Còn chế độ thủ trưởng nhà trường thì quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ bị vô hiệu hóa

26/12/2017 14:33
Nguyễn Nguyên
(GDVN) - Chúng ta đã dành cho hiệu trưởng quá nhiều quyền hành nên nhiều hiệu trưởng đã trở thành những “ông vua con” nơi trường học.

LTS: Quyền lực tập trung quá nhiều vào tay hiệu trưởng thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền.

Thầy giáo Nguyễn Nguyên chỉ ra những điểm hạn chế của chế độ thủ trưởng trong trường học khiến quy chế dân chủ bị vô hiệu hóa.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Dân chủ là cái quý báu nhất của nhân dân, là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn”.

Điều này đã được thực tiễn chứng minh hoàn đúng đắn trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bởi khi thực hiện một kế hoạch, một công việc gì thì việc bàn bạc thấu đáo của nhiều người, của cả đơn vị sẽ dễ dàng dẫn đến thành công.

Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị hành chính sự nghiệp đang thực hiện chế độ thủ trưởng nên nhiều trường học đã xảy ra tình trạng có những hiệu trưởng độc đoán, chuyên quyền và dẫn đến nhiều sai phạm, quy chế dân chủ thực hiện nơi cơ sở vẫn mang tính hình thức.

Hiệu trưởng lạm quyền gây ra mất dân chủ trong trường học. (Ảnh minh họa: NOP/Tuoitre.vn)
Hiệu trưởng lạm quyền gây ra mất dân chủ trong trường học. (Ảnh minh họa: NOP/Tuoitre.vn)

Vì thế, ngày 24/3 vừa qua, khi chủ trì hội nghị về quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục đào tạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ:

"Nơi nào quyền lực tập trung hoàn toàn vào một người sẽ dễ dẫn đến bị tha hóa".

Những chia sẻ của Phó Thủ tướng cho thấy được nhiều trăn trở của ông khi nhìn về quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục.

Thực hiện quy chế dân chủ nhìn từ hệ thống văn bản

Ngày 01/3/2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 04/2000/QĐ-BGDĐT về “Quy chế thực hiện hiện dân chủ trong hoạt động nhà trường”.

Tại Điều 1 của Quyết định này đã nêu lên Mục đích việc thực hiện dân chủ trong nhà trường như sau:

1. Thực hiện dân chủ trong nhà trường nhằm thực hiện tốt nhất, có hiệu quả nhất những điều Luật Giáo dục quy định theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong các hoạt động của nhà trường thông qua các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện;

Đảm bảo cho công dân, cơ quan, tổ chức được quyền giám sát, kiểm tra, đóng góp ý kiến tham gia xây dựng sự nghiệp giáo dục, làm cho giáo dục thực sự là của dân, do dân và vì dân.

2. Thực hiện dân chủ trong nhà trường nhằm phát huy quyền làm chủ và huy động tiềm năng trí tuệ của hiệu trưởng, nhà giáo, người học, đội ngũ cán bộ, công chức trong nhà trường theo luật định;

Góp phần xây dựng nền nếp, trật tự, kỷ cương trong mọi hoạt động của nhà trường, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội, thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và luật pháp Nhà nước.

Còn chế độ thủ trưởng nhà trường thì quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ bị vô hiệu hóa ảnh 2

Tôi đề nghị các trường được tự chủ mọi mặt, không để Phòng can thiệp nữa

Rõ ràng, những mục đích được hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề cao tính dân chủ trong các đơn vị trường học.

Mọi người có quyền góp ý kiến đóng góp để xây dựng đơn vị, nhằm phát huy quyền làm chủ và ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực (nếu có) xảy ra.

Việc thực hiện quy chế dân chủ không chỉ giúp cho lãnh đạo nhà trường nhìn nhận được những điều chưa được của mình để điều chỉnh các hoạt động, các kế hoạch nhà trường một cách tốt nhất.

Đồng thời, còn tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong toàn thể đơn vị nhà trường để hướng tới mục đích “dạy tốt, học tốt” của đơn vị.

