Cô giáo Mến với sáng chế chữa bệnh đau dạ dày

03/02/2019 06:21
Công Tiến
(GDVN) - Cô Mến nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi, không chỉ vậy cô còn sáng tạo ra sản phẩm có ích cho sức khỏe nhiều người dân trên cả nước.

Đã có rất nhiều thông tin tốt từ học trò và người dân nơi miền quê Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang về cô giáo Bạch Thị Mến người vừa giỏi việc trường, lại có tâm sản xuất ra các sản phẩm có ích cho sức khỏe của người dân.

Trên cả nước có rất nhiều tấm gương thầy cô giáo tâm huyết, nhiệt tình, yêu nghề ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Cô giáo Bạch Thị Mến, giáo viên Trường trung học cơ sở Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang là một trong những tấm gương sáng đó.

Cô Mến sinh ra và lớn lên tại xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, học hết bậc trung học phổ thông cô theo học và tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Ngô Gia Tự Bắc Giang, chuyên ngành Hóa - Sinh.

Cô giáo Bạch Thị Mến, giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền bên sáng chế tinh bột nghệ. Ảnh: Công Tiến
Cô giáo Bạch Thị Mến, giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền bên sáng chế tinh bột nghệ. Ảnh: Công Tiến

Sau khi tốt nghiệp, cô Mến được phân công giảng dạy tại huyện Lục Ngạn, từ năm 2009 đến năm 2011 chuyển công tác về Trường trung học cơ sở Trí Yên. Bấy nhiêu năm trong nghề, cô Mến luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, mến trò và bằng sự quyết tâm của người thầy, cô Bạch Thị Mến đã quyết tâm vượt qua khó khăn, thường xuyên học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ, khẳng định bản thân và được cơ quan, đồng nghiệp yêu mến.

Ngày qua ngày, cô giáo Mến cứ thầm lặng trong công việc “trồng người”, vun đắp, ươm mầm cho những thế hệ trẻ tương lai của miền quê Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Sau nhiều năm công tác với nỗ lực vượt khó khẳng định bản thân, với biết bao thăng trầm trong nghề nghiệp, nhưng cô giáo Bạch Thị Mến vẫn luôn nhiệt huyết, yêu nghề “đưa đò” giúp nhiều thế hệ học trò học giỏi và trưởng thành.

Cô Bạch Thị Mến chia sẻ: “Niềm vui của tôi là được thấy học sinh của mình chăm ngoan, học giỏi và trưởng thành.

Nhiều em học sinh đã học tập tốt ở các bậc học tiếp theo, thi đậu các trường đại học uy tín, thành đạt trong sự nghiệp và đã công tác trên nhiều lĩnh vực”.

Cô Mến được nhà trường đánh giá cao

Cô Mến hiện đang phụ trách giảng dạy môn Hóa - Sinh tại Trường trung học cơ sở Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Cô giáo Mến với sáng chế chữa bệnh đau dạ dày ảnh 2Cô tổng phụ trách Đội năng động, nhiệt tình, sáng tạo

Bao năm trong nghề với biết bao khó khăn, nhưng cô Mến luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bản thân cô Mến luôn tự học để nâng cao trình độ chuyên môn từ đó trở thành giáo viên có chuyên môn vững được Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao và được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Từ năm 2015 đến 2017, học trò do cô Mến hướng dẫn đã giành được một số giải cao tại Hội thi khoa học kỹ thuật và sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Giáp Văn Minh - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang vui vẻ, tự hào nói:

“Để đánh giá về cô Bạch Thị Mến thì không chỉ cá nhân tôi, mà hầu hết những ai tiếp xúc và biết đến cô Mến đều chung nhận xét là một người mẫu mực, khiêm tốn, trách nhiệm.

Cô sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp, giúp đỡ các bậc phụ huynh và cả nhà trường trong việc “trồng người”.

Có thể nói, cô là một tấm gương tiêu biểu về đạo đức, lối sống lành mạnh, tâm sáng và có lòng bao dung để các thế hệ sau học tập.

Điểm nổi bật nhất của cô Mến là về đạo đức, lối sống lành mạnh, tác phong năng nổ của một người giáo viên.

