Chương trình sữa học đường tại Hà Nội, chưa minh bạch thì đừng làm

28/09/2018 09:56
Trúc Diệp
(GDVN) - Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, các cơ quan có trách nhiệm của Hà Nội cần phải minh bạch để nhân dân giám sát, nhằm thực hiện tốt dự án.

Xung quanh thông tin về đề án chương trình sữa học đường tại Hà Nội đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa 13) nêu ra 6 nhóm vấn đề mà các cơ quan có trách nhiệm cần phải chú ý để khi triển khai thực sự đảm bảo được ý nghĩa tốt đẹp của chương trình, không bị mang tiếng có những vấn đề thiếu minh bạch.

Thứ nhất, đây là chủ trương tốt mà Chính phủ đã ban hành từ năm 2016 nhằm nâng cao thể chất cho học sinh là rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi bước vào triển khai từng dự án thì rất cần sự minh bạch từ đầu đến cuối, không chỉ minh bạch về giá cả mà phải minh bạch cả về thông tin.

Chủ trương là cải thiện chiều cao cho trẻ nhỏ, giảm tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng, vậy khi Hà Nội dự kiến triển khai thì có khảo sát, điều tra thế nào? Cần phải có khảo sát khoa học trước khi triển khai đề án.

Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, minh bạch là yếu tố quan trọng nhất khi thực hiện đề án sữa học đường. ảnh: NQ.
Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, minh bạch là yếu tố quan trọng nhất khi thực hiện đề án sữa học đường. ảnh: NQ.

Thứ hai, trên cơ sở điều tra, khảo sát tìm ra được nguyên nhân rồi thì tính đến xem trẻ thiếu vi chất gì. Uống sữa thì tốt rồi, nhưng sự phát triển của các cháu khác nhau, cho nên vấn đề này cần có sự vào cuộc của các chuyên gia dinh dưỡng. 

“Nhìn chung sữa có thể khác nhau chút ít về vi lượng thôi còn nhìn chung các thành phần cơ bản tổng thể là giống nhau. Trong trường hợp này thì cơ quan y tế có khuyến cáo nên dùng loại nào cho trẻ em mẫu giáo và tiểu học? Đây là vấn đề khoa học và cũng cần minh bạch”, bà An nói.

Chương trình sữa học đường tại Hà Nội, chưa minh bạch thì đừng làm ảnh 2

"Đừng nghĩ nhà tôi giàu có, uống gì loại sữa đấy, nhầm hết"

Thứ ba là với một đề án mang tính nhân văn tốt đẹp như thế thì cũng cần làm rõ xem, chi phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho ai? Có cần hỗ trợ cho tất cả không, người giàu cũng như người nghèo, hay chỉ nên hỗ trợ cho những gia đình thực sự cần?

“Theo tôi thì không phải tất cả đều cần hỗ trợ, vì trên thực tế là có nhiều gia đình kinh tế tốt, họ giàu có thì không cần phải hỗ trợ. Tôi tin rằng các phụ huynh không ai tị nạnh về vấn đề đó đâu.

Đối với những trường hợp cần được hỗ trợ thì mức áp dụng như thế nào? Ai cần 100%, ai cần 70%, 50%... phải làm rõ cả vấn đề này thì mới đảm bảo công bằng và bình đẳng của xã hội. Nếu hỗ trợ cho cả những người giàu thì đấy là sự lãng phí ngân sách của nhà nước, đó là tiền thuế của dân”, bà An chia sẻ.

Thứ tư, liên quan tới đề án này, để đảm bảo công bằng thì cũng phải trả lời cho được: Đơn vị nào tham gia đấu thầu? Đấu thầu bằng hình thức nào? Ai được phép chấm thầu, tổ chức đấu thầu – nhà trường, quận (huyện) hay Sở - vì sao lại là những đơn vị này? Chuyện này lại phải minh bạch ra để dân giám sát. Khi trúng thầu cũng phải công khai minh bạch.

Thứ năm, phải minh bạch về giá của sản phẩm phục vụ đề án này. Làm rõ chuyện này để minh bạch đóng góp của doanh nghiệp thực sự là bao nhiêu? Tất nhiên là doanh nghiệp cũng không thể cho không hàng triệu hộp sữa mỗi ngày, nhưng cần phải thấy đây là một đề án nhân văn, vì vậy mức giá phải được tính toán thấp hơn hẳn so với thị trường vì đã bỏ đi được nhiều khâu trung gian bán hàng.

Thứ sáu, hiện nay có thông tin cho rằng các trường vì thành tích có thể vận động phụ huynh tham gia, cho nên đây là vấn đề tuyệt đối không được phép. Không phải tất cả mọi học sinh đều phải uống sữa hàng ngày. Cũng không phải tất cả học sinh uống một loại sữa, bởi vì có cháu hợp sữa này, có cháu hợp sữa khác, đó là sự thật và vì vậy hãy để phụ huynh thoải mái lựa chọn.

Bà An chốt lại vấn đề: “Trong trường hợp này Hà Nội phải làm thế nào đấy để chương trình mục tiêu thì rất tốt nhưng không bị mang tiếng gò bó, ép buộc khiến cho người thực hiện không thoải mái. Sự minh bạch là cần thiết vô cùng trong tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt đối với giáo dục.

Tôi không bình luận gì rằng ở đây có lợi ích nhóm hay không, nhưng tôi mong rằng hãy minh bạch để nhân dân giám sát, chỉ có như thế thì mới triệt tiêu nghi ngờ về lợi ích nhóm.
Trong Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân Hà Nội đề cập tới chuyện nhà nước hỗ trợ 50%, doanh nghiệp 50% cho các trường hợp hộ nghèo và cận nghèo, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách theo quy định. Đây là nội dung tốt!

Tuy nhiên, những trường hợp còn lại thì được áp theo định mức (nhà nước 30% - doanh nghiệp 20% - phụ huynh 50%) cần phải xem lại, phải phân tích cụ thể làm sao cho thật phù hợp, chính xác tới đối tượng được hỗ trợ.

Như tôi vừa nói ở trên thì người giàu không cần phải hỗ trợ. Tôi đề nghị các đồng chí có trách nhiệm của Hà Nội cân nhắc lại cái tỷ lệ ấy và vận dụng linh hoạt cho từng vùng từng điều kiện sống khác nhau”.

Trúc Diệp