Chuyện lạ ở lễ khai giảng trường Lê Quý Đôn

07/09/2016 08:03
Diệu Linh
(GDVN) -Màn biểu diễn bằng nhạc nước ngoài, có băng rôn bằng chữ tượng hình ở trường Lê Quý Đôn đang gây lo lắng cho nhiều cơ quan hữu quan, nhiều câu hỏi được đặt ra.

Trong lễ khai giảng năm học mới 2016 – 2017 tại Trường THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã xảy ra một sự việc động trời. Một màn biểu diễn vài chục người với những chiếc kèn đồng lớn đã chơi loại nhạc không phải của Việt Nam.

Đâu chỉ có thế, họ còn giăng các băng rôn bằng tiếng nước ngoài kiểu chữ tượng hình mà không có ai hiểu nổi ý nghĩa là gì?

Học sinh và phụ huynh hoảng hốt không hiểu chuyện gì đã xảy ra trong lễ khai giảng, không ai biết kiểu biểu diễn lạ đời kia đến từ đâu?

Ngay sau khi sự việc này xảy ra đã có nhiều bạn đọc phản ánh tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam với đề nghị làm rõ hành vi bất thường này tại lễ khai giảng, nhằm vào mục đích gì?

Trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi diễn ra màn biểu diễn lạ đời bằng tiếng nước ngoài khiến học sinh và phụ huynh choáng váng. ảnh: NQ.
Trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi diễn ra màn biểu diễn lạ đời bằng tiếng nước ngoài khiến học sinh và phụ huynh choáng váng. ảnh: NQ.

Sự việc xảy ra quá bất ngờ khiến cả học sinh và phụ huynh đều hoảng hốt, bởi lễ khai trường vốn rất thiêng liêng, nhưng đã bị ai đó lợi dụng lồng vào một màn biểu diễn dị hợm, không phù hợp với môi trường giáo dục.

Đó có lẽ cũng là sự việc chưa từng xảy ra trong môi trường sư phạm Việt Nam, và điều đó cũng đặt ra câu hỏi trách nhiệm đối với Ban giám hiệu nhà trường, mà người đứng đầu là bà Đàm Thu Hương – Hiệu trưởng.

Bà Đàm Thu Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn. ảnh: thieunien.vn
Bà Đàm Thu Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn. ảnh: thieunien.vn

Phải thẳng thắn rằng, từ xưa tới nay, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của đất nước thì nhận thức, tư cách của người thầy luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến sự phát triển của học trò.

Người thầy không chỉ dạy chữ, truyền thụ kiến thức, nghề nghiệp, mà quan trong hơn nữa là phải dạy cho các em hiểu được giá trị sống, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần yêu nước, quý trọng những giá trị truyền thống của dân tộc.

Cũng chính vì thế mà nhà giáo dục học Comenxki cũng từng phát biểu “dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”.

Người thầy vừa phải thể hiện được mình trong từng bài giảng, đó là phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; vừa phải thể hiện được phẩm chất trong lý tưởng đào tạo thế hệ trẻ, biểu hiện bằng lòng say mê, lương tâm nghề nghiệp, sự tận tụy với học sinh, trách nhiệm trong công việc; năng lực chuyên môn, lòng yêu thương học sinh.

Màn biểu diễn khai giảng dùng nhạc và chữ nước ngoài được độc giả gửi đến Báo GDVN. Phần chữ kiểu tượng hình trên băng rôn đã được chúng tôi che đi.
Màn biểu diễn khai giảng dùng nhạc và chữ nước ngoài được độc giả gửi đến Báo GDVN. Phần chữ kiểu tượng hình trên băng rôn đã được chúng tôi che đi.

Để thể hiện được những phẩm chất ấy thì năng lực sư phạm ở từng giáo viên vô cùng quan trọng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải thể hiện mình là tấm gương sáng để học sinh soi vào, học hỏi những điều chưa biết và hoàn thiện mình.

Nếu người giáo viên có những biểu hiện không đúng đắn trong lối hành xử, đặc biệt là ý thức chính trị yếu kém thì sẽ dễ dẫn tới những ảnh hưởng xấu cho học trò, cho môi trường sư phạm.

Được biết, màn biểu diễn khai trường nêu trên lập tức đã khiến cho các cơ quan hữu quan của Hà Nội, đặc biệt là ngành giáo dục và Công an đã phải nhanh chóng huy động lực lượng vào cuộc xác minh làm rõ.

Những thắc mắc chính đáng nêu trên của độc giả, của các phụ huynh, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin chuyển đến các cơ quan liên quan xem xét và có câu trả lời thỏa đáng.

Tòa soạn sẽ tiếp tục thông tin.

Diệu Linh