Cô bé “Ếch ngồi đáy giếng” viết về giới trẻ chơi game

25/01/2012 06:00
Nguyễn Phương Thúy
(GDVN) - Ngày nay, sự phát triển, đi lên của xã hội, những tệ nạn, các trò chơi game cũng từ đó mà ra đời. Đặc biệt, CNTT có sức lan tỏa đa dạng đến con người.
LTS: Mới học hết lớp 6 nhưng em không may mắn khi phải ngồi xe lăn từ lúc 12 tuổi, việc học hành ngừng lại từ đó để chạy chữa bệnh, nhưng cuối cùng cũng không lành. Trò chuyện với em, em luôn nhận mình là “Ếch ngồi đáy giếng” nhìn lên chỉ thấy vùng trời bé nhỏ. Nhưng quả thực kiến thức và kinh nghiệm sống của em trái hẳn với ý nghĩ đó của em. 


Em là Nguyễn Phương Thúy, chủ nhân tác phẩm “Cách nhìn tạo nên nghị lực” đã giành giải trong Cuộc thi “Quà tặng cuốc sống”. Những vấn đề Thúy viết dưới đây về vấn nạn game bạo lực không chỉ nói rõ cho giới trẻ mà tác hại của  game khi quá sa đà, nhất là thời gian tết là lúc nhiều bạn trẻ được nghỉ học để “đầu tư” tiền mừng tuổi chơi game. Nhưng hơn hết đó còn là khía cạnh nhìn nhận của một cô bé “Ếch ngồi đáy giếng”.

Cô bé "Ếch ngồi đáy giếng" Nguyễn Phương Thúy. Ảnh Xuân Trung
Cô bé "Ếch ngồi đáy giếng" Nguyễn Phương Thúy. Ảnh Xuân Trung
Ngoài mục đích phục vụ công việc, phổ biến kiến thức, giao lưu xã hội... Thì mạng cũng có những mặt trái của nó.

Chúng ta không tránh khỏi phải cảm thấy rùng mình, khi trong cuộc sống đã từng xảy ra những sự việc kinh hoàng như vụ một nam thanh niên Trung Quốc vì mê game mà chơi thâu đêm suốt sáng ( 3 ngày không ăn nghỉ ), dẫn đến chết khô trước màn hình máy tính, hay như khi đọc các bài báo: “Game online nguồn gốc của những vụ án tuổi teen kể mãi không hết”, “sát hại cụ bà, cướp tài sản để đi chơi game”, “Xác chết không đầu ở khu chung cư G4” mà hung thủ là thanh - thiếu niên Việt Nam...

Điển hình gần đây nhất là vụ Lê Văn Luyện gây xôn xao dư luận và cao trào chế nhạc, chế game “Sát thủ Lê Văn Luyện” trong một số giới trẻ.

Độc hại hơn, là đã có những video clip mà trong đó, Luyện được tôn sùng như một vị “anh hùng”. Những điều này, phần nào cho chúng ta thấy được mức độ ảnh hưởng tiêu cực từ game online là vô cùng đáng suy nghĩ.
Không phải chụp mũ cho game hay“vơ đũa cả nắm” về những mặt không tốt của nó. Chúng ta vẫn hiểu, cái gì cũng có mặt tốt, mặt xấu. Điều quan trọng là ý thức của người tương tác với lĩnh vực đó và sự xử lý của họ, ở đây là nói đến người chơi.

Chơi game, không hoàn toàn là tệ nạn nếu chúng ta biết điểm dừng, sử dụng ở mức giải trí đơn thuần. Tuy nhiên, sẽ thật tai hại, thậm chí là gây nhức nhối về mầm họa của nó khi sự ảnh hưởng, cám dỗ của game đối với giới trẻ ngày nay là “khôn cùng”.

Bên cạnh đó, game còn gây những kích thích không lành mạnh đến tư duy, suy nghĩ của những người nghiện chúng, từ đó dẫn đến các hậu quả biến thái về hành động, thoái hóa tinh thần và chìm đắm trong ảo tưởng. Các vụ án xảy ra nguyên nhân là do game mà xã hội lên án, khiến chúng ta không phủ nhận được hố đen của nó.
Giới trẻ hiện nay, ngoài game thì cũng có rất nhiều những tiêu cực khác đang tồn tại, diễn ra mỗi ngày như các tệ nạn cờ bạc, trộm cắp (có những kẻ chỉ vì muốn có tiền chơi game, mà ra tay giết người cướp của, sa vào vòng lao lý ), đua xe, ma tuý, thuốc lắc, đánh nhau xảy ra ở môi trường học đường... Đều cho thấy sự sơ hở trong quản lý, giáo dục tư tưởng cho con em thời buổi xã hội hóa.

