Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ: Việt Nam chưa đủ tiềm lực cho đại học phi lợi nhuận

14/04/2016 14:37
Song Thanh
(GDVN) - Theo quan điểm của một chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, hiện tại điều kiện của Việt Nam chưa cho phép các trường đại học hoạt động và phát triển bền vững.

Dư luận vẫn đang hoài nghi về việc một số trường đại học tư thục tại Việt Nam sử dụng khái niệm “đại học không vì lợi nhuận” nhưng chưa được Bộ GD&ĐT công nhận.

Để có cái nhìn đa chiều, khách quan về “đại học không vì lợi nhuận” mà một số trường đại học đang sử dụng, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Natalie Phạm – chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, thành viên Hội đồng quản trị Công ty tư vấn Ma, Nguyen and Partners (Việt Nam) 

Chuyên gia giáo dục Natalie Phạm có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc quản lý giáo dục, kinh doanh và hoạt động xã hội đồng thời tư vấn cho nhiều trường quốc tế hoạt động tại Việt Nam. 

Tiến sỹ Natalie Phạm đã trực tiếp đào tạo cho hơn 10.000 giáo viên phổ thông trên cả nước Việt Nam nhằm góp phần cải thiện chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên Việt. 

PV: Theo bà, về bản chất thế nào được coi là một đại học không vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận? Bởi theo tôi được biết, chỉ có các trường ở Hoa Kỳ do các nhà tư bản tự nguyện hiến tặng tài sản đề thành lập mới hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận đúng nghĩa. Ở châu Á đã có trường đại học phi lợi nhuận nào chưa?

Tiến sỹ Natalie Phạm: Tại Hoa Kỳ, một trường cao đẳng hoặc đại học phi lợi nhuận tái đầu tư tất cả lợi nhuận vào việc thực hiện mục tiêu của trường và vận hành trường: lương giáo sư, giảng viên, cung cấp hoạt động ngoại khóa, cơ hội thực hiện nghiên cứu, và duy trì cơ sở vật chất. 

Hoa Kỳ có 3 loại trường học: công lập, tư thục phi lợi nhuận và tư thục vì lợi nhuận. 

Tiến sỹ Natalie Phạm, chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, thành viên Hội đồng quản trị Công ty tư vấn Ma, Nguyen and Partners (Vietnam)
Tiến sỹ Natalie Phạm, chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, thành viên Hội đồng quản trị Công ty tư vấn Ma, Nguyen and Partners (Vietnam)

Tại châu Á, đa phần các cơ sở cao đẳng, đại học đều được đầu tư và trực thuộc nhà nước và trong nhiều năm trở lại đây, các trường vì lợi nhuận đã có sự phát triển rõ rệt. 

Có thể thấy, luật pháp Việt Nam và Hoa Kỳ có định nghĩa khác nhau về phi lợi nhuận. 

Tương tự, các quốc gia châu Á cũng có luật pháp khác nhau, định nghĩa khác nhau về cơ sở giáo dục. Vì vậy, việc hiểu rằng nhà nước ở các quốc gia khác nhau công nhận danh xưng phi lợi nhuận của các cơ sở này một cách khác nhau là thiết yếu.

Nhìn vào Việt Nam, các chính sách và quy định về mô hình này chưa rõ ràng dẫn đến tranh cãi thế nào là đại học tư hay phi lợi nhuận. Một phần nguyên nhân là chính sách chưa rõ ràng đã dẫn đến sự nhầm tưởng một số trường tư là phi lợi nhuận. Bà nhìn nhận việc này ra sao?

Tiến sỹ Natalie Phạm: Tôi tin rằng định nghĩa về phi lợi nhuận, tư thục, và chi tiết, hướng dẫn về việc báo cáo tài chính nên được thể hiện rõ ràng và minh bạch. Đó là điều kiện then chốt để một trường phi lợi nhuận ra đời và hoạt động theo đúng tinh thần không vì lợi nhuận của nó.

Theo quan điểm của bà thì tình hình Việt Nam hiện nay đã có đủ điều kiện để các trường phi lợi nhuận hoạt động chưa? 

Tiến sỹ Natalie Phạm: Khoảng 380 năm trước, năm 1636, trường đại học phi lợi nhuận đầu tiên của Hoa Kỳ là trường Harvard được thành lập và hiện ngôi trường đã có 37,6 tỉ USD tiền trợ cấp. 

Nếu số tiền trợ cấp đó là tổng thu nhập quốc dân (GDP) của một nền kinh tế thì Harvard sẽ đứng thứ 93/195 trên thế giới, hơn một nửa các nền kinh tế (theo Harvard năm 2015 và Ngân hàng Thế giới năm 2014). 

