Vụ Tiến sĩ văng tục:

Có nên cho phép giảng viên "văng tục có văn hóa" trên bục giảng?

18/03/2012 06:00
Độc giả Vĩnh Hoàng (nhvinhloc@yahoo.com)
(GDVN) - Sau sự kiện TS Lê Thẩm Dương, cư dân mạng đang nổi lên làn sóng tranh luận gay gắt xung quanh vấn đề này. Báo GDVN xin tiếp tục đăng tải thêm một bài viết của độc giả Vĩnh Hoàng (nhvinhloc@yahoo.com). Bạn đọc có thể gửi ý kiến tranh luận của mình về tòa soạn theo địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn
Sự kiện Tiến sĩ (Ts) Lê Thẩm Dương có những lời nói được cho là “văng tục” trong buổi giảng tối ngày 15/2 vừa qua tại Viện Quản trị doanh nghiệp (FBS) thuộc trường Đại học (FPT) đang nổ ra tranh luận gay gắt trên cộng đồng mạng. 
TS Lê Thẩm Dương
TS Lê Thẩm Dương


Đa phần ý kiến từ các nhà giáo có học hàm, học vị, những nhà quản lý giáo dục và không ít thành viên cộng đồng mạng phản đối phương pháp giảng dạy như thế vì cho rằng nó phản cảm, phản sư phạm, phi giáo dục… Một thành viên có nickname Rabuky đã bình luận: “Rồi đây thầy giáo tha hồ văng tục, rồi học sinh tha hồ văng tục, nhà nhà văng tục, người người văng tục, và giáo dục dạy con người văng tục ”.
Tuy nhiên hầu hết ý kiến của các thành viên cộng đồng mạng thì lại nhiệt tình ủng hộ và ra sức bảo bệ cho TS Dương vì cho rằng, dạy như thế mới hay, mới cuốn hút sinh viên, mới không buồn ngủ, mới thực tế, dễ hiểu, đâu có gì là văng tục, còn hơn học với mấy Giáo sư, Tiến sĩ gây mê, chuyên đọc slide...
Vậy thì nên cấm hẳn hay cho phép giảng viên được “văng tục có văn hóa” khi đứng trên bục giảng?
Ai cũng biết rằng, truyền thống của người Việt từ ngàn đời nay là truyền thống “hiếu học và tôn sư trọng đạo”. Đấy là truyền thống tốt đẹp và cao quý của cả dân tộc có được nhờ lịch sử giáo dục hàng ngàn năm qua. Nếu không nhờ có truyền thống đó thì liệu Việt Nam có được nhiều danh nhân kiệt xuất được cả thế giới và dân tộc kính trọng hay không? 
Chúng ta cũng đừng vội vã cho rằng những suy nghĩ như vậy đã lỗi thời và không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi mà Việt Nam đã thật sự hội nhập hoàn toàn với thế giới, cho nên tất yếu giáo dục cũng sẽ phải chịu tác động cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực, vì thế mà truyền thống này liệu có còn giữ được hay không?

Tôi cho rằng, cho dù Việt Nam đã đứng vào hàng ngũ các nước công nghiệp phát triển đi chăng nữa, cả dân tộc cũng phải cố giữ cho được truyền thống ấy. Nếu không giữ được thì chúng ta mắc tội với chính chúng ta.

Phải chăng sự xem nhẹ truyền thống ấy xuất phát từ một bộ phận không nhỏ những người làm giáo dục và cả người học quá thực dụng khi xem trọng đồng tiền hơn là những giá trị do giáo dục mang lại cho họ trong việc hình thành nhân cách một con người, cũng như là những hành trang kiến thức giúp họ tự tin bước tiếp con đường mà họ đã chọn?
Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, giáo dục Việt Nam cần phải thay đổi nhiều hơn nữa mới hy vọng theo kịp với nền giáo dục tiến tiến ở các nước phát triển và hiện nay chúng ta đang nỗ lực ra sức thay đổi toàn diện về giáo dục, trong đó có việc thay đổi về phương pháp giảng dạy Đại học.
Thế nhưng có phải vì thay đổi phương pháp giảng dạy Đại học mà cho phép người thầy được phép văng tục, chửi thề, kích thích sự tò mò của người học bằng những mẫu chuyện đời thường về phòng the, quan hệ nam nữ… trên bục giảng hay không, cho dù người thầy đã rất khéo léo trong việc lồng ghép vào bài giảng?

Chắc chắn rằng không ở đâu trên trái đất này lại cho phép người thầy được kể hay nói những chủ đề nhạy cảm đó trước mặt người học. Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp ở các trường Đại học danh tiếng trên thế giới không cho phép người thầy phân biệt chủng tộc, giới tính và đề cập đến chủ đề sex trong lớp học.
Xét về phương diện quản lý nhà nước, không có quy định nào của Nhà nước lại cho phép người thầy nói riêng, công chức nói chung có những lời nói khiếm nhã như vậy nơi công sở.

