần nắm bắt được mong muốn, nhu cầu và khả năng của các em học sinh thì mới có thể dạy được
”, cô Tâm cho biết.

Vừa là nhà giáo, vừa là nhà tâm lý

Việc dạy dỗ các em học sinh bình thường đã vất vả, nhưng dạy các học sinh khuyết tật còn vất vả hơn gấp mấy lần. 

Bởi theo cô Võ Thị Huế, từng có 20 năm gắn bó với học sinh bình thường tại trường Tiểu học Vạn Ninh, (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), nếu không có tình thương với các em, không quan trọng tính sĩ diện thì chắc chắn sẽ không thể gắn bó nổi lâu dài với công việc này.

Các em học sinh ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật thành phố Đồng Hới tỏ ra vui mừng khi gặp người lạ (Ảnh: Thủy Phan)
Các em học sinh ở Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật thành phố Đồng Hới tỏ ra vui mừng khi gặp người lạ (Ảnh: Thủy Phan)

Cô Huế chia sẻ, mỗi học sinh có mỗi hoàn cảnh, mối bệnh lý và mức độ tiến triển khác nhau nên rất phức tạp. Giáo viên muốn dạy được, phải tự tìm tòi những từ ngữ gần gũi với các em, như thế các em mới có thể hiểu được. 

Lúc đầu mới vào làm việc, nhiều lúc tôi cũng thấy mệt mỏi lắm. Nhưng rồi quen dần, mỗi lần thấy học sinh của mình làm được điều gì mới là tôi thấy hạnh phúc lắm”, cô Huế nói.

Chúng tôi đâu chỉ là thầy, còn là cha, là mẹ, là chuyên gia tâm lý... ảnh 4
Cô giáo dạy chữ cho học sinh khuyết tật (Ảnh: Thủy Phan)

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Hằng Nga, Phó Giám đốc chuyên môn Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật thành phố Đồng Hới cho biết, hiện toàn trung tâm có 88 học sinh và 33 cán bộ công nhân viên chức.

Để dạy được trẻ khuyết tật, giáo viên phải có chuyên môn sâu, phải hiểu được trẻ. Chính vì vậy, mỗi giáo viên ở đây vừa là một nhà giáo, vừa là một nhà tâm lý và cũng là một bảo mẫu.

Không chỉ vậy, vì có 30 học sinh ở xa đến phải ở nội trú nên mỗi buổi tối, trung tâm phải phân công 2 giáo viên ở lại trực đêm trông các em.

Các thầy cô ở trung tâm không phải chỉ dạy một dạng trẻ riêng biệt, mà phải dạy nhiều trẻ, nhiều dạng tật với nhiều mức độ khác nhau nên rất khó khăn.
Để dạy được một học sinh khuyết tật, trước hết giáo viên phải điều tra thông tin về học sinh đó để nắm bắt và có phương pháp dạy phù hợp. 

Bên cạnh đó, phải có cơ sở vật chất để đáp ứng được việc dạy trẻ. Tuy nhiên, hiện trung tâm còn nhiều thiếu thốn như thiếu phòng phục hồi chức năng, thiếu sân chơi bãi tập và một số phương tiện dành riêng cho những trẻ bị khuyết tật ở mức độ nặng
”, bà Nga cho biết.

Thủy Phan