Cũng trong Quyết định số 04/2000/QĐ-BGDĐT đã nêu rõ một số trách nhiệm của hiệu trưởng đối với việc quản lí đơn vị mình như sau:

- Lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong nhà trường và có các biện pháp giải quyết đúng theo chế độ, chính sách hiện hành của nhà nước, theo nội quy, quy chế, điều lệ của nhà trường và phù hợp với thẩm quyền, trách nhiệm được giao cho Hiệu trưởng.

Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền giải quyết của Hiệu trưởng thì phải thông báo cho cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong nhà trường biết và báo cáo lên cấp trên.

- Thực hiện chế độ công khai tài chính theo quy định của nhà nước; công khai các quyền lợi, chế độ, chính sách và việc đánh giá định kỳ đối với nhà giáo, cán bộ, công chức, người học.

- Gương mẫu, đi đầu trong việc đấu tranh chống những biểu hiện không dân chủ trong nhà trường, như: cửa quyền, sách nhiễu, thành kiến, trù dập, giấu diếm, bưng bít, làm sai sự thật, làm trái nguyên tắc và những biểu hiện không dân chủ khác.

- Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý nhà trường.

Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, các cá nhân trong nhà trường, phát huy dân chủ trong tổ chức hoạt động của nhà trường.

Còn chế độ thủ trưởng nhà trường thì quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ bị vô hiệu hóa ảnh 3

Thêm một hiệu trưởng bị đề nghị kỷ luật vì lạm thu

Quy định là vậy nhưng thực tế ở một số đơn vị cơ sở thì sao?

Rất ít những hiệu trưởng chịu “lắng nghe” ý kiến đóng góp, xây dựng của cấp dưới mình.

Các ý kiến của cấp dưới thường bị phản bác.

Quy chế công khai tài chính không mấy trường thực hiện, nếu có thì giáo viên cũng không thể nào hiểu được theo cách công khai của kế toán và hiệu trưởng nhà trường.

Chỉ là những con số khái quát là chi thường xuyên bao nhiêu, chi không thường xuyên bao nhiêu.

Trong trường, đều có ban thanh tra nhân dân nhưng mỗi khi cần quyết toán hoặc có đoàn thanh tra tài chính của cấp trên về thì kế toán gọi trưởng ban thanh tra lên kí.

Kế toán lật tờ nào thì thanh tra kí tờ đó. Bởi, thực tế ban thanh tra đâu có nghiệp vụ kế toán mà biết được họ thu và chi như thế nào?

Và cũng không có ai “đủ bản lĩnh” đòi lật từng tờ để xem rồi mới kí bởi đây là công việc chỉ khi nào cận kề thời gian thanh, kiểm tra thì… mới kí.

Trong khi, Quyết định số 04/2000/QĐ-BGDĐT quy định trách nhiệm của ban thanh tra như sau:

“Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm thực hiện chức năng giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ, có trách nhiệm lắng nghe ý kiến của quần chúng, phát hiện những vi phạm quy chế dân chủ trong nhà trường để đề nghị hiệu trưởng giải quyết.

Hiệu trưởng không giải quyết được thì báo cáo lên cấp có thẩm quyền trong ngành theo phân cấp quản lý để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết”.

Còn chế độ thủ trưởng nhà trường thì quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ bị vô hiệu hóa ảnh 4

Trong trường học hiện chỉ có dân chủ hình thức

Thế nhưng, trong trường việc vi phạm quy chế dân chủ thì mấy khi giáo viên “vi phạm”.

Vậy nếu ban giám hiệu vi phạm thì thanh tra báo lên hiệu trưởng để hiệu trưởng giải quyết sao?

Nên nhớ rằng ban thanh tra chỉ là những giáo viên kiêm nhiệm thì làm sao dám làm được việc đó?

Các đoàn thể trong nhà trường có thực hiện được đúng chức năng, nhiệm vụ của mình hay không thì chúng ta cứ nhìn lại các vụ việc lạm thu từ đầu năm học đến nay sẽ thấy và hiểu được quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tại sao có rất nhiều trường học lạm thu từ Nam chí Bắc mà tất cả các vụ việc đó đều là sự “tức nước vỡ bờ” của phụ huynh thì dư luận mới biết?