Chẳng hạn như Quy chế văn hóa công sở do chính phủ ban hành quy định ngôn ngữ giao tiếp của công chức phải rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, nói tiếng lóng, quát nạt.

Mặt khác, quy tắc ứng xử và đạo đức nhà giáo cũng đòi hỏi các nhà giáo cần thận trọng trong mọi hành vi, và vấn đề gương mẫu nên được coi là vấn đề số một của nghề dạy học.

Do đó cho dù là chương trình ngoại khóa hay chỉ đơn thuần là trao đổi, trò truyện như uống café với nhau thì khi đã đứng trên bục giảng, người thầy cũng phải tuân thủ theo đúng những quy định của Nhà nước, chuẩn mực và tác phong người thầy.
Xét khía cạnh văn hóa, đồng ý rằng rất nhiều người Việt chúng ta rất hay thích nói chuyện về văn hóa tình dục vào những lúc nào họ thấy có thể như ở cơ quan, công sở, với bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong gia đình… Do đó việc một vài giáo viên nào đó có cá tính hay ưa thích nói chuyện về tình dục thì việc họ có chủ ý lồng ghép những mẫu chuyện hay chủ ý có những lời nói về chủ đề nhạy cảm như vậy trong những bài giảng của họ là điều không quá bất ngờ với nhiều đồng nghiệp của họ.

Vấn đề là họ phải biết sử dụng gia vị đó như thế nào cho thích hợp với khẩu vị của từng đối tượng và biết kiểm soát nhục cảm của bản thân. Nếu như họ cứ sử dụng một cách bừa bãi vào bất cứ lúc nào, toàn bộ giờ lên lớp đều nói những chuyện ngoài chuyên môn, mua điểm người học và mua danh bằng những tiếng cười nhạt nhẽo như vậy thì rõ ràng họ đáng phải bị lên án và bị xử lý.
Sẽ là không công bằng khi một bên là những thầy cô giáo ra sức nghiên cứu và truyền đạt kiến thức chuyên môn cho người học nhưng họ không thích hoặc không có năng khiếu kể chuyện hay bình phẩm về những chủ đề nhạy cảm thì bị quy chụp là khô khan, nhàm chán, dạy dở, gây mê… Với một bên là sự dung tục hóa đến mức tầm thường hóa người thầy thì được tung hô cho rằng dạy như vậy mới là hay, mới là đỉnh, mới thực sự cuốn hút, lôi kéo sinh viên đến giảng đường…

Cũng có những người thầy rất thành công trong việc biết kết hợp giữa kiến thức chuyên môn với những mẩu chuyện đời thường vui nhộn nhưng đầy thâm ý và cũng đã làm cho buổi học đầy ấp tiếng cười, chứ đâu cần phải sử dụng chiêu thức lôi kéo người học bằng những mẩu chuyện tầm thường đến như vậy?
Tuy nhiên không phải người học hay bất cứ ai đang ở xung quang bạn cũng đều có sở thích như vậy. Sẽ có những người đỏ mặt tía tai hoặc tỏ ra bực tức khi nghe thấy những lời lẽ tục tĩu phát ra từ bạn. Do đó khi đã có những lời nói hay cử chỉ làm cho một người học nào đó trong lớp cảm thấy khó chịu, người thầy phải lập tức điều chỉnh ngôn từ và cử chỉ bản thân, chứ không thể xem thường họ và cho rằng không thích thì đi về chứ đừng ngồi nghe như có ý kiến đã bình luận như vậy.
Do đó nếu những thầy cô giáo cứ xem đây là chuyện bình thường và là cá tính của mỗi người và nếu như các nhà quản lý giáo dục không xem xét để chấn chỉnh thì khi có những sự kiện tương tự xảy ra, chúng ta lại phải tốn công sức để xem xét xem như vậy có phải là hành vi văng tục của người thầy khi đứng trên bục giảng hay không? và có cần phải xử lý kỷ luật hay không?
Mặt khác một khi nó đã trở thành trào lưu được nhiều giảng viên hưởng ứng trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy đại học ở Việt Nam, thì việc người thầy cứ tự do văng tục, chửi thề, kể chuyện quan hệ nam nữ, chửi bới chính sách… nhằm mục đích lôi kéo người học và khuyếch trương tiếng tăm thì liệu rằng chất lượng giảng dạy Đại học ở Việt Nam có được cải thiện hay lại ngày càng đi xuống?

Độc giả Vĩnh Hoàng (nhvinhloc@yahoo.com)