Con chán học rồi mẹ ơi!

24/12/2017 06:25
Thảo Ly
(GDVN) - Chúng ta hô hào khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” thế mà không ít đứa trẻ miệng còn hôi sữa phải thốt lên “con chán học”, “con mệt mỏi quá rồi".

LTS: Từ câu chuyện của một người bạn, tác giả Thảo Ly đã có những phản ánh về tình trạng các em học sinh ở bậc tiểu học hiện nay phải chịu nhiều áp lực từ việc học hành và điểm số, từ đó dẫn đến tâm lý chán nản, không muốn đến trường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cậu con trai của cô giáo Hòa năm nay học lớp 1 của một trường điểm. Cô Hòa nói rằng, hôm qua đi học về, bé phụng phịu nói với mẹ “con chán học rồi mẹ ơi! Mai con không đi học nữa, mẹ cho con ở nhà luôn nha”.

Thấy lạ, cô Hòa hỏi con “Sao thế? Mấy hôm trước con chẳng thích đến trường lắm mà?” Nghe mẹ nói thế, bé đáp liền “thì hôm trước học còn vui, lên trường còn được đóng kịch, múa hát. Nay toàn phải học toán, viết bài mà học toán khó quá, con chán rồi”.

Mở sách con ra, bản thân là giáo viên nhưng cô cũng giật mình vì đề toán quá khó so với trình độ của những đứa trẻ như con. Cô nghĩ “cô giáo ra đề cho phụ huynh chứ học trò các con làm sao cho nổi?”.

Bài 1: Có tất cả bao nhiêu số lớn hơn 42 nhưng nhỏ hơn 76?

Bài 2: Hoa hỏi Lan: "Năm nay mẹ bạn bao nhiêu tuổi?"
Lan trả lời: "Mẹ tớ kém bố tớ 5 tuổi, tuổi của bố tớ là số liền trước số 40."
Hỏi năm nay mẹ Lan bao nhiêu tuổi?

Con chán học rồi mẹ ơi! ảnh 1Con sợ học thêm trên trường lắm rồi!

Cô Hòa đã phải giảng cho con đến nhiều lần nhưng Bé vẫn cứ ngu ngơ. Thương con cô nói mình cũng chẳng ép nhiều.

Đâu chỉ mình trò lớp 1 cảm thấy chán ngán học mà tất cả học sinh từ khối 2 đến khối 5, ngày thường học còn hào hứng nhưng gần đến thời gian thi học kì, em nào em nấy nhìn cứ bơ phờ như người thiếu ngủ đói ăn.

Một số giáo viên cho biết: “Học sinh hàng ngày vừa học vừa chơi. Kiến thức trong sách giáo khoa cũng đã giảm tải hết những bài toán khó.

Nhưng cuối kì lại kiểm tra bằng điểm số, bài kiểm tra chiếm đến 40% kiến thức nâng cao bên ngoài. Hỏi thế sao giáo viên không lo lắng cho được? Đặc biệt học sinh học chương trình VNEN thì thầy cô phải đầu tư công sức gấp mấy lần.

Những tuần gần thi, trường học nào giáo viên cũng miệt mài ôn tập cho học sinh. Suốt buổi lên trường thầy cô chủ nhiệm chỉ ở trong lớp bắt trò học Toán, tiếng Việt. Những môn Âm nhạc, Kĩ thuật, Thể dục, Mĩ thuật…đều được thầy cô xin để ôn tập. Giáo viên phô tô hàng tập đề kiểm tra (lấy trên mạng) để học sinh ôn luyện cho quen.

Học trò có lực học khá tốt còn đỡ, không ít em có lực học yếu, trung bình thì vô cùng vất vả. Trước đó, trò học như chơi. Vào lớp tự do thảo luận, không bài tập về nhà, không có điểm kiểm tra thường xuyên nhưng cuối kì phải có bài kiểm tra chấm bằng điểm số. Nói như một vài giáo viên “chơi cả học kì giờ phải tăng tốc ôn tập mới mong vớt vát được điều gì”.

Khổ nỗi đâu chỉ ôn kiến thức trong sách giáo khoa. Giáo viên phải tập hợp tất cả những dạng toán có trong cuốn Violimpic để giảng cho trò.

Khổ nỗi thầy cô càng giảng, trò càng trơ ra vì chẳng hiểu gì. Học sinh khối 1, 2 còn đỡ, học sinh khối 4, 5 nhiều bài toán hóc búa giáo viên đôi khi giải trầy trật mãi mới xong thì nói gì đến việc giảng giải để trò hiểu và làm được.

Có phụ huynh thấy con vật vã quá đã lên đề nghị thẳng thừng “nó học được gì thì học, cô đừng ép nó”.

Để kịp giờ học thêm, nhiều em học sinh phải ăn vội trên xe (Ảnh minh họa: HỮU KHOA).
Để kịp giờ học thêm, nhiều em học sinh phải ăn vội trên xe (Ảnh minh họa: HỮU KHOA).

Một số phụ huynh khác muốn con không thua ai nên đã đem con gửi những giáo viên chuyên dạy toán nâng cao.

Hàng ngày, sau giờ tan trường, con chưa kịp ăn uống gì nhưng ba mẹ vẫn chở thẳng tới lò luyện cho bé học rồi về ăn sau.

Có em được mẹ mua cho ổ bánh mì vừa ngồi sau xe vừa gặm. Em sang hơn được vào quán ăn ven đường lùa vội lùa vàng tô hủ tíu, hay bánh canh gì đó.

Thế rồi vào lớp lại làm đề, giáo viên sửa, lại làm hết đề này đến đề khác cho đến khi hết giờ học mới thôi.

Chúng ta cứ hô hào, cứ căng khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một niềm vui” thế mà không ít đứa trẻ miệng còn hôi sữa cứ phải thốt lên “con chán học”, “con mệt mỏi quá rồi mẹ ơi!” hay “ước gì con được ngủ một giấc đã đời mà không phải đi học”. Hóa ra câu khẩu hiệu kia mãi chỉ là khẩu hiệu thôi sao?

Thảo Ly