Chuyện học hành của Vladimir Putin

09/05/2012 11:00
Châu Long (Tổng hợp)
(GDVN) - Từ thời niên thiếu, Putin đã ấp ủ tham vọng trở thành một người có tiếng tăm, do đó ông theo học tại trường 281 - một ngôi trường phổ thông có tiếng chỉ chấp nhận những học sinh có điểm số gần như tuyệt đối.

Vladimir Vladimirovich Putin là vị Tổng thống đầu tiên của Liên Bang Nga đắc cử tới 3 nhiệm kỳ kể từ năm 2000. Ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ toàn thể nhân dân vì đã có những nỗ lực cũng như thành tựu đáng kể trong việc phục hồi sức mạnh của đất nước sau những năm cầm quyền hỗn loạn của Yeltsin, và vực nền kinh tế Nga ra khỏi cơn khủng hoảng nặng nề. Do luật pháp Nga giới hạn Tổng thống không được tại vị liên tục quá 2 nhiệm kỳ nên phải đợi sau khi Tổng thống Dmitry Medevedeve hoàn thành một nhiệm kỳ, ông Putin mới có thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3. Cuộc đời của vi Tổng thống tài ba này là một cuốn sách dầy mà từng trang đều vô cùng thú vị.

Tổng thống Putin chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua với số phiếu áp đảo
Tổng thống Putin chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua với số phiếu áp đảo

Putin chào đời ngày 7/10/1952 trong một gia đình bình dân tại Leningrad. Ông nội Putin là một đầu bếp từng có dịp phục vụ các bữa ăn cho những nhà lãnh đạo vĩ đại như Stalin, Rasputin và cả Lênin. Mẹ Putin là công nhân trong một nhà máy, và cha là chiến sĩ hải quân tại Hạm đội tàu ngầm thập niên 1930. Putin còn hai người anh trai, nhưng họ mất sớm vì đau yếu, bệnh tật.

Tuổi thơ của Putin gắn với những bộ phim trinh thám của điện ảnh Xô Viết. Trong một căn hộ chung cư nhỏ bé, cậu thường dính lấy chiếc tivi và say sưa với những bộ phim có chủ đề về tình báo, những vụ án hóc búa. Cậu cũng thần tượng những diễn viên nổi tiếng bấy giờ như Vyacheslav, Vasilyevich hay Georgiy Stepanovich Zhzhonov.

Hồi nhỏ, học hành không phải là một thế mạnh của Putin. Tuy nhiên, cậu bé nhỏ con này lại hay có những “trận chiến oanh liệt” với những đứa trẻ ngỗ ngược trong trường. 10 tuổi, Putin theo học môn võ nhu đạo - điều làm mẹ ông lo lắng vì thấy con trai mặt mày thâm tím liên tục mà về nhà vẫn cứ vui vẻ nói cười. Putin đã tham gia nhiều cuộc thi đấu tại quê nhà Leningrad và có không ít chiến công, trong đó có một giải vô dịch nhu đạo dành cho trẻ em. Sau này, Putin trở thành chủ tịch của võ đường Yawara Dojo mà ông luyện tập thời trẻ. Ông là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới đạt tới cấp độ cao trong môn này (đai đen).

Putin tại lớp Judo thời niên thiếu
Putin tại lớp Judo thời niên thiếu

Từ khi còn là một thiếu niên, Putin đã ấp ủ tham vọng trở thành một người có tiếng tăm, do đó ông theo học tại trường 281 - một ngôi trường phổ thông có tiếng chỉ chấp nhận những học sinh có điểm số gần như tuyệt đối.

Đây là trường học duy nhất ở Nga chuyên sâu về Hóa học, môn học yêu thích của Putin. Tuy nhiên, không lâu sau đó ông Putin chuyển sang học về sinh vật học và chuyên ngành tổng hợp. Putin cũng chơi môn bóng ném và làm việc tại đài phát thanh của trường học, nơi ông thường chơi nhạc Beatles và những bài hát của các ban nhạc phương Tây khác.

Tại đại học Leningrad, Putin theo học chuyên ngành luật khóa 1975, nhưng thay vì tham gia công việc trong ngành luật sau khi tốt nghiệp, ông làm việc cho Uỷ ban An ninh Quốc gia với tư cách là sinh viên duy nhất được chọn trong 100 học viên của lớp luật. Bộ phận ông tham gia tại đây có nhiệm vụ tuyển dụng những người nước ngoài để thu thập thông tin cho cơ quan tình báo.

Năm 1990, Vladimir Putin sang làm việc tại Dresden, Đông Đức, ở vị trí mà ông cho là hạng thấp. Sau khi chế độ Đông Đức sụp đổ, Putin trở lại Liên bang Xô viết và quay trở lại Leningrad, nơi vào tháng 6/1990 ông được trao một chức vụ tại Ban Quan hệ quốc tế của Đại học Quốc gia Leningrad. Tháng 6/1991, ông được chỉ định làm lãnh đạo Ủy ban quốc tế trong Văn phòng Thị trưởng St. Petersburg, với trách nhiệm tăng cường quan hệ quốc tế và đầu tư nước ngoài.