Trong trường có vô số đoàn thể để giám sát nhưng có lẽ phần nhiều đều bị hiệu trưởng vô hiệu hóa hết.

Vì thế, ta mới thấy tình trạng lạm thu tràn lan.

Nào là Trường tiểu học Đặng Cương (Hải Phòng); Trường tiểu học Lệ Xá (Hưng Yên); Trường tiểu học Nam Dinh (Quảng Bình); Trường tiểu học Uy Nỗ (Hà Nội); Trường trung học cơ sở Minh Tân (Hải Phòng)….

Dư luận sẽ đặt câu hỏi, tại sao tập thể sư phạm nhà trường lại có thể “ngồi im” để nhìn hiệu trưởng nhà trường “tác oai, tác quái” mà không đấu tranh.

Việc đấu tranh, chống tiêu cực của giáo viên chúng ta vẫn thấy có rất nhiều và có nhiều giáo viên bị trù dập một cách có hệ thống.

Chỉ cần gõ vài từ khóa trên google.com đã cho chúng ta vô vàn những trường hợp giáo viên bị trù dập thê thảm.

Còn chế độ thủ trưởng thì quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ bị vô hiệu hóa

Tại mục 5, Điều 7 của Nghị định số 157/2007/NĐ-CP về quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ cho thấy người đứng đầu đơn vị hiện nay có quá nhiều quyền lực.

Đó là: “Tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, nâng lương, cử dự thi nâng ngạch, quyết định nâng ngạch, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, cho nghỉ chế độ và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước“.

Còn chế độ thủ trưởng nhà trường thì quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ bị vô hiệu hóa ảnh 5

Hiệu trưởng quá nhiều quyền sẽ dẫn đến lạm quyền

Còn trong Điều 19 Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng như sau:

1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hiệu trưởng

a) Xây dựng, tổ chức bộ máy nhà trường;

b) Thực hiện các quyết nghị của Hội đồng trường được quy định tại khoản 3 Điều 20 của Điều lệ này;

c) Xây dựng quy hoạch phát triển nhà trường; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học; báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện trước Hội đồng trường và các cấp có thẩm quyền;

d) Thành lập các tổ chuyên môn, tổ văn phòng và các hội đồng tư vấn trong nhà trường; bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó; đề xuất các thành viên của Hội đồng trường trình cấp có thẩm quyền quyết định;

đ) Quản lý giáo viên, nhân viên; quản lý chuyên môn; phân công công tác, kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên, nhân viên;

Thực hiện công tác khen thưởng, kỉ luật đối với giáo viên, nhân viên; thực hiện việc tuyển dụng giáo viên, nhân viên;

Ký hợp đồng lao động; tiếp nhận, điều động giáo viên, nhân viên theo quy định của Nhà nước;

e) Quản lý học sinh và các hoạt động của học sinh do nhà trường tổ chức;

Xét duyệt kết quả đánh giá, xếp loại học sinh, ký xác nhận học bạ, ký xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học cho học sinh tiểu học (nếu có) của trường phổ thông có nhiều cấp học và quyết định khen thưởng, kỷ luật học sinh;

g) Quản lý tài chính, tài sản của nhà trường;

h) Thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với giáo viên, nhân viên, học sinh;

Tổ chức thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục của nhà trường;

i) Chỉ đạo thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành; thực hiện công khai đối với nhà trường;

k) Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

Chỉ cần nhìn vào những quy định của các văn bản hiện hành, ta cũng thấy được vì sao giáo viên ngày nay lại sợ hiệu trưởng nhiều đến thế.

Bởi hiệu trưởng cũng đồng thời là bí thư chi bộ, là chủ tài khoản của đơn vị, là người bổ nhiệm phần lớn các chức vụ trong trường...

Vậy nên, ai không nghe lời, không làm theo, chống đối hiệu trưởng thì làm sao mà yên ổn được.

Hiệu trưởng không xử thì "lính ruột" của hiệu trưởng sẽ xử.

