Chuyện học hành ở đảo Trường Sa

30/05/2017 09:54
Duy Phong
(GDVN) - Đang cái tuổi ăn, tuổi lớn, có thanh niên còn mải mê chơi bời, suy nghĩ còn bồng bột thì ở Trường Sa có những chàng trai 9X đã biết ươm mầm con chữ…

Vượt hàng trăm hải lý, đoàn công tác của chúng tôi mới có mặt tại đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) vào giữa tháng 5/2017.

Mặc dù, giữa tiết oi ả, nắng nóng đến cháy da mặt nhưng tất cả quân và dân trên đảo Song Tử Tây vẫn niềm nở, hân hoan ra đón đoàn công tác.

Chúng tôi, cảm giác như đem được hương đồng gió nội, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm người thân ở đất liền đến với quân và dân nơi đảo xa.

Một buổi học tại Trường Tiểu học Song Tử Tây. Ảnh Duy Phong
Một buổi học tại Trường Tiểu học Song Tử Tây. Ảnh Duy Phong

Niềm nở đón đoàn, ngoài những chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển đảo, là những người dân đang ngày ngày sinh sống, lao động, học tập và góp phần xây dựng biển đảo to đẹp, lớn mạnh.

Mặc dù chưa từng gặp gỡ, nhưng thấy đoàn khách, cô bé Nguyễn Trương Quỳnh Thư, mới 8 tuổi đã ôm chầm lấy những cô chú từ đất liền ra thăm. Em chắc cảm nhận được hơi ấm, lòng tự hào mà đoàn khách mang ra, gửi gắm ở các em.

Ngoài giờ thầy giáo dạy trên lớp, các phụ huynh học sinh cho biết, vẫn thường xuyên kèm cặp các em tại nhà. Ảnh Duy Phon
Ngoài giờ thầy giáo dạy trên lớp, các phụ huynh học sinh cho biết, vẫn thường xuyên kèm cặp các em tại nhà. Ảnh Duy Phon

Quỳnh Thư khoe rằng, em đã học lớp 2, Trường Tiểu học Song Tử Tây, không những biết chữ, biết các phép toán, Thư còn khoe biết đọc thơ.

Bé Nguyễn Trương Quỳnh Thư, mới 8 tuổi nhưng đã đọc vanh vách bài thơ "Quê em ở Trường Sa".
Bé Nguyễn Trương Quỳnh Thư, mới 8 tuổi nhưng đã đọc vanh vách bài thơ "Quê em ở Trường Sa". 

Chưa kịp để cho khách phản ứng, rồi Quỳnh Thư đọc bài thơ: “Quê em ở Trường Sa”.

Những vần thơ Thư đọc khiến chúng tôi ai cũng bồi hồi, xúc động:

“Quê em ở Trường Sa

Những đảo chìm đảo nổi

 Quê em có biển trời

Bốn mùa xanh bao la

Sinh ra ở Trường Sa

 Em là con của biển…”.  

Theo bước chân của các em Quỳnh Thư, Quỳnh Thi, Bảo Yên… tới trường, chúng tôi ngỡ ngàng trước cơ ngơi khang trang, sạch đẹp, thoáng rộng của Trường tiểu học Song Tử Tây.

Thầy Quyết cho biết, tuy là nơi xa xôi, còn bộn bề nhiều khó khăn nhưng thầy và trò Trường Tiểu học Song Tử Tây luôn nỗ lực để theo kịp giáo trình đổi mới của ngành giáo dục.
Thầy Quyết cho biết, tuy là nơi xa xôi, còn bộn bề nhiều khó khăn nhưng thầy và trò Trường Tiểu học Song Tử Tây luôn nỗ lực để theo kịp giáo trình đổi mới của ngành giáo dục.

Thầy Lê Xuân Quyết, sinh năm 1990, quê ở Vạn Ninh (Khánh Hòa), đã có 4 năm gắn bó với công tác dạy và học ở đảo Song Tử Tây.

Là một trong 2 thấy giáo “kiêm nhiệm” kèm cặp, dạy dỗ các em học sinh từ lớp mầm non đến lớp 5, thầy Quyết luôn có nguyện vọng gắn bó lâu dài với vùng đảo này.

Thầy Quyết cho biết, lớn lên trong gia đình nghèo, chứng kiến các bạn chung hoàn cảnh nghỉ học gần hết nên luôn mong muốn sau này sẽ làm thầy giáo để giúp những đứa trẻ khó khăn như anh.

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, anh về công tác tại Trường Tiểu học Vạn Thọ 2.

Năm 2012, anh tình nguyện viết đơn ra đảo dạy học khi hay tin Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa tuyển giáo viên ra Trường Sa.

Anh không nhớ rõ mình đến Sở bao nhiêu lần để hỏi khi nào có đợt tuyển giáo viên ra Trường Sa.

May mắn được chọn, Quyết đã khóc khi nhận được quyết định ra đảo dù khi đó chưa biết hoàn cảnh cụ thể sẽ ra sao.

Lần đầu tiên đi tàu, thầy giáo trẻ bị say sóng, vật vờ "không biết trời đất là gì". Đặt chân lên đảo, thấy ngôi trường còn thô sơ, thầy giáo 9X càng thêm thương các trò và quyết tâm ở lại.

