Chuyện kể của một nữ sinh “tháo chạy” khỏi trường đại học công lập

23/09/2016 08:25
Thu Huyền
(GDVN) - "Nhiều khi chúng tôi tự hỏi, quá nhiều môn học chỉ toàn lý thuyết sẽ giúp ích gì cho chúng tôi trong cuộc sống?", sinh viên Thu Huyền chia sẻ.

LTS: Lựa chọn ngành học luôn là một chủ đề vô cùng khó khăn với đa phần thí sinh và các gia đình, nhất là khi có rất ít trường đại học dám cam kết chất lượng đào tạo. Với sinh viên Thu Huyền – K14, Đại học Nguyễn Trãi cũng vậy.

Thu Huyền từng học tập ở một trường đại học công lập, nhưng sau năm đầu tiên đã quyết định nghỉ học, vì thấy mình không phù hợp. Đó là quyết định dũng cảm với cô sinh viên mới 19 tuổi.

Dưới đây là câu chuyện của Thu Huyền, Báo Giáo dục Việt Nam gửi tới các độc giả trẻ tuổi:

Cầm tấm bằng tốt nghiệp THPT trên tay, tôi đã đăng ký vào một trường đại học công lập ở Hà Nội, chuyên ngành “Quản trị văn phòng”. Phải nói rằng, tôi khá là háo hức với lựa chọn của mình, vì tò mò muốn biết học đại học là như thế nào.

Thế nhưng đó chỉ là một lựa chọn ngẫu hứng, với suy nghĩ đơn giản là học xong có thể sẽ dễ tìm việc làm, chứ thực ra bản thân tôi lúc ấy cũng chưa có hiểu biết về ngành học.

Khi bước chân vào giảng đường Đại học, tôi gần như bị biến đổi thành một con người khác. Từ một cô gái hay nói, hay cười, năng động và thích khám phá, tôi bắt đầu thu mình lại theo ngày tháng.

Năm thứ nhất đại học, tôi chỉ là một con bé hay ngồi cuối lớp, lầm lì nghiền ngẫm từng con chữ trong mỗi cuốn sách. Đôi lúc cảm thấy mệt mỏi và chán nản, tôi lại gục xuống bàn ngủ gật lúc nào chẳng hay.

Có lẽ vì tính chất của ngành học “Quản trị văn phòng” nên sinh viên lớp tôi chủ yếu là nữ. Đã là con gái thì có quyền điệu, ấy vậy mà đôi lúc tôi cũng phát bực khi tới lớp là phải nghe đủ thứ chuyện tào lao của chúng bạn. Nào là chuyện quần áo, nào là son phấn, nào là đi ăn, đi chơi... thật hiếm khi nào các bạn trao đổi, tranh luận với nhau học thế nào để tìm được việc làm tốt, học thế nào để không bị thất nghiệp.

Tôi lờ mờ hiểu ra rằng, các bạn chẳng hề yêu thích ngành học này, có lẽ đang học theo sự sắp đặt của bố mẹ và chờ đợi khi tốt nghiệp sẽ có người xin việc giúp chăng?

Rồi tôi cũng nhận ra rằng mình đang lãng phí quá nhiều thời gian ở ngôi trường này, vì đây vốn chẳng phải ngành học mình yêu thích, và môi trường này cũng chẳng phù hợp với cá tính năng động của tôi. Cũng vì vậy mà mỗi ngày lên lớp với tôi chẳng khác nào... tra tấn.

Ngày qua ngày, tôi càng nhận thấy mình đã sai khi đăng ký học ở ngôi trường này, thực ra một phần trong quyết định sai lầm của tôi cũng vì lúc nộp hồ sơ nhất quyết phải chọn trường "công lập".

Tôi quyết định như vậy cũng vì nhiều người nói là học trường công lập có cái bằng dễ đi xin việc. Chẳng riêng gì tôi mà nhiều bạn của tôi cũng quyết định vì lẽ ấy.

Bao nhiêu háo hức chuẩn bị cho ngày nhập học bị dội một gáo nước lạnh, bắt đầu từ ấn tượng đầu tiên với mấy nhân viên văn phòng. Khi đến nộp hồ sơ vào trường, họ ném về phía chúng tôi những cái nhìn lạnh nhạt. Nếu có hỏi thì sẽ nhận được những câu trả lời cộc lốc, giống như thể họ không hề muốn nhìn thấy chúng tôi ở đó. Tôi thật sự bị sốc!

