Cô ơi là con đấy ạ!

05/11/2018 07:37
Phan Tuyết
(GDVN) - Là giáo viên, nhiều thầy cô luôn đau đầu khi hằng ngày phải đóng vai quan tòa phân xử những vụ “tranh chấp”, “kiện tụng” của đám học sinh lớp mình.

LTS: Cô giáo Phan Tuyết chia sẻ với bạn đọc hai câu chuyện về cách ứng xử tế nhị, rất tâm lý và giàu lòng nhân ái của giáo viên với lỗi lầm của học sinh.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.                                   

Là giáo viên, nhiều thầy cô luôn đau đầu khi hằng ngày phải đóng vai quan tòa phân xử những vụ “tranh chấp”, “kiện tụng” của đám học sinh lớp mình.

Đóng vai công an để điều tra những vụ mất cắp tiền, đồ dùng học tập một cách bí ẩn.

Và thầy cô phải vắt óc để tìm ra thủ phạm vừa thu hồi “tang vật”, vừa răn đe, giáo dục các em tính thật thà.

Thường thì những vụ mất cắp cũng chẳng dễ tìm ra vì nhiều em khá nhanh nên đã biết cách cất giấu.

Tuy giá trị bị mất đôi khi không lớn nhưng nếu không được chấn chỉnh kịp thời cái tính xấu sẽ ngấm vào người, biến các em thành những con người gian dối.

Nhưng nếu thầy cô không ứng xử phù hợp cũng sẽ chấm dứt con đường học tập của không ít học sinh.

Giáo viên có những ứng xử phù hợp sẽ khiến học sinh thấy sai mà sửa chữa sai lầm. Ảnh minh hoạ: https://giaoducthoidai.vn
Giáo viên có những ứng xử phù hợp sẽ khiến học sinh thấy sai mà sửa chữa sai lầm. Ảnh minh hoạ: https://giaoducthoidai.vn

Khi trong lớp có chuyện mất cắp xảy ra, thầy cô giáo có muôn vàn cách để điều tra.

Thế nhưng không phải ai cũng có những ứng xử phù hợp để học trò nhận thấy sai mà sửa chữa.

Một số giáo viên mãi truy tìm “thủ phạm” mà quên đi việc bảo vệ danh dự cho học sinh trót mắc sai lầm.

Một cách xử sự vô tình dẫn đến chuyện có em phải nghỉ học giữa chừng vì “không còn mặt mũi nào đến lớp”.

Ngược lại, có thầy cô lại vô cùng tế nhị, không chỉ bắt được “thủ phạm” còn khiến các em nể trọng, tâm phục khẩu phục.

Nhờ đó, không ít em đã biết sửa những lỗi lầm của mình.

Người viết bài đã lượm lặt một số câu chuyện ứng xử khéo léo với sai phạm của một số học sinh được đồng nghiệp kể lại cho nhiều giáo viên học hỏi.

Câu chuyện thứ nhất “con chỉ đóng giùm tiền cho bạn đúng không?”

Cô ơi là con đấy ạ! ảnh 2Thưa cô, đố cô biết, nhà em nuôi mấy con bò ạ?

Cô Thanh kể rằng, hôm ấy vừa vào lớp (lớp 1). Một học sinh nam bước lên nói “cô ơi con đóng tiền học buổi chiều”.

Cậu bé mang lên 100 ngàn đồng. Cô thoáng chút bất ngờ vì tháng này nhà Nam lại đóng tiền sớm thế.

Thường thì đã qua tháng vài tuần cộng với sau vài ba lần gọi điện, Nam mới mang tiền nộp dù gia đình em chẳng khó khăn gì.

Bất ngờ phía cuối lớp học vang lên tiếng khóc tức tưởi. Lại gần hỏi, Dũng thổn thức “mẹ đưa cho con nộp tiền học, con để trong cặp giờ ai lấy mất rồi”.

Tình huống này gay đây, vì mỗi khi lớp học xảy ra chuyện mất cắp việc tìm ra ai lấy chẳng hề đơn giản. Nhiều tiếng học sinh vang lên “lục cặp thôi cô ơi!”

Cô Thanh nói mình không thể làm như cách nhiều thầy cô vẫn áp dụng là cho lục soát cặp sách của cả lớp.

Cô cũng không làm căng, chất vấn, truy hỏi hay nạt nộ sẽ làm cho “thủ phạm” sợ và càng khó điều tra.

Đang suy nghĩ làm sao cho vẹn toàn, bỗng một học sinh đứng lên thưa “khi giờ ra chơi con thấy bạn Tuấn lục cặp bạn Dũng”(Tuấn chính là cậu bé vừa lên nộp tiền học).

Một manh mối le lói. Tuấn bất ngờ phản ứng mạnh mẽ “con không có lấy”.

Dù thế, quan sát Tuấn cô Thanh thấy thái độ của em có gì hơi bất thường.

Cô Thanh nhìn cả lớp tươi cười và nói lớn “đúng rồi! bạn Tuấn không có lấy, bạn chỉ nộp tiền học giùm cho bạn Dũng thôi. Đúng không con?”

Tuấn đứng lên đáp nhỏ “dạ. Con nộp giùm bạn Dũng”. Cả lớp nhao nhao “đồ ăn cắp!” “Ăn cắp xấu lắm!”

