Cô giáo Mai Anh say mê nghiên cứu khoa học

13/09/2018 08:47
LÃ TIẾN
(GDVN) - Thành công với đề tài khoa học khi tốt nghiệp trường đại học, Mai Anh đem những gì cô học được để đưa vào chương trình học cho học sinh của mình.

Vũ Thị Mai Anh (sinh năm 1995) tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Sinh học của trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2017, đạt loại xuất sắc, trở thành thủ khoa đầu ra của Trường.

Sau khi ra trường, Mai Anh được nhận làm giáo viên giảng dạy bộ môn Sinh học tại Trường Trung học phổ thông Yên Hưng, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).

Nói về công việc của mình, cô chia sẻ: “Tôi đã mơ ước là giáo viên từ rất lâu rồi. Người mà tôi thần tượng là cô giáo dạy hóa hồi cấp 3, tôi cũng muốn trở thành giáo viên ưu tú như cô.

Đó là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày. Trong suốt 4 năm học, tôi luôn yêu thích nghiên cứu khoa học.

Thực tế khoa học không hề là một bộ môn khô khan nếu chúng ta tìm hiểu và đào sâu nghiên cứu.

Công trình nghiên cứu khoa học sẽ trở nên hấp dẫn hơn khi mình gắn nó vào thực tế đời sống”.

Mai Anh trong phòng thí nghiệm công nghệ sinh học- vi sinh của trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: nhân vật cung cấp)
Mai Anh trong phòng thí nghiệm công nghệ sinh học- vi sinh của trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Chia sẻ về thành tích của mình, Mai Anh cho biết, năm 2017, cô đoạt giải Nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 19, với đề tài nghiên cứu khoa học Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn có khả năng chuyển hóa mỡ cá basa thành polyhydroxyalkanoates (một loại nhựa sinh học), do Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Đề tài nghiên cứu khoa học “Phân lập và tuyển chọn vi khuẩn có khả năng chuyển hóa mỡ cá Basa thành Polyhydroxyalkanoates” là đề tài mà Mai Anh ấp ủ trong suốt 2 năm theo học trong trường đại học.

Từ luận văn tốt nghiệp đại học, cô đã tiếp tục phát triển đề tài khoa học này để dự thi Giải thưởng Euréka năm 2017.

2 năm nghiên cứu là 2 năm cô dường như chỉ “ăn, ngủ” trong phòng thí nghiệm và đã học tập được rất nhiều từ việc nghiên cứu này, đặc biệt là được thỏa ước nguyện đam mê khoa học.

Không ít lần thực hiện thí nghiệm thất bại, nhưng cô chưa bao giờ muốn bỏ cuộc bởi bên cạnh Mai Anh luôn có sự ủng hộ của gia đình, thầy cô, bạn bè.

Vũ Thị Mai Anh trong ngày được nhận tấm bằng Đại học loại xuất sắc chuyên ngành Sư phạm Sinh học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2017 (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Vũ Thị Mai Anh trong ngày được nhận tấm bằng Đại học loại xuất sắc chuyên ngành Sư phạm Sinh học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2017 (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khi được hỏi về đề tài khoa học của mình, Mai Anh hào hứng cho biết: Quá trình chế biến cá basa tạo ra lượng lớn mỡ cá phụ phẩm, các loại nhựa được sử dụng hàng ngày lại có nguồn gốc chủ yếu từ dầu mỏ và có thể phân hủy rất lâu, gây ô nhiễm môi trường.

Vì thế, Mai Anh đã bắt tay vào việc nghiên cứu để tận dụng được những phụ phẩm từ việc chế biến thủy sản nhưng lại có thể tạo ra nhựa sinh học, có khả năng tự phân hủy và thân thiện với môi trường.

Mỡ cá basa được sử dụng làm nguồn carbon để vi khuẩn lên men sinh tổng hợp polyhydroxyalkanoate- nhựa sinh học (PHA).

Vì PHA là một nhóm các polymer được tích lũy trong tế bào vi sinh vật ở điều kiện môi trường nuôi cấy dư thừa nguồn carbon.

PHA được tạo ra trong nghiên cứu có khả năng phân hủy trong điều kiện môi trường tự nhiên dưới tác dụng của các vi sinh vật. Nếu ứng dụng rộng rãi đặc tính này hoàn toàn có khả năng không gây ô nhiễm môi trường.

Và với sự sáng tạo cũng như nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, đề tài nghiên cứu khoa học của Mai Anh đã xuất sắc giành giải Nhất Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 19 năm 2017.

Hiện, Mai Anh đã đưa đề tài vào để ứng dụng xây dựng nội dung chương trình học cho học sinh của mình.

Cô cũng sẽ tự biên soạn bài giảng để học sinh có thể tiếp thu một các đơn giản nhất và sẽ có những định hướng nhất định để học sinh hứng thú với bộ môn này và có thể có được đề tài nghiên cứu của riêng mình.

Trong tương lai không xa, cô giáo trẻ này đang ấp ủ dự định học tiếp lên cao học và có thể “săn” học bổng ngắn hạn sang học tập và nghiên cứu tại đất nước Nhật Bản- nơi có nền tảng khoa học khá phát triển.

Sau đó, đem những kiến thức mình đã học về phục vụ cho quê hương, đào tạo và phát triển những thế hệ trẻ của Quảng Ninh.

LÃ TIẾN