Vậy mà, thầy giáo trẻ đã gắn bó với ngôi trường và lũ trẻ trên đảo trọn 4 năm. "Tôi hy vọng sẽ có nhiều thế hệ thanh niên, giáo viên tiếp nối chúng tôi đến với Trường Sa", anh nói.

Thầy Quyết cho biết, tuy là nơi xa xôi, còn bộn bề nhiều khó khăn nhưng thầy và trò Trường Tiểu học Song Tử Tây luôn nỗ lực để theo kịp giáo trình đổi mới của ngành giáo dục.

“Thầy và trò trường chúng tôi đã áp dụng thành công mô hình VNEN. Ở đây ít học sinh, nên giáo viên có điều kiện để áp dụng mô hình này rất hiệu quả”, thầy Quyết cho biết.

Mặc dù những năm gần đây được Đảng, Nhà nước và các cá nhân, tổ chức quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị trường học nhưng thầy Quyết vẫn còn trăn trở:

Các giáo viên ở đây ít có điều kiện về đất liền để tập huấn nên việc áp dụng các chương trình mới vào dạy là rất khó khăn.

Mỗi lần về đất liền, gặp mặt Sở cũng chỉ trong thời gian rất ngắn, khó mà tiếp thu được…

Tôi chỉ mong, các giáo viên ở đảo sẽ được ngành giáo dục quan tâm, bố trí thời gian tập huấn nhiều hơn”.

Thầy Đồng Minh Hiệp, quê ở Diên Khánh (Khánh Hòa), sinh năm 1991 ở đảo Trường Sa lớn cũng đã gắn bó với đảo được 5 năm. Tâm sự với chúng tôi, Hiệp cho biết vẫn còn muốn gắn bó lâu dài ở vùng đảo này.

Cũng giống như thầy Quyết, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Khánh Hòa, Hiệp đã tình nguyện đăng ký ra đảo Trường Sa lớn để dạy học.

Thầy Hiệp tâm sự: “Các thầy giáo ở đây đều có tâm niệm là phải dạy dỗ các em đến nơi đến chốn. Không dạy hết ở trường thì về nhà, chúng tôi thường trong vai trò gia sư cho các em”.

Thầy Hiệp cho biết, có những học sinh khi theo bố mẹ về đất liền đã nằm trong tốp học sinh giỏi, được nhận học bổng trường danh tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Nói về những khó khăn trên đảo, thầy Hiệp tâm sự: “Thầy giáo chúng tôi thì khổ mấy cũng chịu được nhưng chỉ thương các em khi mùa nắng nóng đến, điện bị mất triền miên. Nhiều hôm, thầy và trò phải mang ghế ra sân để học…”.

Giờ ra chơi của các em Trường Tiểu học Song Tử Tây. Ảnh Duy Phong
Giờ ra chơi của các em Trường Tiểu học Song Tử Tây. Ảnh Duy Phong

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, mấy năm gần đây, đảo Trường Sa Lớn, trung tâm huyện lỵ của quần đảo Trường Sa hôm nay đã có rất nhiều đổi thay.

Buổi biểu diễn văn nghệ do các em học sinh ở đảo Trường Sa Đông trình bày. Ảnh Duy Phong
Buổi biểu diễn văn nghệ do các em học sinh ở đảo Trường Sa Đông trình bày. Ảnh Duy Phong

Các hạng mục, công trình văn hóa, xã hội ngày càng được quan tâm đầu tư đầy đủ hơn. Từ đó, những mầm non sinh ra và lớn lên tại đảo Trường Sa cũng được quan tâm, chăm sóc tốt hơn.

Thầy giáo Đồng Minh Hiệp, quê ở Diên Khánh (Khánh Hòa), sinh năm 1991 ở đảo Trường Sa lớn cũng đã gắn bó với đảo được 5 năm. Ảnh Duy Phong
Thầy giáo Đồng Minh Hiệp, quê ở Diên Khánh (Khánh Hòa), sinh năm 1991 ở đảo Trường Sa lớn cũng đã gắn bó với đảo được 5 năm. Ảnh Duy Phong

Trường Sa, giờ yên bình như bao bản làng xa xôi của Tổ quốc.

Các em nhỏ đang từng ngày lớn lên giữa biển trời sóng nước, chắc rằng sau này dù có đi đâu, ở đâu nhưng quãng đời tuổi thơ gắn bó với đảo xa của các em vẫn mãi là những ký ức đẹp đẽ không thể nguôi quên.

Những người thầy “đưa đò” vượt qua bao sóng gió, khó khăn để gắn bó với sự nghiệp trồng người ở những vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc như thầy Quyết, thầy Hiệp... mãi luôn là tấm gương sáng ngời cho bao thế hệ thanh niên Việt Nam.

Rời những mái trường ở các quần đảo Trường Sa, trong tâm chúng tôi vẫn còn văng vẳng những câu hát của thầy và trò nơi đây:

"Ngày qua ngày, đêm qua đêm 
Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. 
Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. 
Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ 
Ta vẫn vượt qua...

Duy Phong