Có bao nhiêu hiệu trưởng ủng hộ VNEN, theo Ngân hàng Thế giới?

10/09/2017 07:00
Linh Hương
(GDVN) - Báo cáo của WB cho thấy, khoảng 75% hiệu trưởng các trường VNEN không đồng ý về phát biểu rằng “mô hình nhà trường truyền thống đang vận hành tốt...".

Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố kết quả đánh giá tác động VNEN.

Báo cáo này dựa trên công trình của đội ngũ chuyên gia thuộc WB)với sự hỗ trợ, động viên và sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Quỹ Dubai Cares, Chương trình Hợp tác Giáo dục Toàn cầu (GPE) và Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong.

Theo báo cáo, nằm trong chiến lược chung của đổi mới giáo dục, Việt Nam tiến hành đổi mới “toàn trường” trong giảng dạy và học tập và coi đây là một phần của Trường học mới Việt Nam (VNEN).

VNEN bao gồm và tích hợp nhiều phương pháp mới đã được quốc tế công nhận gồm:

(a) Phương pháp học tập Tích cực và hợp tác;

(b) Tài liệu hướng dẫn tự học;

(c) Hội đồng tự quản học sinh;

(d) Đánh giá thường xuyên kết hợp với đánh giá tổng kết;

(e) Áp dụng thực tế hay học tập định hướng thực tế cuộc sống với sự tham gia của cả cộng đồng;

(f) Các mạng lưới chuyên môn cho giáo viên.

Dự án GPE-VNEN và VNEN đã tiến hành cải cách theo phương pháp “toàn trường” này ở 1.447 trường trong giai đoạn 2012 -2016.

Báo cáo cho biết, VNEN được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam triển khai vào năm 2011-2012 tại 6 tỉnh thành trên 3 khu vực Bắc, Trung, và Nam; bao gồm 48 lớp học.

"Sự đón nhận từ phía cộng đồng là rất lớn, tạo ra động lực để lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo mở rộng VNEN trên phạm vi toàn quốc", báo cáo viết.

Trong báo cáo cũng nêu rõ thay đổi nhận thức của Hiệu trưởng trong 3 năm nghiên cứu, điều ngạc nhiên là 12% hiệu trưởng VNEN trong năm 2013, năm thứ hai của dự án, đã bày tỏ không đồng ý với câu “Tôi thực sự hiểu rõ VNEN”. 

Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn 5% vào năm 2015. 

Thay đổi nhận thức của Hiệu trưởng trong 3 năm nghiên cứu theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (Ảnh chụp màn hình)
Thay đổi nhận thức của Hiệu trưởng trong 3 năm nghiên cứu theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (Ảnh chụp màn hình)

Đặc biệt, khi các hiệu trưởng được hỏi ý kiến về phát biểu rằng “mô hình nhà trường truyền thống đang vận hành tốt, không cần thay đổi".

Khoảng 75% hiệu trưởng các trường VNEN không đồng ý với phát biểu này trong suốt 3 năm khảo sát.

Có một phát hiện thú vị là vào năm 2013, có tới 73% hiệu trưởng ở nhóm kiểm soát có cùng quan điểm trên, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống còn 63% trong 2 năm sau đó.

Cũng theo báo cáo, khi nghiên cứu xem xét 4 phát biểu về hoạt động của giáo viên để mô tả đặc điểm của mô hình trường lớp truyền thống: giảng bài hiệu quả, duy trì kỷ luật và trật tự, giáo viên cố gắng để học sinh không mắc lỗi, giải thích lại bài học cho đến khi học sinh hiểu bài).

Tương tự, 4 phát biểu mô tả đặc trưng VNEN được đưa ra là: nhấn mạnh vào việc cho học sinh tự tìm hiểu, học sinh giúp đỡ nhau học tập, học sinh tham gia các hoạt động tự học và tổ chức các trò chơi cho học sinh). 

Theo đó, các giáo viên được yêu cầu xếp hạng tầm quan trọng của tám hoạt động, kết quả là bốn hoạt động của mô hình truyền thống xếp hạng thấp. 

Ví dụ, giảng bài hiệu quả có xếp hạng thấp nhất và chỉ được 42% giáo viên chọn; trong khi đó, 57% giáo viên xếp hạng nhất cho hoạt động tự học của học sinh. 

Ngoài ra, số liệu trong báo cáo còn cho thấy lợi thế của VNEN trong việc giúp học sinh xây dựng kỹ năng ứng xử và tạo lập quan hệ. Những kỹ năng này bao gồm chịu trách nhiệm về đồ dùng cá nhân của mình, quản lý thời gian và giữ lời hứa.

Học sinh VNEN có lợi thế trong kỹ năng xã hội, bao gồm sự tự tin, bảo vệ quan điểm của mình, biết chia sẻ, quan tâm tới anh chị em/bạn bè, quan hệ tốt với trẻ khác.

Khác biệt về kỹ năng nhận thức (điểm số) giữa học sinh VNEN và học sinh đối chứng (Ảnh chụp màn hình)
Khác biệt về kỹ năng nhận thức (điểm số) giữa học sinh VNEN và học sinh đối chứng (Ảnh chụp màn hình)

Các em cũng nhạy cảm hơn với nhu cầu tình cảm của những người khác, tôn trọng người lớn tuổi, giúp đỡ bạn bè trong các hoạt động trên lớp, cũng như có năng lực sáng tạo hơn so với học sinh trường truyền thống.

Đặc biệt, học sinh VNEN có kết quả học tập bằng hoặc tốt hơn so với học sinh trường truyền thống trong các bài kiểm tra Toán và Tiếng Việt theo mức độ chuẩn.

Được biết, nghiên cứu được thực hiện trên số lượng mẫu là 325 trường VNEN đại diện cho cả nước và 325 trường không thuộc VNEN với hàng ngàn học sinh, giáo viên và phụ huynh trong vòng 3 năm (2013-2017).

Phương pháp nghiên cứu cũng được đổi mới. Thay vì việc chỉ so sánh kết quả trước và sau dự án để xác định mức độ thành công/thất bại thì việc so sánh được tiến hành theo cả một quá trình.

Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Mekong (MDRI) - một trong những đối tác tham gia nghiên cứu, sẽ tiếp tục tiến hành đánh giá VNEN với sự hỗ trợ từ tổ chức quốc tế RISE (Nghiên cứu về Nâng cao hệ thống giáo dục).

Tổ chức này cung cấp kinh phí 5 triệu USD cho Việt Nam để tiếp tục các nghiên cứu.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả kết quả báo cáo này.

Linh Hương