Cơ chế xin-cho chỉ tiêu tuyển sinh đẻ ra tiêu cực như thế nào?

21/02/2019 14:53
Hồng Thủy
(GDVN) - 12 loại giấy tờ là 12 loại giấy phép con, thiếu hay chậm cái nào thì phải chạy cái đó, trong khi hồ sơ này phòng / sở giáo dục đã có từ đầu.

Tiếp theo bài 1, Tuyển sinh đầu cấp vào mùa chạy chỉ tiêu.

Chia sẻ với chúng tôi, hiệu trưởng một trường tư thục cho rằng, các nhà quản lý giáo dục thủ đô biết hết những lắt léo trong chuyện các trường phải chạy chỉ tiêu mỗi mùa tuyển sinh.

Họ biết cả đấy, nhưng không ai muốn bỏ, bởi cơ chế xin - cho chỉ tiêu vẫn được xem là công cụ quyền lực để nói có người nghe, đe có người sợ.

Vấn nạn quá tải sĩ số trường công tại Hà Nội đã kéo dài nhiều năm, nhưng không có giải pháp nào khả dĩ. Ảnh chụp màn hình, nguồn: VTV.vn.
Vấn nạn quá tải sĩ số trường công tại Hà Nội đã kéo dài nhiều năm, nhưng không có giải pháp nào khả dĩ. Ảnh chụp màn hình, nguồn: VTV.vn.

Còn nhớ mùa tuyển sinh năm ngoái, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ra văn bản can thiệp thô bạo vào hoạt động của một số trường tư và ứng xử rất thiếu chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng nhà trường và nhà giáo, nhưng người trong cuộc chỉ biết im lặng chịu trận.

Nói ra, các mùa tuyển sinh sau, người ta "cắt chỉ tiêu" thì các trường chết.

Chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp, "cây gậy" quản lý trường tư

Nói một cách sòng phẳng, trong số các trường phổ thông tư thục trên địa bàn Hà Nội có những trường quyết tâm làm tốt và tạo dựng được thương hiệu cũng như sự tin cậy của cha mẹ học sinh, nên dù có khó khăn đến mấy họ cũng tìm cách cho con em mình theo học;

Nhưng đồng thời, Hà Nội cũng có những trường tư vì khó khăn cơ sở vật chất, yếu kém trong quản trị..., vẫn muốn, vẫn quyết tuyển sinh thì phải thuê, mượn cơ sở vật chất để đối phó với kiểm tra.

Với các trường phổ thông tư thục, sở và phòng giáo dục không can thiệp được về cơ chế tài chính (học phí, thu chi), không can thiệp vào tổ chức (tuyển và sử dụng lao động, trả lương, phân công bố trí công việc...).

Cơ chế xin-cho chỉ tiêu tuyển sinh đẻ ra tiêu cực như thế nào? ảnh 2

Vì sao học sinh Hà Nội phải đến các lò học thêm tối ngày?

Cơ quan quản lý giáo dục địa phương chỉ có kiểm tra chuyên môn và cấp chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp là công cụ.

Muốn có chỉ tiêu tuyển sinh, hàng năm các trường đều phải làm kế hoạch đảm bảo.

Trong hệ thống trường tư thục cũng có những đơn vị hoạt động tốt, uy tín và có những đơn vị lèm nhèm.

Lúc phòng, sở thanh tra kiểm tra cơ sở vật chất tuyển sinh thì họ thuê, mượn để đối phó, nhưng khi dân cho con em vào học thì không có hoặc thiếu thốn rất nhiều về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học.

Cho nên để bảo vệ quyền lợi người học, sở và các phòng giáo dục được giao một số công cụ quản lý. 

Thứ nhất là sở, phòng giáo dục công nhận cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục tư thục (chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng quản trị, hiệu trưởng, hiệu phó) theo tiêu chuẩn, thậm chí là thêm tiêu chuẩn như hiệu trưởng phải là đảng viên.

Thứ hai là chỉ tiêu tuyển sinh. Để có chỉ tiêu, các trường tư phải đảm bảo 3 công khai theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT, hồ sơ phải đủ, phải nộp cho phòng / sở điều lệ hoạt động.

Chúng tôi từng hỏi một vị hiệu trưởng rằng, vì sao những cơ sở giáo dục tư thục nào làm ăn lèm nhèm, không hiệu quả mà vẫn được cấp chỉ tiêu thay vì để thị trường đào thải, câu trả lời là các trường này "biết chạy" thì vẫn được cấp, thậm chí chỉ tiêu nhiều hơn cả trường làm ăn tốt.