Đã vậy, cơ sở vật chất cũng chẳng khá khẩm gì, mỗi buổi chiều hè nóng như thiêu như đốt, chúng tôi lại phải ì ạch leo thang bộ lên tầng 4, vì thiếu phòng học phòng học nên cố gắng chịu đựng.

Hầu như các môn học chỉ có lý thuyết, nhàm chán, và có lẽ vì thế nên sinh ra một phản xạ tự nhiên: Mắt nhìn lên bảng, nhưng tai không nghe thấy gì. Thế nên thật là hài hước khi nói rằng môn học chúng tôi thích thú nhất chính là... Thể Dục. Vì chỉ khi vào môn đó, chúng tôi mới có thể ra ngoài vận động, không bị dìm vào các khối chữ cứng ngắc, học xong cũng muốn quên cho xong.

Sinh viên không bao giờ được phép có ý kiến về giảng viên. Mặc nhiên, giảng viên là những người được gọi là “bề trên”, họ cứ lên bục giảng là nói, ngày này qua ngày khác, giờ này qua giờ khác, và cũng chẳng mấy người buồn quan tâm xem chúng tôi lĩnh hội được gì. Hết giờ là nhanh chóng bước ra khỏi lớp.

Nhiều khi chúng tôi tự hỏi, chẳng biết quá nhiều môn học chỉ toàn lý thuyết sẽ giúp ích gì cho chúng tôi trong cuộc sống?

Kết thúc năm học đầu tiên, tôi quyết định: Nghỉ học!

Thu Huyền tại một sự kiện văn hóa ẩm thực Peru. ảnh: facebook nhân vật.
Thu Huyền tại một sự kiện văn hóa ẩm thực Peru. ảnh: facebook nhân vật.

Một quyết định dứt khoát dù chưa hề có bất cứ kế hoạch nào để thay thế khiến bố mẹ tôi “sốc”. Bạn bè tôi cũng “sốc” và rất lo lắng cho tôi. Nhưng dù bố mẹ hay bạn bè có nói gì thì tôi cũng dứt khoát không trở lại ngôi trường này nữa.

Dù sao, trong lúc chán nản như vậy, tôi vẫn còn may mắn vì có gia đình bên cạnh. Mẹ tôi hiểu tôi hơn tất cả. Tôi cảm nhận chính mẹ cũng thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề tôi đang trải qua. Mẹ không hề mắng chửi tôi. Mẹ hiểu rằng, tính cách của tôi không hợp với ngành học đó, không thuộc về ngôi trường đó và tôi không thể gắng gượng cho hết 4 năm để lấy được tấm bằng.

Thời gian đầu nghỉ học, tôi chỉ làm bạn với mạng xã hội và các trò chơi trên máy tính. Ngày qua ngày, tôi lại cảm thấy hoang mang, không biết rồi đây mình sẽ học gì và làm gì?

Nghĩ đến chuyện đi học, tôi càng thấy mù mịt, vì nếu đến một ngôi trường mới mà lại phải trải qua cảm giác giống như ở ngôi trường cũ thì sao nhỉ? Suy nghĩ ấy cứ qua đi rồi quay lại mà tôi không sao tìm được câu trả lời.

Chuyện kể của một nữ sinh “tháo chạy” khỏi trường đại học công lập ảnh 2

“Đừng làm chương trình, sách giáo khoa bằng tư duy... tiểu nông"

Đôi khi, tôi lại nghĩ hay là khởi nghiệp bằng cách kinh doanh những mặt hàng nhỏ.

Bây giờ nhiều bạn trẻ đã làm thế và có không ít bạn đã có những thành công nho nhỏ. Tôi cũng tham gia vài việc kinh doanh nhỏ, nhưng chẳng có thành tích gì đáng kể.

Rồi tới một ngày, mẹ bất chợt nói với tôi về chuyện đi học trở lại. Lúc này, tôi cũng đang phân vân vì nếu kinh doanh thì ở tuổi của tôi còn trẻ quá. Hơn nữa, dù làm gì thì cũng phải có kiến thức chuyên sâu, có sự trải nghiệm của cuộc sống, có lẽ như vậy thì sẽ bớt mắc phải những sai lầm nghiêm trọng.