Ông Putin chính thức thôi chức vụ bên trong ngành an ninh quốc gia ngày 20/8/1991. Năm 1994, ông trở thành Phó Chủ tịch thứ nhất thành phố St. Petersburg, và chuyển tới Moskva vào tháng 8/1996, để nhận nhiều chức vụ cao cấp bên trong bộ máy chính quyền thứ hai của Boris Nikolayevich Yeltsin.
Ông là lãnh đạo dân sự của FSB (cơ quan kế tục KGB) từ tháng 7/1998 đến tháng 8 năm 1999, và giữ chức vụ Thư ký Ủy ban An ninh từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1999.

Trong thập niên 1990, Putin được nhận bằng Phó Tiến sĩ kinh tế học tại học viện mỏ ở St. Petersburg. Bài luận văn của ông mang chủ đề "Hoạch định chiến lược các nguồn tài nguyên vùng trong bối cảnh thành lập các mối quan hệ thị trường"

Trước khi trở thành Tổng thống, ông Putin từng đảm nhiệm chức vụ thủ Tướng nước Nga, và mau chóng giành được sự ủng hộ từ nhân dân cộng với sự hậu thuẫn từ phe Edinstvo (phe Thống nhất).

Ngày 31/12/1999, Tổng thống Yeltsin già nua và thất bại đã bất ngờ từ chức, và Putin chính thức được bổ nhiệm vào ghế Tổng thống kể từ đó.

Trong nhiệm kỳ thứ nhất, ông Putin đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm tái lập quyền lực tuyệt đối của Kremlin đối với đời sống chính trị Nga. Ông chỉ định bảy vị "đại diện toàn quyền" của Tổng thống. Họ chịu trách nhiệm điều phối hoạt động của liên bang tại các siêu vùng vừa mới được thành lập.

Hệ thống toàn quyền này đã hoạt động thành công hơn nhiều so với nhà nước liên bang Yeslsin đổ nát, cải cách triệt để hệ thống Thượng viện và Uỷ ban Liên Bang Nga.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ này, không phải tất cả mọi chuyện đều suôn sẻ với người đứng đầu nước Nga.

Vào năm 2000, khi chiếc tàu ngầm nguyên tử Nga đắm ngoài khơi bán đảo Kola làm thiệt mạng 118 thủy thủ trên tàu khiến nhiều người thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội Nga tức giận với sự thất bại của chính phủ và quân đội trong việc cung cấp những thông tin đáng tin cậy về mức độ và sự chắc chắn của thảm họa trong những ngày đầu tiên.

Ngay lập tức, ông Putin cắt ngắn kì nghỉ của mình, quay trở lại Moskva nhận trách nhiệm trực tiếp giải quyết trực tiếp và một lần nữa đã giành được niềm tin của dân chúng. Cũng tại giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế, ông Putin bị chỉ trích trên các phương tiện thông tin đại chúng Nga, tuy nhiên điều đó nhanh chóng tan biến và không làm xấu hình ảnh ông trong lòng nhân dân Nga.

Tới nhiệm kỳ thứ 2, ông tiếp tục có những nỗ lực củng cố nền chính trị nước nhà và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Khi nhiệm kỳ này kết thúc, nước Nga dưới sự lãnh đạo của Putin đã khôi phục lại vị thế cường quốc, củng cố niềm tin trong nhân dân và tầm ảnh hưởng đã mất ở châu Á, Trung Đông, mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước châu Mỹ La tinh.

Nhờ những thành công vang dội ấy, nhiều người đã đề nghị sửa đổi Hiến pháp Nga để cho phép Putin ra tranh cử Tổng thống lần thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, ông đã từ chối điều này và tuyên bố dù không ở cương vị Tổng thống, ông vẫn muốn có ảnh hưởng đến tình hình chính trị của nước Nga.

Ông Putin cười rạng rỡ trong ngày trở lại Điệm Kremli
Ông Putin cười rạng rỡ trong ngày trở lại Điệm Kremli
Trong cuộc bầu cử ngày 4/3 vừa qua, ông Putin đã chiến thắng áp đảo với 62,38% phiếu bầu và tiếp tục trở thành Tổng thống Nga, nhiệm kỳ 3.

Dù có nhiều lời chỉ trích trên các phương tiện truyền thông đại chúng phương Tây về những cuộc cải cách đã và đang diễn ra ở nước Nga ngày nay dưới thời Putin, nhưng không ai có thể bác bỏ sự thực rằng quá trình chuyển tiếp đã gây được ấn tượng mạnh mẽ và được nhiều sự ủng hộ của dân chúng bên trong và ngoài nước Nga.

Công luận khắp thế giới và đặc biệt là nhân dân Nga đang chờ đợi, dõi theo những chuyển biến mới từ Vị Tổng thống tài ba này.

Châu Long (Tổng hợp)