Có nên bỏ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông hay không?

16/07/2015 07:02
Đỗ Tấn Ngọc
(GDVN) - Chúng ta nên nhìn nhận cho toàn diện, không vì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao ngất ngưởng, có nhiều trường, địa phương đạt 100% mà bỏ thi Tốt nghiệp.

LTS: Năm 2015 đã có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp THPT, vì chúng ta đang phấn đấu để phổ cập, các trường đều cố gắng để cho học sinh có thể đỗ tốt nghiệp.

Tuy nhiên, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng- Sơn Tịnh - Quảng Ngãi lại cho rằng, với tình hình giáo dục hiện nay của Việt Nam thì không nên bỏ kỳ thi Tốt nghiệp THPT. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này. 


Công tác coi thi của Kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 với mục tiêu vừa để công nhận kết quả tốt nghiệp vừa để xét tuyển Đại học đã hoàn tất và khâu chấm thi đang được triển khai, vào khoảng ngày 20/7 sẽ có kết quả chấm thi. 

Có thể nói, mục tiêu cơ bản cho kỳ thi, với những cải tiến, thay đổi lớn vừa rồi được quán triệt, triển khai tương đối tốt. 

Phụ huynh và học sinh giảm được nhiều áp lực, căng thẳng và tốn kém từ 2 kỳ thi riêng biệt nay chỉ còn 1 kỳ thi. 

Cách chia thành hai loại cụm thi địa phương và liên tỉnh, bước đầu đã phân luồng được khả năng học tập và lựa chọn ngành nghề thí sinh. 

Kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 có nhiều đổi mới (Ảnh: Người Lao Động)
Kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 có nhiều đổi mới (Ảnh: Người Lao Động)

Kỷ luật, kỷ cương phòng thi được xiết chặt, thực hiện đúng quy chế thì tình trạng tiêu cực, quay cóp, gian lận… Trong thi cử ở hầu hết các Hội đồng coi thi cụm liên tỉnh và cụm địa phương đã  được ngăn chặn, xử lý kịp thời, có bước chuyển biến rõ rệt so với những năm trước đây. 

Đề thi bám sát chương trình, có tính phân hóa cao, đa phần thí sinh đều làm được bài từ đề thi tự luận đến đề thi trắc nghiệm. 

Nhiều người dự đoán, nhờ có sự tham gia của kết quả học bạ năm lớp 12, cộng với mức độ đề thi ra phù hợp, dễ thở thì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay sẽ rất cao, không thua kém các năm trước và điểm tham gia xét tuyển ĐH cũng sẽ khá cao, nhất là các trường ĐH ở tốp đầu. 

Những chuyển động, thành công bước đầu của kỳ thi “2 trong 1” của ngành giáo dục được dư luận xã hội đánh giá cao. 

Tuy nhiên, những mặt tồn tại, sai sót, “hạt sạn” trong quá trình chuẩn bị, quá trình coi thi, chấm thi, về kỹ thuật, về hồ sơ, về vận dụng quy chế…. khó tránh khỏi cho lần đầu tiên tổ chức “2 trong 1”, cần kinh nghiệm nghiêm túc và các năm tới cần thay đổi, cải tiến để phù hợp, tiện ích hơn. 

Điểm đáng chú ý, sau khi công tác tổ chức coi thi kết thúc, một số nhà quản lý, nhà chuyên môn cho rằng, kỳ thi này mới chỉ đổi mới được 50%, vẫn còn gây áp lực, căng thẳng, tốn kém cho thí sinh khi phải di chuyển xa, tổ chức thi dài ngày. 

Có nên bỏ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông hay không? ảnh 2

Bỏ thi tốt nghiệp THPT: Mọi người đã hiểu sai ý của Phó Chủ tịch nước?

(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cho rằng: “Chúng ta đang rất yếu ở kiến trúc thượng tầng. Nếu không giải quyết được vấn đề này, thì những gì xử lý ở dưới chỉ mang tính nhất thời, vá víu, và vài ba năm sau nền giáo dục sẽ lại ...rối tinh rối mù lên”.

Đặc biệt, việc nhập hai mục tiêu khác nhau chung thành một xem ra không ổn, nhiều bất cập nên mạnh dạn chuyển thi tốt nghiệp THPT sang hình thức xét tốt nghiệp, giao trách nhiệm này cho các cơ sở giáo dục Nhà trường, nên chỉ giữ kỳ thi tuyển sinh Đại học hoặc nên vận dụng cách làm của Đại học Quốc gia Hà Nội với một bài kiểm tra năng lực là đủ.
 
Vấn đề đặt ra ở đây là có nên bỏ kỳ thi Tốt nghiệp THPT hay không?         

Tôi cho rằng, đối với đặc thù giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện tại thì chưa thể bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT này được. 

Vì học sinh Việt Nam lâu nay (kể cả người lớn) luôn thường trực tư tưởng tiêu cực: “không thi, không học”, học lệch, thiếu toàn diện, căn cơ; ý thức tự học, tự trau dồi tri thức phổ thông của con trẻ chúng ta còn rất thấp.

Mặt khác, một số người có tư duy, suy nghĩ, thi tốt nghiệp mà đỗ gần hết, loại ra được mấy thí sinh thì cần gì thi nữa, giao hẳn cho trường xét công nhận là xong, đỡ áp lực, tốn kém cho phụ huynh, học sinh, nhà nước biết mấy.  

Quan điểm của người thầy giáo đang quản lý và dạy học ở bậc THPT, tôi thiết nghĩ, chúng ta nên nhìn nhận cho toàn diện, thấu đáo vấn đề, không vì tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao ngất ngưởng, có nhiều trường, địa phương đạt 100% mà bỏ thi tốt nghiệp. 

Bởi lẽ, có một đợt sát hạch, kiểm tra sau 12 năm học phổ thông là cần thiết để đánh giá được một số mặt về chất lượng dạy và học của thầy và trò. Nó cũng là động lực quan trọng của mục tiêu giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dạy và người học. 

Soi vào thực tế, nhiều năm nay, bỏ thi tốt nghiệp THCS, chuyển sang xét công nhận, bên cạnh mặt tích cực, đúng đắn thì ở bậc học này đang bộc lộ “sức ỳ” thấy rõ trong dạy học của thầy và trò. 

Không ít học sinh lớp 9 có biểu hiện học lệch, chỉ tập trung đầu tư học mấy môn thi tuyển sinh vào 10 (đối với các địa phương vẫn duy trì hình thức thi tuyển), còn những môn học khác, môn “phụ” thì học sơ sài, qua loa, thậm chí bỏ luôn. 

Nhà trường THCS thiếu đi một căn cứ, tiêu chí quan trọng để đánh giá, nhìn nhận hoạt động giáo dục của mình trong hoàn cảnh nhiều giáo viên còn dễ dãi, tháo khoán, nhiều nhà trường còn chạy theo bệnh thành tích.

Hơn nữa, phần lớn các quốc gia trên thế giới, nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, phát triển, dân trí cao vẫn duy trì hình thức thi tốt nghiệp bậc THPT. Bởi, họ nhận thấy tính cần thiết, tính đúng đắn, tác động tích cực của hình thức sát hạch đó đối với quá trình phát triển của giáo dục. 

Thi tốt nghiệp THPT cần tiếp tục duy trì, song ngành giáo dục nên hoàn thiện, cải tiến hơn nữa về kỹ thuật, hồ sơ, đề thi, đặc biệt công tác coi thi, chấm thi để đảm bảo tính nghiêm túc, công bằng cho mọi thí sinh. 

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn riêng của tác giả.

Đỗ Tấn Ngọc