Tuấn cúi gằm mặt không nói gì, cô Thanh nói với cả lớp “Bạn Tuấn lấy tiền nộp dùm bạn Dũng thôi, cô ghi tên bạn Dũng đây nè”.

Giờ tan học, cô nói nhỏ vào tai Tuấn “con ở lại cho cô gặp một lúc”.

Khi các bạn ra về, cô nói với Tuấn “em đã phạm hai lỗi. Đó là lục cặp bạn và lấy tiền của bạn”.

Hôm nay, con tự nhận lỗi nên cô không phạt. Cô không nói với các bạn chuyện này nhưng con hãy nhớ để lần sau đừng tái phạm nữa”.

Và kể từ đó, không ít lần nhặt được tiền rơi ngoài sân trường, em đều mang lên phòng Đội để thông báo trả lại cho người mất.

Câu chuyện thứ hai "Cô ơi! Là con đấy ạ"

Cô ơi là con đấy ạ! ảnh 3Yêu cầu 100% trường học phải xây dựng bộ Quy tắc văn hóa ứng xử

Cô Thùy, giáo viên dạy trung học cơ sở, kể rằng cũng nhờ việc ứng xử khéo léo cô đã giúp một học sinh hối lỗi và một học sinh khác không lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi mất đi món tiền với em là khá lớn.

Hôm ấy có tiết dạy ở lớp chủ nhiệm. Vào lớp thấy vắng cô bé Như, lớp trưởng nói rằng ngày qua ở lớp, bạn ấy bị mất toàn bộ tiền đóng học nên bạn ấy nói có lẽ sẽ nghỉ học luôn.

Cô đã liên lạc với bà của Như và được biết “ngày qua đi học về, Như nói con sẽ phải nghỉ học thôi vì số tiền nội đưa đóng học đã bị bạn nào lấy hết”.

Nội cô bé cũng nói giờ thì chẳng biết sẽ lấy tiền đâu mà đóng cho trường…

Cô giáo đã khuyên nội cứ cho Như đi học, chuyện tiền mình sẽ sắp xếp được.

Cô Thùy nói mình đã biết hoàn cảnh của Như. Ba mẹ bỏ nhau và mỗi người đều có gia đình riêng. Như ở với nội, bà cháu tự đùm bọc nhau để sống.

Hằng ngày, bà đi bán vé số, cái lưng còng cúi gần sát đất nên đi lại cũng chẳng lanh lẹ gì. Dù bán suốt ngày cũng chỉ đủ hai bà cháu ăn uống qua ngày.

Cóp nhóm được chút xíu để đóng tiền học và thuốc men khi trái gió trở trời.

Thế nên gần một triệu đồng bà đưa Như đóng tiền học, bà cũng phải để dành mấy tháng trời mới có được. Giờ thì chẳng biết sẽ lấy tiền ở đâu mà nộp.

Trở lại lớp, cô Thùy kể câu chuyện gia cảnh của Như, nỗi khốn khổ khi em phải sống xa cha mẹ.

Sự thiếu thốn tinh thần cộng với điều kiện kham khổ về vật chất nên mất đi số tiền ấy Như đành phải nghỉ học.

Không khí lớp học chùng xuống, nhiều bạn buồn bã đưa mắt nhìn nhau, có cả tiếng sụt sịt cuối lớp.

Cô nói tiếp “cô biết bạn nào lở lấy tiền của bạn giờ biết rõ hoàn cảnh này cũng đang ân hận lắm đây. Chắc chắn bạn đang muốn trả lại tiền cho bạn nhưng chưa biết làm cách nào. Giờ cô gợi ý nhé. 

Cả lớp hồi hộp, cô Thùy tiếp lời “Cô phát cho cả lớp mỗi bạn một tờ giấy, các em ghi suy nghĩ của mình vào đây và nộp lại cho cô”. 

Sau khi mở 50 mảnh giấy, cô Thùy cảm thấy thất vọng vì gần như đọc được câu trả lời con không có lấy.

Bất ngờ ở tờ giấy cuối cùng trông có vẻ nhàu nhỉ hơn “cô ơi, là con đấy ạ”.

Cô Thùy nói viết câu này ra cô học trò này phải đắn đo dữ lắm nên vày vò tờ giấy đến nhàu đi.

Hôm sau, cô đã bí mật gặp riêng em và nhận lại khoảng 2/3 số tiền vì em đã trót xài rồi.

Cô nói mình sẽ bù vào số tiền thiếu hụt ấy nhưng em hãy hứa với cô đừng bao giờ làm thế nữa vì tính tắt mắt rất xấu và ai cũng ghét.

Nhiều năm học sau dù không học cô nữa nhưng cô bé vẫn thường xuyên đến thăm cô.

Có lần cô bé nói "nếu ngày ấy, cô công khai tên của em trước lớp chắc em chỉ còn nước nghỉ học vì xấu hổ với bạn bè".

Giờ thì cô bé ấy cũng là đồng nghiệp với cô. Chắc chắn cô bé cũng đã học được cách ứng xử đầy nhân văn của cô giáo mình.

Chuyện riêng của quá khứ sẽ mãi là bí mật của hai cô trò.

Phan Tuyết