Cô gái 21 tuổi và hành trình đạp xe xuyên Việt 3.000 km

11/07/2017 07:44
Thùy Linh
(GDVN) - Hơn một tháng rong ruổi, Minh Tâm đã đặt chân đến rất nhiều nơi chưa bao giờ biết đến, gặp gỡ và sống chung với những con người chưa hề quen.

Mặc dù chuyện đi xuyên Việt bằng xe đạp không còn là chuyện hiếm của các bạn trẻ. Nhưng cùng chung mong muốn được đi thăm thú nhiều cảnh đẹp của đất nước, niềm vui khi chinh phục được những đoạn đường khúc khuỷu, gập ghềnh nên dịp hè 2017, 60 bạn trẻ khắp cả nước đã cùng nhau tham gia cuộc hành trình đạp xe từ Bắc vào Nam.

Khi hành trình đạp xe xuyên Việt lần thứ năm với thời gian 45 ngày chuẩn bị bắt đầu, chiều tối ngày 29/6, tôi có cơ hội gặp bạn Nguyễn Thị Minh Tâm (quê Đà Nẵng) – sinh viên năm 3 Đại học sư phạm Đà Nẵng.

Bất ngờ lớn nhất đối với tôi là ngoại hình của cô sinh viên trẻ không hề cao lớn như suy nghĩ của tôi, thế nhưng Minh Tâm đã làm được điều mà không phải bạn trẻ cũng làm được đó là đạp xe từ Bắc đến Nam.

Chuyến đi của đoàn bắt đầu từ ngày 30/6 tại Đài tưởng niệm nghĩa trang liệt sĩ tại Hoàng Diệu - Hà Nội và kết thúc ở mũi Cà Mau ngày 15/8, kết thúc 45 ngày với 3.000km.

Cô gái Minh Tâm 21 tuổi và hành trình đạp xe xuyên Việt 3.000 km (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cô gái Minh Tâm 21 tuổi và hành trình đạp xe xuyên Việt 3.000 km (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Được biết, Minh Tâm là trưởng nhóm điều hành “đạp xe xuyên Việt” khu vực Đà Nẵng (gồm 10 thành viên).
 
Cô gái này cho hay, để nhập đoàn bắt đầu cuộc hành trình, chúng em đã đi tàu, gửi xe đạp từ Đà Nẵng ra Hà Nội.
 
Theo lời Minh Tâm, cả đoàn đạp xe cùng nhau cả chặng đường, sau mỗi ngày sẽ có 1 điểm nghỉ đã được Ban tổ chức tìm trước đó 1 tháng.
 
Ví dụ, ngày 30/6, khi đạp từ Hà Nội đến Phủ Lý (Hà Nam) thì buổi tối hôm đó, cả đoàn sẽ ăn uống, nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động tại đó để ngày hôm sau tiếp tục chuyến đi từ Phủ Lý đến Ninh Bình. Cứ như vậy đến khi nào vào tới Cà Mau thì thôi.
 
Đoàn có 60 người, chia thành các ban hậu cần, kỹ thuật, điều hành... Ban điều hành sẽ nắm toàn bộ các hoạt động của các ban còn lại, đoàn cử 1 người làm trưởng đoàn.
 
Ban hậu cần cùng thủ quỹ sẽ đi ô tô đến điểm dừng chân trước để lo ăn uống cho mọi người với khẩu phần ăn mỗi ngày 100.000 đồng/người, ban y tế phụ giúp băng bó vết thương, trầy xước khi thành viên nào bị thương còn ban kỹ thuật sẽ phụ giúp sữa chữa xe cộ trên cả hành trình.
 
Đặc biệt, đoàn chọn ra bộ phận kỹ thuật, an ninh là những người có sức đạp mạnh và nhanh nhất để dẫn đầu hoặc ở cuối đoàn nhằm nắm được tình hình để giúp đỡ các thành viên kịp thời (nếu xảy ra sự cố).

Minh Tâm chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên trong đoàn (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Minh Tâm chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên trong đoàn (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Năm 2016, năm đó cô gái 20 tuổi này biết đến “Đạp xe xuyên Việt” thông qua fanpage của chương trình, Tâm kể trước khi tham gia chương trình là một cô gái nhút nhát, rụt rè, ngại đi đâu một mình hoặc đi với người lạ do được bố mẹ bao bọc từ nhỏ nên khi có ý định tham gia, mẹ lo lắng sợ không theo nổi, chị gái thì lo bị nắng mùa hè làm cháy da. 

Nhưng khi đó cô sinh viên năm 2 đã quyết tâm tham gia và đến khi kết thúc hành trình năm 2016, Minh Tâm tự thấy bản thân thay đổi, trưởng thành hơn từ trong suy nghĩ đến hành động.

Với kinh nghiệm đã từng tham gia "Đạp xe xuyên Việt" năm 2016, Minh Tâm chia sẻ, trong khoảng thời gian hơn một tháng rong ruổi, các thành viên sẽ được đặt chân đến rất nhiều nơi chưa bao giờ biết đến, gặp gỡ và sống chung với những con người chưa hề quen. 

Với mỗi vùng đất đi qua, các thành viên trong đoàn mong muốn được chia sẻ một phần khó khăn với đồng bào trên mảnh đất hình chữ S.

Đồng thời, hành trình là cơ hội để thế hệ trẻ trải nghiệm, bài học quý báu, tình cảm sâu sắc về lòng nhân ái, tình đồng chí, đồng đội, tình yêu quê hương đất nước, thông qua các hoạt động rèn luyện, hoạt động tình nguyện, hoạt động khám phá văn hóa lịch sử, hoạt động vui chơi giải trí trên từng cây số dọc theo chiều dài đất nước. 

Thùy Linh