Tại Hoa Kỳ, trong thập niên những năm 2000, 90% học sinh đăng ký theo học tại trường công và phi lợi nhuận. Để giúp đỡ học sinh cả nước trả học phí, Bộ giáo dục Hoa Kỳ đã trợ cấp 133 tỉ USD trong cùng kì (Theo Văn phòng kế toán chính phủ Hoa Kỳ năm 2012)

Từ dẫn chứng trên, để các trường đại học phi lợi nhuận có thể hoạt động tốt tại Việt Nam, tôi tin rằng cần có các khoản tài trợ từ nhà nước, từ cộng đồng cựu học sinh, cũng như các khoản đóng góp từ cộng đồng và một hệ thống quản lí quỹ tốt. 

Mặc dù văn hóa Việt Nam rất coi trọng giáo dục nhưng Việt Nam vẫn là một quốc gia đang phát triển với GDP là 171,1 tỉ USD (theo Ngân hàng Thế giới năm 2013). 

Hơn nữa, trong các thập niên vừa qua, chỉ có một số ít trong tổng dân số của Việt Nam tích tụ được một lượng lớn tài sản. Từ đó, có thể thấy, Việt Nam hiện chưa đủ tiềm lực kinh tế để các trường phi lợi nhuận hoạt động và phát triển bền vững.

Thời gian gần đây theo dõi báo chí tôi thấy có hiện tượng, tạm gọi là đánh tráo khái niệm, nghĩa là một trường đại học tư bỗng nhiên “tự phong” là đại học phi lợi nhuận, Tiến sỹ Natalie Phạm đánh giá như thế nào về chuyện này? 


Tiến sỹ Natalie Phạm: Điều 34, điều lệ các trường đại học ban hành kèm theo quyết định số 70/2014 của Thủ tướng ngày 14/12/2014 có hướng dẫn rõ ràng các hồ sơ và thủ tục để công nhận trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. 

Đối với các trường đại học tư thục muốn chuyển sang mô hình hoạt động không vì lợi nhuận phải thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục quy định tại điều lệ, trong đó bao gồm có được sự đồng ý của đại diện tối thiểu 75% tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn, trừ khi quy chế tổ chức và hoạt động của trường có quy định tỷ lệ này cao hơn. Và điều này, theo cá nhân tôi nhận định là khó có thể đạt được. 

Nếu việc chuyển đổi sang mô hình không vì lợi nhuận ở một trường tư thục đang hoạt động là điều khó thực hiện, những nhà giáo dục tâm huyết với mô hình trường phi lợi nhuận có thể cân nhắc phương án tìm kiếm và kêu gọi nguồn tài trợ thì các mạnh thường quân để thành lập mới một trường phi lợi nhuận có vẻ khả thi hơn. 

Bà có đồng tình rằng đã đến lúc Bộ GD&ĐT cần xử lý một số trường hợp cố tình phớt lờ các văn bản, ý kiến của cơ quan quản lý, tự phong phi lợi nhuận nhằm đảm bảo luật pháp được thực thi nghiêm túc? 


Tiến sỹ Natalie Phạm: Tôi tin rằng Bộ GD&ĐT và/hoặc ủy ban nhân dân tại nơi các trường hoạt động cần hành động quyết liệt để xử lý nghiêm các trường hợp cố ý vi phạm. 

Đại học phi lợi nhuận là một mô hình lý tưởng mà rất nhiều nhà giáo dục muốn theo đuổi và sẽ rất khích lệ nếu Việt Nam có được những trường đại học phi lợi nhuận đúng nghĩa. 

Nhưng việc xây dựng và hoạt động trường đại học phi lợi nhuận phải được thực hiện một cách nghiêm túc, rõ ràng và trung thực trên cơ sở tuân thủ các quy định, hướng dẫn của pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Riêng các trường hợp lợi dụng sự sơ khai của hệ thống giáo dục Việt Nam, đánh tráo khái niệm phi lợi nhuận để nhằm những mục đích không chính đáng cần phải được xử lý triệt để và nghiêm minh, đảm bảo luật pháp được thực thi nghiêm túc.

Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ Natalie Phạm. 

Sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, có cha mẹ là người Việt Nam, Tiến sỹ giáo dục Natalie Phạm đã có 20 năm kinh nghiệm quản lí giáo dục, kinh doanh và hoạt động xã hội. 

Hiện nay, cô sống và làm việc tại Bắc Mỹ và quê hương Việt Nam. Cô giữ vai trò là nhà tư vấn giáo dục cho 18 trường học quốc tế, trường tư và trường công. Cô còn là thành viên Hội đồng quản trị Công ty Tư vấn Ma, Nguyen and Partners (Việt Nam), Hội đồng tư vấn Công ty Du lịch Giáo dục Ground (Khu vực Châu Á), Hội đồng quản trị quỹ học bổng AMA (Singapore – Việt Nam) và Macaya Art Galleries (Canada – Hoa Kỳ). 

Tính từ năm 2009 đến nay, Tiến sỹ Natalie Phạm đã tham gia đào tạo, tập huấn cho tổng số 10.000 lượt giáo viên tại nhiều trường đại học ở Việt Nam như tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cho giáo viên phổ thông trên cả nước. 
Song Thanh