Cô giáo “cung bọ cạp” và một chuyện làm buồn lòng ngành giáo dục

03/08/2015 13:28
Diệu Linh
(GDVN) - Một lần nữa, ngành giáo dục có thêm vết ố khi mà giáo viên của trung tâm ngoại ngữ thẳng thừng xưng “tao” và dọa học viên “tao sẽ xử lý ở cấp trên”.

Mấy ngày nay, các báo và mạng xã hội lan truyền chóng mặt clip cô giáo Lê Na xưng hô “tao”, “chúng mày”, mắng mỏ học viên thậm tệ.

Trong clip này, một nữ học viên nói rằng, em bị đóng tiền oan uổng. Tuy nhiên, cô giáo im lặng.

Ngay sau đó là hành vi giật tờ giấy của một nam học viên.

Sau vài phút, cô Lê Na đã không giữ được bình tĩnh và buông ra: “Tao nói cho mày biết là tao sẽ đến trường Bưu Chính Viễn Thông và tao sẽ xử lý với Hiệu trưởng và người giáo viên dạy mày. Tao nói cho mày biết. Để cho mày biết cái loại học sinh vô học, đến đây giật giấy và chửi giáo viên.

Tao xin lỗi mày, tao biết mày học trường Bưu Chính rồi và tao sẽ đến gặp Hiệu trưởng. Tao không sợ gì đâu. Tao nói cho mày biết, cả hai chúng mày, tao sẽ đến gặp trường Bưu Chính. Tao nói cho mày biết, tao sẽ xử lý ở cấp trên… Tao không cần biết, tao đã ghi âm và tao biết mày học trường Bưu Chính. Tao không nói nhiều nữa và bây giờ gọi bảo vệ lên”.

Cô giáo Lê Na của trung tâm Anh ngữ liên tục mắng học sinh là "vô học". ảnh cắt từ clip.
Cô giáo Lê Na của trung tâm Anh ngữ liên tục mắng học sinh là "vô học". ảnh cắt từ clip.

Nữ học viên phân trần: “Lúc em vừa đến, em chưa nói gì cô đã bảo em vô học rồi”.

Cô Lê Na tiếp: “Mày im mồm mày đi, tao nói cho mày biết, tao sẽ đến gặp trường Bưu Chính… Tao là cung Bọ Cạp nhé. Một khi mày đã động đến lòng tự ái và sự tôn trọng của tao thì tao sẽ làm đúng những gì mà mày đang làm với tao. Tao sẽ đến gặp Hiệu trưởng và nói chuyện. Mày đừng nghĩ tao không dám làm một cái gì. Mày đã xúc phạm đến danh dự của tao… Cái loại học sinh như mày Hiệu trưởng trường Bưu Chính cần phải biết”.

Nữ sinh nói tiếp: “Thưa cô, lúc em vừa mới đến…”

Tuy nhiên, cô Lê Na lại cắt ngang: “Tao không cần biết, mày đi ra khỏi đây. Tất cả mọi người đưa nó ra khỏi lớp. Rất là vô học. Tao nói cho mày biết, tao biết địa chỉ của chúng mày rồi… Tao biết chúng mày học ở trường nào, tao sẽ xử lý qua Hiệu trưởng. Chúng mày đừng có tưởng, tao có thể hạ hạnh kiểm của chúng mày”.

Sau khi clip này được tung ra trên mạng internet đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về hành vi mất bình tĩnh của cô Lê Na.

Nhiều người đã lên tiếng bày tỏ sự cảm thông trước hành vi mất bình tĩnh của cô giáo này.

Nhưng cũng có rất nhiều người, trong đó có cả những nhà giáo dục lâu năm như PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường PTTH Lương Thế Vinh hay TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội không đồng tình với thái độ của cô giáo.

Cô giáo “cung bọ cạp” và một chuyện làm buồn lòng ngành giáo dục ảnh 2

 Học hàm Công bộc vạn tuế!

Thầy Văn Như Cương đã nói rất thẳng thắn rằng, cô Lê Na vừa là giáo viên, lại vừa lớn tuổi hơn nên cần phải cư xử đúng mực.

Học viên vô lễ, nhưng cô Lê Na vẫn phải cư xử đúng với tư cách của người thầy.

Còn TS Nguyễn Tùng Lâm thì cho rằng, cô giáo phải cư xử mẫu mực, mắng học trò "vô học" là điều rất không nên. Cô Lê Na cần phải xin lỗi học viên.

Đành rằng những lời nói này không diễn ra trong trường học mà tại một trung tâm Anh ngữ. Nhưng xét cho cùng thì đó cũng là nơi dạy học, đào tạo con người. Và ở đó, các học viên gọi là “cô Lê Na”.

Đành rằng con người ta ai cũng có những lúc nóng nảy, và trong lúc nóng nảy thì thường mất bình tĩnh và có nhiều hành động kỳ quặc.

Cũng có thể, học viên đã có những lời lẽ vô lễ thiếu tôn trọng giáo viên (theo lời cô Lê Na, và không có trong clip). Nhưng trên hết, đã là người dạy học – một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý – được gọi là thầy, là cô thì những ứng xử cũng phải ra dáng “có học”, tuyệt nhiên không thể hành xử lỗ mãng.

Và có lẽ nếu là một người có lòng tự trọng, hẳn là khi xem lại clip mà mình đã mắng mỏ học viên, chính cô Lê Na cũng phải thấy rằng thái độ ấy là không phù hợp.

Nói ở khía cạnh kinh doanh, trung tâm này phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho học viên (tức là khách hàng). Nhìn ở góc độ khác, nơi đó cũng là môi trường giáo dục, chứ không phải đơn thuần chỉ là mang tiền đổi lấy kiến thức, càng không phải là cái chợ để làm trò “cưa đứt đục suốt”.

Người xưa dạy rằng “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nhưng người xưa cũng nói rằng “lời nói đọi máu”. Khi bị chạm vào lòng tự ái, cô Lê Na đã mắng nhiếc học viên không thương tiếc. Nhưng chính học viên cũng bị chạm tự ái khi liên tục bị quy kết là “vô học”, để rồi đốp lại giáo viên “bà mới là kẻ vô học”.

Những hành vi cư xử lỗ mãng từ cả phía học trò và giáo viên trong trường hợp này sẽ chẳng bao giờ có hồi kết, khi mà cái tôi của cả hai đều quá lớn. Với những gì đã diễn ra thì họ không còn coi nhau như “cô – trò”.

Họ ném về nhau những lời đay nghiến, miệt thị, nhưng lại khó khăn để nói với nhau một lời “xin lỗi”.

Xã hội càng phát triển thì nhu cầu học tập và hoàn thiện về nhân cách càng được coi trọng. Ở đó, vai trò của người thầy càng phải được xem trọng, nói như nhiều chuyên gia giáo dục thì đó là nhân tố quan trọng nhất.

Vậy nên trước khi bàn về đổi mới giáo dục, trước khi bàn về xã hội học tập, có lẽ rất cần phải bàn tới đạo đức của người thầy. Bởi mọi vết ố trên một chiếc áo đều có thể dễ dàng làm sạch, nhưng chẳng dễ gì xóa bỏ nó khi bàn ở khía cạnh nhân cách con người.

Diệu Linh