Nói về nghề giáo thì cô là người cực kỳ chuẩn mực, liêm khiết, vô tư, khách quan và thật sự là người có chuyên môn rất vững và rất chắc”.

Thầy Minh nói thêm: Cô Mến bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy theo phân công, tôi được biết cô Mến còn mạnh dạn vận dụng kiến thức về Hóa - Sinh để sản xuất ra các sản phẩm từ thiên nhiên giúp chữa bệnh và tốt cho sức khỏe.

Thực hành kiến thức để giúp đỡ người dân

Thời điểm cuối năm mọi ngành, gia đình ai cũng bận với công việc nhưng cô Bạch Thị Mến cùng gia đình đã sắp xếp và rất vui vẻ đón tiếp tôi ngay tại cơ sở sản xuất tinh bột nghệ được sản xuất từ các sản phẩm nông nghiệp sạch của quê hương.

Sáng chế chữa trị đau dạ dày của cô Mến được chiết xuất từ nghệ thiên nhiên được trồng trên mảnh đất huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Công Tiến
Sáng chế chữa trị đau dạ dày của cô Mến được chiết xuất từ nghệ thiên nhiên được trồng trên mảnh đất huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Công Tiến

Cô Mến chia sẻ với phóng viên: “Bản thân tôi đã từng bị những cơn đau dạ dày hành hạ nên tôi rất thấu hiểu cho những người giống tôi, từ đó tôi đã nghiên cứu và có sản phẩm chuyên chữa trị bệnh về dạ dày và đại tràng… của riêng mình, nó giống như một cơ duyên”.

Ban đầu cô Mến nghĩ sản phẩm chỉ để phục vụ điều trị cho bản thân và gia đình, nhưng được người thân và người dân địa phương nhiều nơi tin tưởng hỏi mua nhiều… nên cô đã mạnh dạn đầu tư máy móc để sản xuất với quy mô lớn nhằm giúp mọi người không may bị các bệnh về dạ dày, đại tràng... có cơ hội chữa trị bệnh.

Với ước mơ đẹp để giúp đời, trước những khó khăn, cô giáo Bạch Thị Mến không nản lòng. Cô đã cùng gia đình mở xưởng sản xuất tinh bột nghệ tổng hợp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Sắp tới, trên cơ sở nghiên cứu thị trường, cô giáo trẻ với sự sáng tạo không ngừng mong muốn mở rộng quy mô hoạt động, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Sản phẩm tinh bột nghệ của cô Mến đã được Cục bản quyền tác giả cấp chứng nhận quyền tác giả. Ảnh: Công Tiến
Sản phẩm tinh bột nghệ của cô Mến đã được Cục bản quyền tác giả cấp chứng nhận quyền tác giả. Ảnh: Công Tiến

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cô Mến nói: Hiện nay, xưởng cô luôn có từ 5 - 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. 

Để có nguồn nguyên liệu ổn định sản xuất, tôi đã cung cấp giống nghệ và đậu tương cho bà con 5 xã: Cảnh Thụy, Tư Mại, Tiến Dũng, Nham Sơn, Tân An với 200 hộ dân tham gia, mỗi vụ người nông dân trừ chi phí thu lãi khoảng 12 - 17 triệu đồng/sào”.

Dây chuyền sản xuất tinh bột nghệ và đậu nành đã tạo điều kiện việc làm cho nhiều lao động. Ảnh: Công Tiến
Dây chuyền sản xuất tinh bột nghệ và đậu nành đã tạo điều kiện việc làm cho nhiều lao động. Ảnh: Công Tiến

Bà Thêu, người dân xã Nham Sơn cho biết: “Thửa ruộng nhà tôi khó khăn về nước tưới nên thường bỏ hoang, từ khi đưa cây nghệ vào trồng theo liên kết với xưởng của cô Mến, mỗi vụ trừ chi phí tôi thu lãi 17 triệu đồng/sào”.

Có thể nói, với lòng tận tâm trong sự nghiệp trồng người và giúp người cô giáo trẻ Bạch Thị Mến đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục của Trường Trung học cơ sở Trí Yên.

Cô thật xứng đáng là một giáo viên tiêu biểu trong ngành và là tấm gương sáng để các giáo viên và học sinh học tập, noi theo.

Công Tiến