Nên sử dụng chỉ tiêu tuyển sinh như một công cụ quản lý chỉ hiệu quả trên phương diện lý thuyết, còn thực tế lại tạo ra cơ chế xin - cho với những cái lắt léo mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Những yêu cầu phi lý tạo cơ chế xin - cho, tiêu cực trong cấp chỉ tiêu tuyển sinh

Về phân cấp quản lý nhà nước, sở giáo dục và đào tạo là nơi cấp chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10, phòng giáo dục và đào tạo cấp chỉ tiêu tuyển sinh lớp 1, lớp 6 cho các trường phổ thông cả công lập và tư thục.

Sĩ số bình quân lớp 1 các trường tiểu học công lập tại một số quận nội thành Hà Nội năm học 2018-2019, ảnh: VTV.vn.
Sĩ số bình quân lớp 1 các trường tiểu học công lập tại một số quận nội thành Hà Nội năm học 2018-2019, ảnh: VTV.vn.

Với cung cách làm giáo dục công lập là số 1 như thủ đô đang làm hiện nay, chỉ tiêu tuyển sinh không phải vấn đề của trường công, cho dù sĩ số lớp 1 nội thành Hà Nội có thể lên 69, 70, gấp đôi so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giảm sĩ số quá tải trường công là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, thì Hà Nội không đưa ra được giải pháp nào khả dĩ, tình trạng căng thẳng sĩ số kéo dài năm này qua năm khác.

Các trường trung học phổ thông tư thục muốn có chỉ tiêu, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu nộp 6 bản kê khai để đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, cùng 12 loại giấy tờ đi kèm.

Trong số này có những giấy tờ các trường tư thục cho rằng rất vô lý, gồm:

Quyết định thành lập trường; quyết định cấp phép hoạt động; văn bản liên quan về đất / hợp đồng thuê mượn địa điểm và cơ sở pháp lý liên quan về đất; quyết định công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng (nếu có);

Sơ đồ vị trí phòng học, phòng bộ môn, các phòng chức năng, thư viện và khu làm việc; đăng ký mẫu dấu, đăng ký mã số thuế; giấy xác nhận đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy.

Đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở tư thục thì hồ sơ nộp về cho phòng giáo dục và đào tạo, để phòng xét cấp chỉ tiêu tuyển sinh.

Cơ chế xin-cho chỉ tiêu tuyển sinh đẻ ra tiêu cực như thế nào? ảnh 4

Trường đông học sinh lớp 1 nhất Thủ đô rơi vào bế tắc

Vô lý ở chỗ, những giấy tờ này các trường đã phải nộp ngay từ đầu mới được hoạt động và tuyển sinh, cớ sao năm nào vào mùa tuyển sinh cũng bắt các trường nộp? 

Trách nhiệm lưu các hồ sơ này để phục vụ công tác quản lý là của phòng giáo dục, sở giáo dục.

Nếu không có các giấy tờ này, chẳng lẽ nhà trường hoạt động chui mà các năm trước vẫn được cấp chỉ tiêu tuyển sinh?

Ấy vậy nhưng chỉ cần thiếu một trong các giấy tờ lẽ ra phòng, sở đang phải quản lý và lưu trữ, là có thể bị cắt chỉ tiêu. 

Đây thực sự là những giấy phép con để hành các trường tư thục, chứ không phải để thực hiện công tác quản lý nhà nước.

Chuyên viên cấp phòng, sở cũng có thể sách nhiễu các trường

Với một loạt giấy phép con như thế này, bất kỳ chuyên viên tuyển sinh nào của phòng, của sở cũng có thể làm khó dễ các trường tư thục mà không trường nào dám kêu.

Có nhà trường xin tăng chỉ tiêu tuyển sinh, các đoàn của phòng, của sở đến kiểm tra đều thấy trường đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhưng xin mấy năm vẫn không được.

Cứ tưởng Ban Giám đốc sở quyết định việc này, nhưng khi trường tìm hiểu ra thì 1 chuyên viên của sở trực tiếp thụ lý hồ sơ xin tăng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường mới quyết định việc này. 

Chật vật mãi nhà trường mới tìm được manh mối, "chạy" là xong.

Ví dụ như yêu cầu quyết định công nhận hiệu trưởng trường tư thục của phòng / sở năm nào vào mùa tuyển sinh cũng phải nộp, 5 năm trường lại phải làm hồ sơ xin công nhận lại một lần, mỗi lần làm phải mất 3 tháng, mỗi lần lên gặp vị chuyên viên phụ trách là lại bị hành thiếu cái nọ, cái kia.

Trong khi những vị hiệu trưởng / hiệu phó này bằng cấp vẫn như vậy, con người không thay đổi, hồ sơ sở / phòng vẫn nắm trong tay, chất lượng giáo dục của từng trường mà họ quản lý thì phòng, sở nắm chắc với rất nhiều cuộc kiểm tra, sao cứ yêu cầu các trường phải làm lại mới cấp chỉ tiêu?

