Có ai biết, lo ăn bán trú cho học sinh nông thôn như thế nào không?

19/11/2015 04:06
Lê Văn Vỵ
(GDVN) - Khó mà nói hết được nỗi vất vả gian nan của những “người Mẹ” ở nhiều trường tổ chức bán trú tại Hà Tĩnh. Có thể đây chưa phải là nơi khó khăn nhất, nhưng...

Nỗi lo thiếu nước…

Cơ sở 1 của trường Mầm non thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) đóng tại khối 2 Thị trấn chật hẹp, cơ sở 2 thì nằm tại khối 14 sử phòng của trạm xá xã Sơn Phố nên cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng.

Bếp ăn là căn phòng diện tích 36m2, chật chội, được dùng làm bếp nấu cho hàng trăm trẻ ăn bán trú, nên dù sắp xếp cũng không tránh khỏi lộn xộn”, cô giáo Phạm Thị Hồng Thắm nói.

Thiếu nhà ăn, trường tiểu học Đức Đồng (Đức Thọ) tận dụng khoảng trống giữa bờ rào trường Mầm non Đức Đồng với bức tường của dãy nhà học cao tầng để bố trí cho các trẻ ăn bán trú.

Có ai biết, lo ăn bán trú cho học sinh nông thôn như thế nào không? ảnh 1
Các bể hứng, đựng nước mưa tại trường Tiểu học Nguyễn Xuân Thiều, huyện Đức Thọ không lấy một giọt nước (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Một số trường, phải bố trí nơi ăn tại hành lang của lớp học. “Nhưng khổ nhất là thiếu nước. Lo cái ăn cho vài trăm con người mà ngày nào cũng phải xách từng xô nước, lọc từng thùng nước thì không thể đong đếm hết được nỗi vất vả”, thầy  Phùng Thanh Bình- Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Xuân Thiều (Đức Thọ) chia sẻ.

Vào đầu tháng 11, chúng tôi có chuyến thực tế đến các cơ sở giáo dục tại huyện Đức Thọ. Tháng 11, mà trời nắng hạn khiến dãy bể hứng nước mưa của trường Tiểu học Nguyễn Xuân Thiều đã mấy tháng nay không lấy một giọt. 

Giếng đào trơ đáy, chúng tôi đành khoan giếng nhưng khốn nỗi nước chua phèn không dùng được. Trường bạn lo dạy, lo học, còn trường tôi còn có nỗi lo nước. Cuối cùng phải chạy vạy để có được hệ thống máy lọc nước để có nước sạch chăm lo bữa ăn bán trú cho các cháu. Vất vả không nói hết”, thầy  Phùng Thanh Bình chia sẻ thêm. 
 
Và những nỗi lo không tên khác…

Tổ chức ăn bán trú hàng trăm nỗi lo không tên. Mỗi ngày lại ló ra một nỗi lo không thể không giải quyết. Nào là lo dụng cụ tập đoàn, lo mua sắm máy móc tủ lạnh để đựng mẫu thức ăn, lo nguồn thức ăn sạch và quan trọng nhất là nỗi lo về tiền. 

Rồi lo nồi niêu, xoong chảo, bàn ghế, bát đĩa, còn phải lo huy động học sinh ăn bán trú.

Theo điều tra của chúng tôi, mức ăn bán trú 3 bữa cho học sinh mầm non và 1 bữa cho học sinh tiểu học giao động từ 15.000 - 20.000 đồng. Mức ăn ấy đã được đa số phụ huynh và nhà trường thống nhất thỏa thuận. 

Nhưng đối với những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mức huy động ấy vẫn còn là gánh nặng ngân sách với những gia đình khó khăn, có 2 con trở lên đi học.

Thiếu phòng ăn, học sinh mầm non ăn ở hành lang lớp học (Ảnh: Lê Văn Vỵ)
Thiếu phòng ăn, học sinh mầm non ăn ở hành lang lớp học (Ảnh: Lê Văn Vỵ)

Theo cô Phùng Thị Kim Nhung- Hiệu trưởng, trường Mầm non Nam Hồng có 16 lớp với 560 học sinh, trong đó có con em giáo dân ở giáo xứ Tiếp Võ. Do gia đình đông con nên một số phụ huynh công giáo không có điều kiện để các con ăn bán trú tại trường. 

Năm 2010, có đến 56 cháu không đủ điều kiện tham gia bán trú. Các cháu không bán trú rất khó cho ổn định nề nếp và đặc biệt là điều kiện để được hưởng thụ bình đẳng trong giáo dục. 

Chúng tôi điều tra thấy 56 cháu ấy còi cọc, thấp bé, nhẹ cân; các giờ học buổi chiều thường đến chậm và khả năng tham gia hòa nhập với cộng đồng lớp còn yếu.
 
Chúng tôi đã huy động nguồn đóng góp từ phụ huynh, từ các nhà hảo tâm, từ các thầy cô giáo. Đặc biệt là từ anh Nguyễn Đình Tuyên, con em Công giáo  làm ăn sinh sống ở Úc đã tài trợ cho nhà trường liên tục 5 năm liền với gần 10 triệu đồng.  Các thầy cô giáo ủng hộ cho các cháu 1 ngày lương, các đoàn thể trong và ngoài trường cũng “góp gió thành bão”. 

Bằng con đường xã hội hóa ấy, những học sinh nghèo không có điều kiện tham gia bán trú được trợ cấp để được hưởng thụ bình đẳng trong giáo dục
”, cô Nhung trao đổi.

 Câu chuyện ăn bán trú là câu chuyện bếp núc của nhà trường. Mà đã câu chuyện bếp núc thì nhỏ mọn từ hạt muối, cân rau. “Lo bữa ăn cho một gia đình 4 người hàng ngày mà còn tính toán nát óc, vất vả chợ búa, huống hồ các cô lo cho hàng trăm cháu không lộn múi (lẫn lộn) là quá quý rồi”, chị Trần Thị Mai (phụ huynh học sinh ở Hồng Lĩnh) cho biết. 

Nhưng nỗi lo thường trực khiến các cô nuôi dưỡng và nhất là hiệu trưởng mất ăn mất ngủ là lo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

(Nỗi lo này sẽ được chúng tôi tiếp tục phản ánh điều này trong kỳ 2: Nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm)

Lê Văn Vỵ