Có một ông Bụt trong trái tim bao thế hệ thầy và trò

20/11/2017 07:00
Vương Thuỷ
(GDVN) - Dù đã dạy học 45 năm nhưng tôi vẫn phải học thầy Cương rất nhiều điều. Từ cách thầy quan tâm học trò và giáo viên đến những việc thầy làm cho giáo dục...

Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay tại Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh ngập tràn những hình ảnh của thầy giáo Văn Như Cương - người đã xây dựng lên ngôi trường dân lập đầu tiên trên cả nước.

Trong không khí tri ân các nhà giáo, cả thầy và trò Trường Lương Thế Vinh đều chan chứa cảm xúc về một người thầy với trái tim hết lòng vì học sinh.

Thầy Văn Như Cương có lối sống rất giản dị, gần gũi với cách làm giáo dục vô tư trong sáng.

Thầy nổi tiếng với những kiến thức uyên bác, những phát ngôn thẳng thắn, những đổi mới trong giáo dục khiến nhiều người nể phục.

Chứng kiến triển lãm "Dấu ấn" tri ân thầy Văn Như Cương do các học trò tự tay chuẩn bị, nhiều giáo viên dưới sự dẫn dắt của thầy đều cảm thấy những kỷ niệm xưa lại ùa về, những dòng cảm xúc không thể ngăn trào.

Học sinh Trung học cơ sở Lương Thế Vinh trong triển lãm "Dấu ấn" ngày 18/11/2017.
Học sinh Trung học cơ sở Lương Thế Vinh trong triển lãm "Dấu ấn" ngày 18/11/2017.

Người thầy của những người thầy

Trải qua 56 năm làm giáo viên, từng dạy học và quản lí nhà trường, rồi chỉ đạo chuyên môn ở Phòng Phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cô giáo Nguyễn Băng Tú, giáo viên Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh chia sẻ:

Thầy Văn Như Cương là một trong hai người cô thực sự tôn kính là bậc thầy của cải cách giáo dục.

Thầy là tấm gương sáng về cải cách giáo dục, về tình thương yêu học sinh và vì thương yêu mà nghĩ nhiều cách giáo dục, giảng dạy và viết sách có hiệu quả”, cô Băng Tú cho biết.

Nhắc đến thầy Văn Như Cương, cô giáo Phạm Thanh Việt, người gắn bó với Trường Lương Thế Vinh từ khi mới thành lập chia sẻ:

Thầy Cương là người rất thân thiện, gần gũi nhưng làm việc rất nghiêm túc. Năm nào thầy cũng trực tiếp đứng lớp để thầy xem các sách viết như thế có phù hợp với học trò không.

Thầy như người ông, người cha, người chú, như một người bạn với học trò. Các em học sinh có thể được lên tranh luận với thầy về cách giải bài tập.

Thầy đi đến đâu cũng được học trò quấn quýt. Điều đó là những điều chúng tôi phải học nhiều lắm”.

Cô Việt xúc động cho biết dù dạy học 45 năm nhưng cô vẫn phải học thầy Cương rất nhiều điều, từ cách thầy quan tâm học trò và rất tâm lý với các giáo viên đến những việc thầy làm cho giáo dục…

Với cô giáo Nguyễn Bích Thuỷ, chính bài học về lối sống bình dị, về cách sống làm người của thầy Văn Như Cương và việc luôn coi trò như con là những điều cô tâm đắc và cố gắng học theo gương thầy Cương.

Nghẹn ngào xúc động, cô Thuỷ cho biết:

Bởi luôn coi trò như con nên có những lúc buồn vui cùng các con. Có những lúc mắng các con, có lúc quát các con nhưng tất cả đều mong những điều tốt đẹp cho các con.

Là một giáo viên trẻ, tôi sẽ luôn cố gắng để mỗi ngày đứng trên bục giảng đều coi các học trò như con của mình”.

Thầy Trần Mạnh Tùng, cựu học sinh và hiện đang công tác giảng dạy tại trường cho biết, trong lúc băn khoăn chọn trường thi đại học thì chính bài thơ của thầy Văn Như Cương là động lực để thầy quyết định con đường vào sư phạm.

Thầy Trần Mạnh Tùng cho biết bài thơ của thầy Cương chính là động lực lớn để thầy quyết định thi vào sư phạm.
Thầy Trần Mạnh Tùng cho biết bài thơ của thầy Cương chính là động lực lớn để thầy quyết định thi vào sư phạm.

Các em vào đại học thầy vui!/ Duy chút băn khoăn, chút ngậm ngùi!/ Ít em mong muốn vào sư phạm/ Ai sẽ thay thầy lúc mấy mươi?

Từng câu chữ trong bài thơ của thầy Văn Như Cương đã truyền cảm hứng đề thầy Tùng mong muốn tiếp nối nghề trồng người mà người thầy yêu quý của mình từng tận lực cống hiến.

Trước bức tượng của thầy Văn Như Cương đặt trang trọng tại trường Lương Thế Vinh cơ sở 1 (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội), thầy Tùng thay mặt các thế hệ học sinh xin hứa với Thầy, ở bất cứ cương vị nào sẽ cố gắng làm tốt nhất công việc của mình để mãi giữ vững thương hiệu Lương Thế Vinh.