Hàng ngày, mẹ đi làm trên con đường Phạm Văn Đồng, rồi tình cờ biết ở đây có Trường Đại học Nguyễn Trãi tuyển sinh ngành “Quan hệ công chúng”. Mẹ bảo rằng, tính cách của tôi như con trai ấy, thích sự phóng khoáng, năng động nên chọn ngành này có lẽ phù hợp nhất. Chẳng đợi tôi đồng ý, mẹ chủ động đến trường đăng ký ngành học cho tôi.

Thế là tôi trở lại việc học hành. Mới vào học, tôi cũng nhút nhát đôi chút, nhưng chỉ vài tuần sau đó tôi như lột xác hẳn, trở lại đúng với con người của mình. Chúng tôi gắn kết với nhau rất thân thiết.

Bất ngờ hơn nữa là giảng viên ở trường vô cùng thân thiện, đối xử với chúng tôi như những người bạn. Tôi đâm ra lại tiếc hùi hụi, vì nếu mà mình chịu khó tìm hiểu để biết về ngôi trường này sớm hơn thì tốt biết bao.

Kỹ năng mềm là điểm yếu của rất nhiều cử nhân hiện nay. ảnh: GDVN.
Kỹ năng mềm là điểm yếu của rất nhiều cử nhân hiện nay. ảnh: GDVN.

Hơn 2 năm trôi qua, mỗi ngày đến trường đều tạo cho tôi thật nhiều cảm hứng. Chúng tôi được học tập trong môi trường hết sức thoải mái, giữa thầy cô và học trò không có khoảng cách nào cả.

Chúng tôi hay chia sẻ với nhau kiểu ngôn ngữ của tuổi mới lớn rằng ở trường có những giảng viên “dị và độc”, khiến cho sinh viên chết mê chết mệt vì những bài giảng quá chất. Những bài giảng khiến chúng tôi bị bất ngờ với cách xử lý các tình huống xử lý sự cố trong lĩnh vực truyền thông.

Chuyện kể của một nữ sinh “tháo chạy” khỏi trường đại học công lập ảnh 4

"Nhiều trường tuyển sinh tràn lan, nhưng không chịu trách nhiệm gì"

Ở ngôi trường này, chúng tôi còn được tham gia công việc ở nhiều vị trí khác nhau để được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tổ chức sự kiện...

Được học và trao đổi trực tiếp với rất nhiều giám đốc của các doanh nghiệp khiến cho mình tự tin hơn rất nhiều.

Thậm chí còn có những chuyện rất “lạ”, đấy là trường tôi cho phép sinh viên đề nghị đổi giảng viên. Nghe như chuyện lạ ấy nhỉ, nhất là ở những trường đại học công lập, sẽ chẳng bao giờ có chuyện ấy đâu.

Nhưng ở trường tôi thì chuyện đó chẳng có gì lạ lẫm cả, vì Thầy Chủ tịch Hội đồng quản trị - TS.Nguyễn Tiến Luận - người sáng lập nên ngôi trường này luôn nói với chúng tôi rằng: “Ước mơ lớn nhất của thầy là giúp học trò thành công nhanh hơn mình!”.

Ngày qua ngày, chúng tôi bị cuốn vào những bài học thú vị và rất bổ ích khi được trải nghiệm qua môi trường thực tế, để biết rằng đang còn thiếu điểm gì mà hoàn thiện. Đối với riêng tôi, có lẽ kết quả thu được lớn nhất chính là sự nhẫn nại và cách xử lý các tình huống bất ngờ mọi lúc mọi nơi ở ngành học của mình.

Giờ thì tôi cảm thấy rất hài lòng với lựa chọn của mình, và có lẽ là có phần may mắn nữa vì chúng tôi đang được học trong mô hình Đại học ứng dụng – một mô hình dù phổ biến với các nước tiên tiến nhưng còn khá lạ lẫm ở Việt Nam.

Chia sẻ câu chuyện của mình, tôi mong rằng các bạn học sinh trước khi chọn bất kỳ ngành học nào, trường đại học nào hãy suy nghĩ thật kỹ: Ngành học ấy có phù hợp với mình không? Ngôi trường ấy có thể mang đến cho mình điều kiện nuôi dưỡng ước mơ không?

Tôi tin rằng, khi có quyết tâm và dám đương đầu với thử thách, thành công sẽ sớm đến với các bạn.

Thu Huyền