Còn bệnh thành tích, còn nặng về hình thức thì đổi mới thế nào?

21/01/2016 06:00
Bùi Mai
(GDVN) - Kết thúc mỗi học kỳ, học sinh lo lắng với những bài kiểm tra cuối kỳ, giáo viên cuống cuồng “chạy” chuẩn bị cho đợt kiểm tra hồ sơ của Ban giám hiệu.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của cô giáo Bùi Mai (Vĩnh Phúc) mạnh dạn nêu lên những bất cập trong ngành giáo dục hiện nay. Giáo dục hô hào đổi mới căn bản toàn diện trong khi những bất cập thì chưa được quán triệt.
 
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Không ít thầy cô phải đau đầu vì “cân đối” điểm cho học sinh, nếu đánh giá đúng năng lực học trò bằng điểm số thực mà quá thấp sẽ bị Ban giám hiệu phê bình, hoặc không đạt chỉ tiêu đăng ký hồi đầu năm học sẽ khiển trách. 

Đó là lý do khiến thầy cô phải cân đối điểm số để đủ chỉ tiêu cho từng mức học lực như đầu điểm Yếu, Trung Bình, Khá, Giỏi. 

Chuyện này gây khó khăn nhất đối với những giáo viên mới về trường hoặc giáo viên vừa ra mới ra trường. Do cho điểm “thẳng tay” nên gần một nửa số học sinh trong một lớp bậc THCS bị điểm Yếu. 

Sau khi hoàn thành sổ điểm, các anh chị đi trước truyền kinh nghiệm: “Em để nhiều học sinh điểm Yếu thế kia kiểu gì sếp cũng mắng cho. Cùng lắm thì một khối có 100 học sinh thì chỉ được để 4 đến 5 học sinh Yếu thôi. Nâng điểm lên đi”. 

Còn bệnh thành tích, còn nặng về hình thức thì đổi mới thế nào? ảnh 1
Còn bệnh thành tích, còn nặng về hình thức thì đổi mới thế nào? (Ảnh: laodong.com.vn)

Và như vậy, điểm 2 cũng thành điểm 5, điểm 4 trở thành điểm 6… để cố gắng đạt chỉ tiêu cấp trên giao, để không bị sếp mắng.

Người giáo viên hàng đêm đau đầu tìm cách nâng điểm cho học sinh để đạt chỉ tiêu, hoàn thành nhiệm vụ, không bị phê bình vì chất lượng học sinh. 

Chính vì vậy, cứ cuối kì học, cuối năm học giáo viên lại cuống cuồng lo hồ sơ cho đầy đủ, sạch đẹp để lãnh đạo kiểm tra. Nào là sổ điểm, sổ chủ nhiệm, sổ kế hoạch giảng dạy, sổ thiết bị phòng học, sổ dự giờ, sổ hội họp, giáo án… tất cả được chuẩn bị tinh tươm. 

Tuy nhiên, nếu đó là sự chuẩn bị từ trước, là quá trình nghiên cứu khi giảng dạy đúc rút được thì rất đáng hoan nghênh và hoàn toàn hợp lý. Nhưng hầu hết hiện nay, sổ nào giáo viên cũng mượn lẫn nhau để “chép” cho đủ số lượng. 

Sổ hội họp chép, sổ kế hoạch cũng không thể tự làm, sổ dự giờ theo quy chế yêu cầu mỗi giáo viên phải dự 1-2 tiết/tuần. Có nghĩa là kết thúc học kỳ ít nhất giáo viên cũng phải dự được 17, 18 tiết. Nhưng thực tế, số tiết đi dự đếm trên đầu ngón tay. 

Còn bệnh thành tích, còn nặng về hình thức thì đổi mới thế nào? ảnh 2

Lương tâm cắn rứt của người giáo viên dạy trường chuẩn quốc gia

(GDVN) - Chỉ vì 4 chữ “trường chuẩn quốc gia” mà nhiều lúc giáo viên tự hỏi: Tại sao tình thầy trò là có thật, trường thật, dạy học trò là thật…mà đánh giá lại ảo.


Để có đủ số tiết theo quy định thì giáo viên mượn giáo án của nhau để chép, miễn sao không trùng với tiết dạy của mình còn hoạt động thì “phiên bản” theo ý hiểu của người chép. Ấy thế là, cuối kì hồ sơ của ai cũng đầy đủ, hoàn thành, sổ điểm của ai cũng đẹp. 

Như vậy, giáo viên đã mắc lỗi từ “cân đối” điểm cho học sinh đến cách làm việc hình thức chung quy cũng chỉ vì đợt kiểm tra của lãnh đạo. 

Bệnh thành tích như vậy, làm việc mang nặng tính hình thức như thế thì thử hỏi đổi mới căn bản toàn diện ở đâu?

Để giải quyết “vấn nạn” này là rất khó vì tùy thuộc vào ý thức, trách nhiệm của mỗi giáo viên. Cho nên, chỉ có kiểm tra “đột xuất”, kiểm tra hàng ngày, hàng giờ tránh tình trạng hết cả kỳ mới kiểm tra thì ngành giáo dục mới mong muốn đổi mới được. 

Bùi Mai