Cô giáo dạy văn 25 năm chưa từng dạy thêm

26/06/2016 08:08
Phương Linh
(GDVN) - Cô Lê Kim Mai cho rằng, việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường là việc làm tốt, thầy cô có thể hiểu và nắm bắt sức học của học sinh, thì sao lại phải cấm.

Tiếp tục bàn luận về chủ đề cấm dạy thêm học thêm tại nhà trường trong năm học sắp tới của lãnh đạo Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, cô Lê Kim Mai – tổ trưởng bộ môn Văn, trường trung học phổ thông Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh đã trình bày những quan điểm cá nhân của mình về vấn đề này.

Bắt đầu đi dạy từ năm 1992, tính đến nay, cô Mai đã có thâm niên 25 năm trong nghề giáo, và cũng ngần ấy năm, cô Mai chưa bao giờ đi dạy thêm để kiếm tiền từ học sinh, ngoài giờ dạy trên lớp.

Bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề dạy thêm và học thêm, cô Mai khẳng định rằng, bản chất của việc này hoàn toàn không xấu như xã hội nghĩ, mà cần phải được nhìn nhận dựa trên hiệu quả và phù hợp với từng hoàn cảnh, từng trường hợp khác nhau.

Sách giáo khoa các bộ môn, phân phối chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ yếu yêu cầu các kiến thức, kĩ năng tối thiểu cần đạt được trong 45 phút dạy trên lớp, nên giáo viên cũng chỉ đủ thời gian để truyền đạt cho các em những kiến thức đủ để đạt điểm trung bình.

Cô Lê Kim Mai trong một giờ dạy bộ môn Văn ở trường Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh (ảnh: P.L)
Cô Lê Kim Mai trong một giờ dạy bộ môn Văn ở trường Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh (ảnh: P.L)

Muốn mở rộng thêm kiến thức, rèn luyện thêm các kĩ năng của môn học, đòi hỏi các em học sinh cần phải được tăng tiết ở trường, hoặc đến các trung tâm để học. Việc quyết định học ở đâu sẽ tùy thuộc vào nhu cầu học sinh, phụ huynh, nhưng hiệu quả nhất vẫn là có thầy cô song hành với việc học của các em. 

Cô giáo dạy văn 25 năm chưa từng dạy thêm ảnh 2

Cấm dạy thêm ở trường học, giáo viên sẽ bị ép giá ở trung tâm

Nói về chủ trương cấm dạy thêm ở tại nhà trường, mà chỉ được dạy ở các trung tâm, cô Lê Kim Mai cho rằng, hoàn toàn không nên dùng chữ “Cấm” trong trường hợp này, bởi lẽ, “người ta chỉ cấm điều xấu, chứ ai lại cấm điều tốt bao giờ”.

“Học thêm, tăng tiết ở trường sẽ thuận lợi cho việc đi lại của học sinh, có thầy cô dạy đã biết sẵn sức học của các em, học phí chỉ bằng một góc rất nhỏ so với trung tâm bên ngoài, không đặt nặng vấn đề doanh thu, phù hợp với đại đa số học sinh thì sao lại cấm” – cô Mai nói tiếp.

Ngoài ra, nếu đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học tăng tiết ở trường thì Hiệu trưởng còn nắm bắt được tình hình, miễn giảm học phí cho học sinh, còn học ở trung tâm thì có được chế độ này không?

Thậm chí, theo cô Mai cho biết, có trường hợp, do học sinh hoàn cảnh quá khó khăn, học sinh ngoài việc miễn giảm hoàn toàn học phí tăng tiết, học sinh còn được các giáo viên mua tặng thêm tập vở, hay là cho thêm tiền chi tiêu, để giúp cho các em yên tâm học tập.

Chính vì vậy, cô Lê Kim Mai đã khẳng định rằng, việc tổ chức day thêm, tăng tiết trong nhà trường vẫn là giải pháp tối ưu nhất, theo chính nhu cầu của học sinh và phụ huynh, hoàn toàn không có chuyện ép buộc.

Nói như vậy, nhưng cô Lê Kim Mai vẫn mong muốn cần phải đưa ra được những giải pháp quản lý việc tăng tiết, học thêm ở trường một cách tối ưu nhất, chứ nếu cấm thì sẽ phủ nhận hết những công sức của những giáo viên tận tâm, tận lực với học sinh.

“Ai sai thì xử lý người đó, “con sâu làm rầu nồi canh”, chúng ta không nên áp dụng hình thức không quản được là cấm” – cô Lê Kim Mai nhấn mạnh.

Cuối cùng, cô Lê Kim Mai kết luận rằng, những thầy cô giáo chỉ vì học thêm mà đối xử o ép học sinh, thì rất đáng để lên án, không xứng đáng đứng trong đội ngũ làm nghề giáo vinh quang và cao quý.

Còn đối với thầy cô giáo đổ mồ hôi, công sức, lao động chính đáng để truyền đạt các kiến thức mở rộng cho học sinh thì cần được xã hội nhìn nhận công bằng, hợp lý hơn.

Phương Linh