Chuyện thi và xét tuyển, sao chỉ trách riêng Bộ giáo dục?

24/08/2015 07:44
Phạm Hiệp
(GDVN) - Việc đỗ/trượt, mệt nhiều/ít phụ thuộc không ít vào năng lực (điểm số của thí sinh) cũng như sự bình tĩnh và khôn ngoan trong quá trình nộp hồ sơ.

LTS: Kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua đã để lại nhiều cảm xúc, cung bậc trong xã hội. Dưới góc nhìn riêng của mình, hôm nay tác giả Phạm Hiệp (một cây viết bình luận giáo dục – Đại học Văn hóa Trung Hoa) sẽ phân tích rõ hơn vì sao đợt xét tuyển vừa qua lại rối, đã đủ chưa nếu xã hội chỉ trách mỗi Bộ GD&ĐT?

Đây là một góc nhìn mới của riêng tác giả, Tòa soạn trân trọng giới thiệu tới bạn đọc để rộng đường dư luận.

Đợt xét tuyển nguyện vọng 1 kỳ thi “2 trong 1 – tốt nghiệp THPT và đại học” vừa kết thúc, để lại rất nhiều bức xúc không chỉ cho những người trực tiếp liên quan (phụ huynh và thí sinh) mà còn cả đông đảo người dân quan tâm đến giáo dục.

Nguyên nhân của sự lộn xộn trong việc rút-nộp hồ sơ, nhất là trong những ngày cuối của đợt xét tuyển này là do Bộ đã cố “ép” các trường phải dùng phần mềm xét tuyển chung của Bộ trong khi không kiểm soát được khả năng nghẽn mạng do năng lực về hạ tầng công nghệ yếu kém. 

Một nguyên nhân khác có thể kể đến là việc Bộ quy định các thí sinh chỉ được phép nộp hồ sơ với 4 nguyện vọng chỉ cho 1 trường trong 1 đợt xét tuyển thay vì nộp nhiều hồ sơ đến nhiều trường/ngành trong cùng 1 thời điểm như cách làm của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ. 

Hai nguyên nhân trên đã được nhiều chuyên gia phân tích, mổ xẻ trong những ngày qua và dường như cũng đang được đại bộ phận người dân, trong đó có cả phụ huynh và thí sinh đồng tình là lý do duy nhất tạo nên sự khủng hoảng, mệt mỏi của đợt xét tuyển lần này. 

Và rồi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đăng đàn nhận trách nhiệm.

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

Tuy vậy, nếu nhìn một cách tỉnh táo và công bằng, tôi cho rằng, trong một số trường hợp, bản thân một số trường và một số phụ huynh cũng như thí sinh cũng  góp phần làm tăng thêm sự rắc rối và náo loạn của đợt xét tuyển lần này. 

Trước khi đi vào phân tích chi tiết, xin được kể một câu chuyện sau đây để minh hoạ.

Những ngày đầu tháng 8, khi đợt xét tuyển nguyện vọng 1 mới được mở, có hai gia đình người quen gọi cho tôi để nhờ tư vấn nên nộp hồ sơ vào trường/ngành nào cho phù hợp cho con. 

Đến lúc đó, tôi mới dở và đọc kỹ quy chế tuyển sinh và quy trình xét tuyển năm nay. Ngay lập tức, tôi nhận thấy với quy định của Bộ cho phép việc rút hồ sơ giữa chừng để nộp sang trường khác, việc ngay lập tức nộp hồ sơ tại thời điểm đó chỉ ý nghĩa với những thí sinh có điểm đủ cao. 

Với trường hợp hai thí sinh tôi đang tư vấn (có điểm thi ở diện “chấp chới”), chiến lược phù hợp nhất là bình tĩnh theo dõi tình hình và chỉ nộp hồ sơ vào giờ G (ngày cuối của đợt tuyển sinh) khi bức tranh đã tương đối rõ ràng.