Không thể đổ lỗi hết về các đối tượng vướng vào tệ nạn, mà chúng ta cần phải nhìn nhận lại chính vai trò của các cơ quan chức năng, các bậc phụ huynh, những người trực tiếp hoặc gián tiếp có trách nhiệm nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng.

Sự lơ là đối với con em mình, không dành thời gian quan tâm, hướng thiện, khích lệ những điều hay lẽ phải, hay thậm chí là nuông chiều thái quá... cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc con em buông thả, sa vào cám dỗ của tệ nạn. 
Ảnh minh họa, Xuân Trung
Ảnh minh họa, Xuân Trung
Chỉ một vấn đề nho nhỏ như cha mẹ trì trích, mắng mỏ, tống cổ chúng ra khỏi nhà khi thấy con em học tập sa sút, mà không tìm hiểu nguyên nhân, đặc biệt là có những đứa trẻ vị thành niên bị cha mẹ so sánh với con nhà này, nhà nọ... cũng gây ức chế tinh thần và cảm giác “nổi loạn” hoặc muốn chứng tỏ mình.

Đơn cử như hoàn cảnh của một gia đình có con trai 17 tuổi, bố mẹ là công nhân viên chức nên thường xuyên vắng nhà, không bồi dưỡng tình cảm với con cái. Con trai như “ngựa non háu đá”, vắng bố mẹ là sự tự do muôn năm, lao đầu vào online và đăng nhập các trang game bạo lực, sex, các clip có nội dung không lành mạnh mà không lo bố mẹ kiểm soát. 
Chính vì thế, từ những cái không tốt bị tiêm nhiễm trên mạng, lây lan vào cuộc sống thực chỉ cách một gang tay. Cậu ta bắt đầu sa sút học tập, đầu óc mơ hồ, liên tưởng đến những hình ảnh đen... Và áp dụng vào thực tế như đánh nhau, bài bạc... cho đến những tệ nạn gây tính kích thích khác, tuy nhiên chưa ở mức độ nghiêm trọng quá. Nhưng khi cha mẹ phát hiện, quá sức bất bình, đã nặng lời chửi bới, đe nẹt, so sánh con nhà người ta ngoan, con trai mình hư đốn, gây ức chế cho con. 
Cậu bỏ nhà đi, đàn đúm theo lời mời mọc của các đối tượng xấu, rồi vướng vào ma tuý. Khi cha mẹ tìm được con, cậu đã trở thành con nghiện. Không chịu được cú sốc, người mẹ rủa cậu “chết đi cho khuất mắt”. Và... cậu đã cho bà toại nguyện, bằng cách tự tử.

Câu chuyện không phải hiếm gặp trong xã hội ngày nay, khi có quá nhiều tệ nạn ảnh hưởng đến tư duy, tâm lý của người trong cuộc. Tuy nhiên, việc gia đình không hạnh phúc, không quan tâm, thiếu tìm hiểu tình hình của con em, rồi cả buông lỏng bồi dưỡng, giáo dục kỹ năng sống cho chúng... Lại là khởi đầu của những “hố đen” có thể chôn vùi bản chất của con em.
Thiết nghĩ, dù là game hay các tệ nạn, nếu không có sự nhập cuộc một cách đáng kể của giới trẻ... Thì cũng khó gây lên nhức nhối không dứt cho xã hội hiện đại. Nhưng, đáng buồn và lo lắng thay, khi tình hình con em vướng vào là vô cùng báo động.

Bởi thế, người lớn, phụ huynh và những người trực tiếp quản lý các em cần phải có sự quan tâm, khéo léo tìm hiểu, uốn nắn, hướng dẫn các em đi vào nề nếp, chớ lơ là thường xuyên khiến các em có nhiều cơ hội buông thả mình, sa đà vào các thói hư tật xấu, rồi những tiêu cực từ game, cờ bạc, các tệ nạn mang tính kích thích khác... tiêm nhiễm và trở thành “ký sinh” trong tư duy còn non nớt, mẫn cảm của con em mình.

Có thể bạn quan tâm

Hoa khôi các trường ĐH

Olympic tiếng Anh Hà Nội

Hiệu trưởng nghỉ hưu vẫn phải làm việc

Kinh nghiệm dạy con của các GS nổi tiếng

Thành công từ... trường đời

Bạo lực học đường

Sửa đoạn kết Tấm Cám

Bài văn xúc động về đồng tiền của trò Ams

Rơi nước mắt cuộc sống học sinh vùng cao

SV Ngoại thương: Lương 1.000 USD, không làm?

Các trường ĐH, CĐ Ngoài công lập ở miền Bắc

KTX tốt nhất Hà Nội


Nguyễn Phương Thúy