Và những điều còn mãi

Dừng lại rất lâu trước những kỉ vật trưng bày trong triển lãm “Dấu ấn” do học sinh Lương Thế Vinh tổ chức để tri ân thầy Văn Như Cương, cô giáo Dương Thị Minh Yến, hiện đang dạy môn Vật lý khối Trung học cơ sở cho biết:

Tôi cảm thấy rất nhớ thầy Cương, đặc biệt những kí ức về lần đầu đến gặp thầy phỏng vấn xin dạy tại Trường Lương Thế Vinh khiến cô không thể nào quên.

Có một ông Bụt trong trái tim bao thế hệ thầy và trò ảnh 4

Những phát ngôn để đời của thầy Văn Như Cương 

Thầy rất giản dị. Qua cuộc phỏng vấn đấy, tôi thấy qua từng câu hỏi của thầy đều rất trí tuệ và chứng tỏ thầy hiểu sâu sắc về công việc của chúng tôi.

Tôi và thầy còn lao vào tranh luận về câu hỏi trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia”.

Là một học sinh đang học lớp 11 tại Trường Lương Thế Vinh, em Trần Thị Mai chia sẻ:

Xem những những hình ảnh triển lãm hôm nay, em thấy những cảm xúc từ hôm tang lễ thầy Cương cũng ùa về.

Có một chút buồn, một chút biết ơn và cũng hạnh phúc và tự hào nữa”.

Phát biểu suy nghĩ của mình về thầy Văn Như Cương, Mai cho biết:

Em thấy thầy rất gần gũi. Em nghĩ rằng thầy là một người yêu thương học sinh thật sự. Đặc biệt, hôm bọn em học quân sự, thầy mặc nguyên mặc cả bộ quân phục đến khiến bọn em rất bất ngờ.

Hình ảnh đó đã gây ấn tượng sâu sắc với em và cảm thấy rất yêu quý thầy mặc dù bọn em chưa học lớp cuả thầy hay được trò chuyện với thầy”.

Học sinh Trường Lương Thế Vinh tham quan triển lãm "Dấu ấn" tri ân thầy Văn Như Cương.
Học sinh Trường Lương Thế Vinh tham quan triển lãm "Dấu ấn" tri ân thầy Văn Như Cương.

Từng được may mắn từng được tiếp xúc đôi lần với thầy Văn Như Cương, em Nguyễn Minh Ngọc, học sinh lớp 11D3 cho biết:

Em thấy Thầy rất gần gũi, quan tâm chăm sóc học sinh. Thầy như là ông Bụt của trường ạ”.

Còn với em Bùi Thu Hà, học sinh lớp 12D5, “Với dáng vẻ đạo mạo của thầy, cảm nhận đầu tiên của học sinh có phần hơi e sợ, tuy nhiên khi tiếp xúc với thầy nhiều hơn thì chúng em đều cảm thấy thầy rất gần gũi, thân thiện”.

Xúc động trước những tình cảm của các thầy cô và học sinh dành cho bố của mình, cô giáo Văn Liên Na, con gái đầu của nhà giáo Văn Như Cương cho biết:

"Được các con tổ chức lễ tri ân với triển lãm “Dấu ấn”như thế này thì chúng tôi càng thấy được trách nhiệm của mình để hình ảnh của thầy và những điều thầy làm không bao giờ phai mờ".

Cô Hiệu phó Văn Quỳnh Giao xúc động trước những hình ảnh của cha mình - nhà giáo Văn Như Cương.
Cô Hiệu phó Văn Quỳnh Giao xúc động trước những hình ảnh của cha mình - nhà giáo Văn Như Cương.

Cô Văn Quỳnh Giao, con gái thứ hai của nhà giáo Văn Như Cương, hiện đang là Hiệu phó phụ trách khối Trung học cơ sở Lương Thế Vinh cơ sở 1 bày tỏ sự cảm ơn đối với các em học sinh vì những tình cảm, những việc các em đã làm để nhớ đến thầy Cương.

Cô Giao cho biết: “Tôi cảm thấy rất tự hào và xúc động vì được là con của bố, một người thầy mà khi sống được các học trò yêu đến khi mất đi tình cảm của học trò vẫn không phai mờ mà con hơn thế nữa”.

Được biết, những giây phút cuối đời thầy Văn Như Cương vẫn hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, khi nằm trên giường bệnh thầy vẫn cố gượng dậy để theo dõi, cập nhật những tin tức về giáo dục.

Kể về những người chồng, người thầy của mình, bà Đào Kim Oanh, vợ nhà giáo Văn Như Cương cho biết:

Nhà tôi luôn trăn trở làm thế nào để những cán bộ bình thường có thể cho con học trường dân lập.

Vì thế, cứ nói là học phí cao là nhà tôi lại lo lắm, lo cho người ta là lấy tiền đâu để cho con học”.

Khi thầy Cương qua đời, để tránh lãng phí, gia đình thầy đã thông báo không nhận vòng hoa phúng viếng mà dành tiền đó để chuyển đến Quỹ Cơm có thịt của thầy Trần Đăng Tuấn xây dựng trường cho các học sinh miền núi.

Còn lại số tiền 1,5 tỷ đồng, gia đình mong muốn xây dựng Quỹ học bổng mang tên thầy Văn Như Cương dành cho những em học sinh học giỏi, các em có hoàn cảnh khó khăn.

Vương Thuỷ