Trong hai gia đình, tôi chỉ thuyết phục được một nghe theo lời khuyên của mình. Kết quả, thí sinh của gia đình đó, không phải mất quá nhiều sức lực nhưng vẫn đỗ vào một trường tầm trung, không chọn được đúng ngành thực sự yêu thích nhưng chọn được một ngành tương tự và hoàn toàn có thể chuyển về ngành học yêu thích của mình ở bậc học cao hơn – nếu muốn. 

Gia đình thứ hai, vì quá nóng vội đã quyết định nộp hồ sơ ngay, nhưng cũng chỉ sau đó vài ngày; lại phải lục tục rút hồ sơ ra vì bị quá nhiều thí sinh có kết quả thi tốt hơn “đẩy xuống”. 

Rồi từ hôm đó, quá trình khổ sở rút – nộp – rút của gia đình thí sinh đó diễn ra đúng như những gì báo chí đã phản ánh trong những qua.

Khổ sở đã có lúc lên tới đỉnh điểm khi tại một trường, do hoàn toàn chỉ sử dụng phần mềm xét tuyển của Bộ nên khi phần mềm bị quá tải tạm thời dẫn đến việc cả gia đình này gần như bị lạc hướng, rồi “cãi vã” lẫn nhau vì không biết nên rút hay vẫn giữ hồ sơ. 

Cuối cùng, thí sinh của gia đình này cũng đỗ vào được một trường với ngành học gần giống với ngành lựa chọn ban đầu, tương tự như thí sinh từ gia đình thứ nhất kể trên. 

Một câu chuyện, hai nhân vật với hai xuất phát điểm như nhau và cùng một kết thúc như nhau (thật may là đều “có hậu”).

Điểm khác là “số phận” của hai nhân vật này có lúc là khác nhau khi công sức bỏ ra, sự mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần giữa hai gia đình khác nhau. 

Sự mệt mỏi đó hoàn toàn xuất phát từ cách lựa chọn chiến lược nộp hồ sơ giữa hai gia đình; đôi khi sự mệt mỏi bị “leo thang” một phần cũng tại do các trường thiếu chủ động trong việc chuẩn bị giải pháp tin học, bổ trợ cho phần mềm của Bộ - một việc làm không khó mà năng lực các trường chắc chắn đều dư sức làm. 

Nếu nhìn thật kỹ và tỉnh táo thì có thể thấy, cuộc “chơi chứng khoán đại học” – như nhiều người ví von – năm nay là hoàn toàn công bằng, công khai, rõ ràng. 

Việc đỗ/trượt, mệt nhiều/ít hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực (điểm số của thí sinh) cũng như sự bình tĩnh và khôn ngoan trong quá trình nộp hồ sơ.

Những khó khăn, nếu có (ví dụ quy định nộp hồ sơ có phần cứng nhắc, phản ứng không kịp thời của các trường khi không có phương án bổ sung cho phần mềm của Bộ) đều là khó khăn chung, ai cũng phải chịu như ai, không hơn, không kém.

Việc nộp hồ sơ thi đại học có lẽ mới chỉ là thử thách đầu tiên trong cuộc đời của phần lớn thí sinh – những người năm nay 18 tuổi, đúng ngưỡng tuổi trưởng thành. 

Trong suốt cuộc sống dài trước mắt, mỗi thí sinh của ngày hôm nay, sẽ còn có hàng trăm, hàng nghìn lần phải đưa ra những quyết định khó khăn hơn nhiều, phức tạp hơn nhiều. 

Và khác với lần ra quyết định này, ở các lần sắp tới, nhiều khi các thí sinh hôm nay sẽ phải rơi vào tình thế bị đối xử thiếu công bằng, thiếu công khai, thiếu thông tin và nhất là không có ai để trách như trách Bộ Giáo dục lần này. 

Vì vậy, với những thí sinh vừa phải trải qua những ngày tháng căng thẳng, âu lo và mệt mỏi năm nay; một mặt tôi hết sức thông cảm và chia sẻ, nhưng mặt khác, tôi cũng xin đặt lại phản đề bằng câu hỏi: “Sao chỉ trách mỗi Bộ?”.

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm và cách hành văn của riêng tác giả.

Phạm Hiệp