Có nhóm học trò tìm cách đưa thầy cô vào bẫy để quay phim, chụp hình

08/04/2017 06:56
Phan Tuyết
(GDVN) - Một số học sinh cá biệt đã rủ nhau đưa thầy cô vào “bẫy” để trả thù cũng không còn là chuyện hiếm. Thôi thì đủ kiểu như khiêu khích, nói lời hỗn hào...

LTS: Liên quan đến vấn đề bạo lực giữa giáo viên với học trò, cô giáo Phan Tuyết chỉ ra tình trạng học sinh ngày càng tinh quái với nhiều kiểu "gài bẫy" thầy cô.

Một số học sinh còn bày cách chọc giận thầy cô để quay clip nếu thầy cô mất bình tĩnh với học trò.

Qua đó, cô giáo Phan Tuyết cho rằng, với mỗi sự việc, hiện tượng công luận nên tìm hiểu kĩ để có những đánh giá công tâm nhất.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Cô con gái đi học về kể với tôi: “May cho thầy Vinh mẹ ạ, mấy bạn lớp con bẫy thầy để quay phim, ghi âm tung lên mạng nhưng tự nhiên hôm nay thầy lại rất hiền.

Con sợ hôm nào đó bọn chúng canh me thầy cũng sẽ mắc bẫy thôi”.

Qua lời kể của con, tôi biết thầy Vinh là giáo viên Thể dục. Thầy dạy học rất nghiêm khắc nên một số học sinh lười học bị thầy nhắc nhở đâm ra ghét thầy.

Những học sinh này vốn xem thường môn Thể dục nên khi vào tiết học chẳng đứa nào chịu nghe, chịu học. 

Có đứa còn cự nự “Môn này có thi đâu sao thầy làm dữ vậy?” hoặc “Học giỏi thể dục mà dốt những môn kia cũng chẳng thể thi đậu trường nào phải không thầy?”.

Học trò ngày càng nghịch ngợm và tinh quái. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Học trò ngày càng nghịch ngợm và tinh quái. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Thế rồi, thầy thường phạt những học trò hay vi phạm, khi thì chạy vài vòng trên sân, khi lò cò, thụt dầu tại chỗ… Thế mà chúng vẫn chứng nào tật nấy. Vào giờ học đã không tập trung còn phá bĩnh nhiều học sinh khác. 

Thấy trò quá hỗn hào, vô lễ, thầy đã dùng thước quất cho mỗi đứa mấy roi. “Học trò bây giờ tinh quái thật” không ít người đã nhận định như thế quả thật không sai. 

Chúng biết được nếu thầy cô la mắng hay dũng vũ lực với trò dưới bất cứ hình thức nào, cũng đều vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Vì thế, một số học sinh cá biệt đã rủ nhau đưa thầy cô vào “bẫy” để trả thù cũng không còn là chuyện hiếm.

Thôi thì đủ kiểu như khiêu khích, nói lời hỗn hào khó nghe cùng với thái độ xấc xược, thách thức không ít giáo viên đã mất bình tĩnh, muốn dạy cho trò biết lễ nghĩa nên tạt tai, đánh đòn hoặc lên giọng quát nạt đã bị một số học sinh khác mở ghi âm hay quay lại. 

Thế rồi những đoạn ghi âm, đoạn phim ấy rò rỉ trên mạng người ta chỉ thấy thầy cô lớn tiếng, thấy cây thước được vung lên… 

Những hình ảnh ấy đã đẩy thầy cô vào thế “tình ngay lý gian” mà không thể nào tự bào chữa, thanh minh cho mình được.

Có nhóm học trò tìm cách đưa thầy cô vào bẫy để quay phim, chụp hình ảnh 2

Cô rất buồn, Cô đã không thể làm khác!

Nói thế không có nghĩa là tôi cổ xúy cho việc giáo viên dùng vũ lực với học sinh. 

Chuyện thầy cô phạt roi học trò như cô giáo ở tỉnh Nghệ An vừa làm với 25 em học sinh trong lớp vì điểm kém, cô giáo ở Phan Thiết - Bình Thuận dùng roi quất vào đầu học sinh khi em tiếp thu bài chậm, cô giáo ở Lào Cai đánh bầm mặt học sinh khi em viết bài sai… 

Những hành động bạo hành học sinh như thế lại khác xa với việc thầy H quất một roi vào mông em lớp 11 ở Thủ Thiêm Sài Gòn. 

Việc thầy H cho học trò nằm trên bàn, giơ roi quất vào mông cũng cho thấy thầy đang rất bình tĩnh, chuyện thầy phạt roi như việc răn dạy học trò biết chăm ngoan hơn. 

Thầy phạt trò trong tình yêu thương của người làm cha mẹ như thế lẽ nào lại không được cảm thông? 

Ấy vậy mà sau khi sự việc được ghi hình đưa lên thầy H đã phải đến nhà xin lỗi phụ huynh và đang đối diện với nguy cơ bị kỉ luật. Có điều gì đó nghe cũng thấy xót xa trong lòng. 

Còn với những giáo viên vừa nêu trên kia, đã đánh trò thiếu đi sự bình tĩnh, đánh trong cơn giận dữ sao có thể hàm chứa được tình thương? 

Chính cơn nóng giận đã làm lu mờ ý chí, lúc ấy giáo viên dùng bạo lực trút xuống đầu trò để khỏi cơn bốc hỏa trong người.

Phạt trò trong tâm thế ấy, không thể bào chữa cho việc “thương cho roi cho vọt” như nhiều người thường nói.

Một một sự việc, một hiện tượng nhưng đôi khi bản chất lại hoàn toàn khác nhau. Bởi thế, cái nhìn của công luận cũng rất cần sự công tâm.

Phan Tuyết