Chuyển đổi ồ ạt giáo viên từ cấp học này sang cấp học khác là một sai lầm

04/09/2018 06:55
Thùy Linh
(GDVN) - Nếu không có tình yêu đối với trẻ thì không thể làm tốt trách nhiệm của người lớn đối với trẻ con chứ chưa nói tới vai trò của một người thầy với học trò.

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên khá phổ biến ở nhiều địa phương và diễn ra từ vài năm nay. Đáng chú ý, mầm non và tiểu học thiếu giáo viên trong khi trung học cơ sở và trung học phổ thông lại thừa.

Tại các địa phương, nghịch lý thừa, thiếu giáo viên đều có chung một “công thức” đó là đội ngũ giáo viên đang thừa nơi này nhưng lại thiếu nơi khác, thừa môn này nhưng lại thiếu môn khác.

Thừa, thiếu cục bộ xảy ra ngay trong quy mô nhà trường, trong 1 huyện, giữa các huyện trong 1 tỉnh.

Theo thống kê mới nhất mà Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Hữu Độ cho biết:

Tính đến thời điểm tháng 8/2018, so với định mức giáo viên/lớp quy định, cả nước thiếu 43.732 giáo viên mầm non, 18.953 giáo viên tiểu học, 10.142 giáo viên trung học cơ sở (đây là số thiếu cục bộ ở một số địa phương, mặc dù cả nước hiện vẫn thừa 12.165 giáo viên trung học cơ sở) và thiếu 3161 giáo viên trung học phổ thông. 

Để giải quyết bài toán này, thời gian qua, Bộ Giáo dục và đào tạo đã đưa ra giải pháp tình thế, cho phép điều chuyển giáo viên thừa từ cấp học trên xuống dạy ở cấp học dưới theo chương trình chuẩn mà Bộ quy định.

Phó giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng, nếu không có tình yêu đối với trẻ thì không thể làm tốt trách nhiệm của người lớn đối với trẻ con chứ chưa nói tới vai trò của một người thầy với học trò. (Ảnh: Thùy Linh
Phó giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng, nếu không có tình yêu đối với trẻ thì không thể làm tốt trách nhiệm của người lớn đối với trẻ con chứ chưa nói tới vai trò của một người thầy với học trò. (Ảnh: Thùy Linh

Đầu năm 2018, chương trình này chính thức được triển khai tuy nhiên, một số địa phương đã điều chuyển giáo viên một cách vội vàng, dẫn đến sự bức xúc của chính đội ngũ giáo viên và nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Nhìn nhận bức xúc này, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng, giải quyết bài toán thừa thiếu giáo viên mà địa phương lại chuyển đổi ồ ạt giáo viên từ cấp học này sang cấp học khác thì đó là một sai lầm.

Thậm chí đó là sự sắp xếp cơ học chứ không phải là giải pháp khoa học về giáo dục khiến bài toán đặt ra khó thành công vì đặc điểm của mỗi cấp học là khác nhau.

Chuyển đổi ồ ạt giáo viên từ cấp học này sang cấp học khác là một sai lầm ảnh 2Thầy cô có phải đàn gà đâu mà xua từ cấp này sang cấp khác

Phó giáo sư Kỳ Anh giải thích thêm, cùng là học sinh tốt nghiệp lớp 12 bước vào giảng đường sư phạm nhưng nếu thí sinh chọn học ngành sư phạm mầm non thì sẽ được đào tạo từ cách chăm sóc, trách nhiệm trông nom trẻ như thế nào… Còn học sư phạm tiểu học sẽ được cung cấp kiến thức của tất cả các môn học.

Trong khi đó, đối với bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông thì giáo viên môn nào sẽ học chuyên biệt về môn đó. Ví dụ, học sư phạm Lý thì ra trường sẽ chỉ dạy môn Lý; giáo viên học sư phạm Hóa thì tốt nghiệp sẽ đi dạy môn Hóa…

Chính vì sự khác biệt này trong quá trình học tập ở giảng đường đại học, cao đẳng do đó giáo viên trung học cơ sở không thể nào nắm được phương pháp giảng dạy cũng như kỹ năng, kiến thức của bậc tiểu học, mầm non. Vậy làm sao giáo dục đạt được mục tiêu.

“Không có kiến thức, kỹ năng thì làm sao giáo viên trung học cơ sở chăm sóc được trẻ, thậm chí nếu không có tình yêu đối với trẻ thì không thể làm tốt trách nhiệm của người lớn đối với trẻ con chứ chưa nói tới vai trò của một người thầy với học trò”, ông Kỳ Anh nhấn mạnh.

Chuyển đổi ồ ạt giáo viên từ cấp học này sang cấp học khác là một sai lầm ảnh 3Thừa thiếu giáo viên và ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ

Từ đó, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người đề xuất, địa phương nào đang thiếu giáo viên thì cần phải tuyển chọn để đảm bảo về sĩ số lớp học, chất lượng giáo dục của bậc học đó vì hiện nay theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước thiếu hơn 43.000 giáo viên mầm non, gần 19.000 giáo viên tiểu học.

Còn đối với lượng giáo viên đang bị dư thừa thì cần phải đánh giá chất lượng, đưa ra tiêu chí, trên tinh thần đó, giáo viên nào đủ điều kiện thì tiếp tục giảng dạy, còn những giáo viên không đảm bảo tiêu chí đánh giá thì cho nghỉ.

Đối với những giáo viên say sưa với nghề, tự nguyện luân chuyển xuống dạy cấp học tiểu học, mầm non thì cần phải cho họ thời gian được đào tạo lại những môn học của cấp học này.

Có như vậy mới hiệu quả, nếu cứ ồ ạt điều chuyển thì sẽ làm hỏng cả thể hệ trẻ bởi lẽ từ mầm non, tiểu học đã đào tạo con người toàn diện do đó nếu thầy cô bị "khiếm khuyết” về năng lực, kỹ năng sư phạm thì trẻ mầm non, tiểu học sẽ phát triển như thế nào?

Thùy Linh