Lãnh đạo một trường tư thục chia sẻ kinh nghiệm làm hồ sơ xin quyết định công nhận lại hiệu trưởng, vị chuyên viên có hẹn ngày trả hồ sơ, nhưng đến hẹn lên gặp thì vị này trả lời:

"Thầy thông cảm cho, em bận quá, biên chế các trường nhiều mà phòng có mấy anh em, làm không xuể".

Cơ chế xin-cho chỉ tiêu tuyển sinh đẻ ra tiêu cực như thế nào? ảnh 5

Hà Nội đang lấy chỗ học của con em nhân dân lao động để làm dịch vụ?

Không đủ giấy tờ thì không được cấp chỉ tiêu, mà mình đang là người đi xin, làm sao dám làm căng? Họ mà cố tình vạch ra cái gì đó trong chồng hồ sơ này, là nhỡ hết việc lớn của trường.

Có thể đó chỉ là cách nói uyển chuyển để các trường hiểu rằng, có lẽ "chạy" chưa tới, nhà giáo này chia sẻ.

Lãnh đạo một cơ sở giáo dục tư thục khác cho biết, các trường tư thục phục vụ và đáp ứng nhu cầu của dân nên để dân kiểm tra là chính xác nhất.

Tại sao phòng / sở lại cứ hạch các trường phải cung cấp chi tiết sơ đồ phòng học, phòng bộ môn, thư viện, khu làm việc...? Các trường có đủ là được, bố trí thế nào cho hợp lý và hiệu quả tối đa là việc của các trường.

Nhưng 12 loại giấy tờ này là 12 giấy phép con, thiếu hoặc chậm cái nào là phải chạy cái đó.

Chưa kể trên thực tế, có những tiêu chí, hồ sơ các trường gửi lên để phòng / sở cấp chỉ tiêu chỉ mang tính hình thức, không liên quan nhiều đến chất lượng giáo dục.

Có những trường nộp điều lệ hoạt động lên cho đủ thủ tục, nhưng hoạt động thực tế khác hẳn. 

Ví dụ hiệu trưởng được sở / phòng công nhận, nhưng thực tế không phải người điều hành, đặc biệt là ở các trường quốc tế vì chương trình của họ khác, nguyên tắc quản trị của họ khác các trường công.

Cho nên thực chất quy định này lại tạo thêm gánh nặng cho một số trường tư, vừa phải trả tiền thuê người điều hành đáp ứng yêu cầu công việc, vừa phải thuê hiệu trưởng cho đủ tiêu chí tuyển sinh.

LTS: Tình trạng quá tải sĩ số các trường công lập nội đô Hà Nội đã kéo dài nhiều năm, các trường tư thục đã chia sẻ gánh nặng với Nhà nước, chấp nhận bỏ rất nhiều tiền của và công sức để đầu tư vào giáo dục thay vì các ngành nghề khác dễ sinh lời, làm giảm biên chế, giảm đầu tư ngân sách và đáp ứng nhu cầu rất đa dạng của nhân dân về chỗ học của con em.

Những nhà đầu tư giáo dục, những cơ sở giáo dục tư thục có đóng góp như vậy rất cần được bảo vệ, tạo môi trường phát triển lành mạnh và tôn vinh xứng đáng.

Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập chỉ rõ:

Tạo điều kiện chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá cao. [1]

Trong quá trình tìm hiểu thực trạng các rào cản hành chính và tệ sách nhiễu các trường ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục tỏ ra rất dè dặt vì lo sợ bị cắt chỉ tiêu nên không dám cung cấp thông tin cho báo chí.

Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố Hà Nội không bao giờ bao che, dung túng cho những hành vi sách nhiễu các trường tư thục làm ăn chân chính.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cam kết kiên trì đóng góp sức mình vào việc làm trong sạch môi trường quản lý giáo dục, để giáo dục nước nhà nói chung, giáo dục Thủ đô nói riêng có thể đổi mới căn bản, toàn diện và bứt phá.

Vì vậy chúng tôi hy vọng nhận được sự cộng tác, chia sẻ thông tin và bằng chứng về các giấy phép con, các thủ đoạn hành vi sách nhiễu từ một số cá nhân nằm trong cơ quan quản lý nhà nước, để cùng đưa ra ánh sáng và loại khỏi bộ máy những con sâu làm rầu nồi canh giáo dục Thủ đô.

Mọi thông tin, bằng chứng về các vấn đề nói trên, mong quý thầy cô, quý lãnh đạo các trường tư thục cùng tất cả những ai quan tâm đến giải pháp chính sách cho giáo dục Thủ đô, giáo dục nước nhà, xin vui lòng gửi về Tòa soạn theo địa chỉ:

toasoan@giaoduc.net.vn.

Tất cả các thông tin liên quan đến cá nhân quý vị, Tòa soạn cam kết bảo mật tuyệt đối. Trân trọng!

[1]http://dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/chi-tiet-van-ban/id/3635.htmlNội dung

Hồng Thủy