Cô giáo phải quỳ là do hiệu trưởng yếu kém

09/03/2018 06:42
Tùng Sơn
(GDVN) - Một hiệu trưởng quản lí trường học mà đúng chức trách của mình thì không thể có chuyện 4 phụ huynh vào trường tự do như vậy.

LTS: Bức xúc trước việc nữ đồng nghiệp bị bắt quỳ trước mặt cha mẹ học sinh, thầy giáo Tùng Sơn cho rằng để xảy ra cơ sự này là do sự yếu kém của hiệu trưởng trong việc xử lý tình huống.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mấy ngày đầu, đọc những bản tin nối tiếp nhau tường thuật vụ cô giáo Nhung (ở Bến Lức, Long An) bị cha mẹ học sinh ép quỳ gối 40 phút, tôi thật đau xót mà chẳng dám bàn luận với ai vì xấu hổ cho nghề giáo của mình.

Nhưng từ tối qua, đọc tiếp các bản tin về cô giáo quỳ gối đã rất mong muốn được cứu giúp nhưng hiệu trưởng bỏ đi thì tôi vỡ lẽ rằng trong chuyện này, chính sự yếu kém của ông hiệu trưởng đã đẩy cô vào tình cảnh ê chề đó.

Trường Tiểu học Bình Chánh. (Ảnh: H.L)
Trường Tiểu học Bình Chánh. (Ảnh: H.L)

Ông hiệu trưởng yếu kém về nhiều mặt

Một hiệu trưởng quản lí trường học mà đúng chức trách của mình thì không thể có chuyện 4 phụ huynh vào trường tự do như vậy.

Ông hiệu trưởng có trong tay cả một nội quy trường học, ông lại có pháp luật bảo hộ cho mình duy trì nội quy đó.

Vậy mà ông lại để cho cùng lúc 4 người dân (tạm gọi là người dân) vào phòng hiệu phó, phòng hiệu trưởng tranh luận tay đôi với mình, với cô giáo. Vậy là ông hiệu trưởng yếu kém về quản lí.

Khi đã để 4 phụ huynh ngang nhiên vào trường trong giờ học, ông hiệu trưởng lại gọi cô giáo Nhung xuống văn phòng khi cô đang đứng lớp.

Chẳng lẽ ông hiệu trưởng này không hiểu hay hời hợt với quy chế chuyên môn (giáo viên không được rời lớp khi đang trong tiết dạy). Đây là sự yếu kém của ông hiệu trưởng về kỉ luật.

Khi các phụ huynh tố cô giáo phạt quỳ con em họ, ông hiệu trưởng không biết xử lí theo trình tự sư phạm mà ông đã được đào tạo.

Cô giáo phải quỳ là do hiệu trưởng yếu kém ảnh 2Cô giáo bị bắt quỳ đã rất mong muốn được cứu giúp nhưng Hiệu trưởng bỏ đi

Đáng ra ông phải giải quyết đúng quy định là tạm thời nhận ý kiến của cha mẹ học sinh để cùng ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường, lớp kết hợp với cô giáo làm sáng tỏ vấn đề rồi có hướng xử lí thích hợp.

Đằng này, ông lại “lôi thốc” cô giáo xuống đối mặt với cha mẹ học sinh đang trong tâm trạng nóng nảy.

Vậy là ông yếu kém về xử lí tình huống sư phạm.

Sự việc khó tin tiếp theo của ông hiệu trưởng là ông lại bỏ đi trong tình cảnh đồng đội của mình bị uy hiếp nghiêm trọng.

Suy luận rộng ra, nếu trên chiến trường, ông hiệu trưởng này có thể bỏ mặc đồng đội giữa vòng vây của đối phương.

Nghe qua, sự so sánh này tưởng như không ổn vì chiến trường là tính mạng bị đe dọa nhưng suy xét kĩ, “mặt trận” đấu tranh ở đây là danh dự, cô giáo Nhung rất dễ bị làm nhục và biết đâu, thể xác cô cũng chưa hẳn người ta kiêng.

Hơn nữa, người thầy coi nhân phẩm quý như tính mạng của mình.

Vậy mà cô giáo đã bị ông hiệu trưởng bỏ mặc cho nhóm phụ huynh xỉ vả. Hơn thế nữa, cô giáo còn bị người thủ trưởng của mình bỏ lơ suốt 40 phút quỳ gối.

Và đây là sự yếu kém của ông về tinh thần đoàn kết trong đấu tranh.

Trách cả các đồng nghiệp của cô

Cô giáo phải quỳ là do hiệu trưởng yếu kém ảnh 3Tất cả các đoàn thể nhà trường đi đâu mà để giáo viên quỳ gối 40 phút?

Một ngôi trường có mấy chục giáo viên mà không không có thầy cô nào đứng ra bênh vực cô giáo Nhung trong tình cảnh bị uy hiếp thì thật khó hiểu. Hay là “thủ trưởng nào phong trào ấy”.

Thủ trưởng vô tâm bỏ rơi giáo viên bị bắt nạt thì giáo viên cũng vậy. Trên lớp học, cô Nhung là thầy.

Nhưng trước những phụ huynh đang lớn tiếng ép cô quỳ gối thì cô chỉ là một phụ nữ yếu ớt.

Khi đó, chỉ cần một vài sự phản đối của các đồng nghiệp thì cô đã thoát nạn. Nhưng không có. Thật tội cho cô.

Nếu như ở một ngôi trường khác, nếu gặp một hiệu trưởng khác và những người đồng chí biết đấu tranh kịp thời ngăn chặn điều ác thì cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung của chúng ta đã không phải làm cái việc mà ai cung phản đối như thế.

Tùng Sơn