Chính vì thế, mọi quyết định của hiệu trưởng đã đưa ra thì gần như tất cả phải tuân lệnh và thi hành, dù không phải kế hoạch, quyết định nào cũng đúng, cũng phù hợp.

Có nên duy trì chế độ “thủ trưởng” trong nhà trường?

Việc duy trì chế độ thủ trưởng đơn vị hiện nay đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, nhất là ở các đơn vị trường học.

Chúng ta đã dành cho hiệu trưởng quá nhiều quyền hành nên nhiều hiệu trưởng đã trở thành những “ông vua con” nơi trường học.

Rõ ràng câu nói của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khái quát toàn bộ được thực trạng hiện nay ở nhiều nhà trường:

Nơi nào quyền lực tập trung hoàn toàn vào một người sẽ dễ dẫn đến bị tha hóa".

Còn chế độ thủ trưởng nhà trường thì quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ bị vô hiệu hóa ảnh 6

Để rồi xem mấy người sống có yên ổn nổi không?

Ngoài việc tập trung quá nhiều quyền lực và là chủ tài khoản của đơn vị thì hiệu trưởng hiện nay cũng được quá nhiều ưu tiên và nhiều quyền lợi và gần như hiệu trưởng đang đứng riêng một cõi trời.

Đó là trong nhà trường thì chỉ mình hiệu trưởng được gọi là công chức, tất cả còn lại là viên chức.

Cả trường chỉ mình hiệu trưởng không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp (phải chăng đây là sự mặc định không bao giờ bị mất việc?).

Trước đây, khi Nghị định 56 chưa sửa đổi bằng Nghị định 88 thì hiệu trưởng nhà trưởng cũng là người duy nhất không phải viết sáng kiến kinh nghiệm…!

Hiện nay, việc bổ nhiệm các thành viên ban giám hiệu nhà trường vẫn thuộc thẩm quyền của các Uỷ ban nhân dân của huyện và tỉnh (tùy cấp học).

Là người lãnh đạo trực tiếp của mình nhưng giáo viên không có quyền giới thiệu hay bỏ phiếu.

Theo qui định hiện hành thì hiệu trưởng không tại vị quá 2 nhiệm kì liên tục tại một đơn vị trường học.

Thế nhưng, trước khi làm hiệu trưởng thì các vị này cũng đã từng đảm nhận 1-2 nhiệm kì phó hiệu trưởng nhà trường, khi được bổ nhiệm hiệu trưởng thêm 2 nhiệm kì nữa thì quả là một khoảng thời gian tại vị dài khủng khiếp đối với giáo viên trong trường.

Khi hết một nhiệm kì (5 năm) thì phòng, (sở) giáo dục về lấy phiếu tín nhiệm đối với ban giám hiệu nhà trường.

Xem ra qui trình cũng khách quan lắm, dân chủ lắm nhưng bản chất sự việc vẫn tạo sự hoài nghi cho giáo viên trong đơn vị.

 

Còn chế độ thủ trưởng nhà trường thì quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ bị vô hiệu hóa ảnh 7

Trường học không thể là vương quốc riêng của bất cứ ai

Bởi một lẽ là lãnh đạo sở, phòng không bao giờ công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm của ban giám hiệu trước toàn thể Hội đồng sư phạm.

Mà, theo lãnh đạo cấp trên thì “đây chỉ là một kênh tham khảo để chúng tôi có cơ sở bổ nhiệm lại các thành viên Ban Giám hiệu nhà trường trong khóa tới”.

Làm như vậy, rõ ràng có cũng như không. Ai có thể biết phiếu tín nhiệm đó thấp hay cao, ai biết được “quãng đường” từ đơn vị cơ sở đến phòng, sở giáo dục nó “dài” bao nhiêu?

Chỉ có điều rất ít hiệu trưởng làm 1 nhiệm kì/ 1 đơn vị mà chủ yếu là đảm nhận 2 nhiệm kì liên tục tại một đơn vị.

Và ở nhiệm kì thứ 2 của mình, nhiều hiệu trưởng không còn nhiều động lực để đầu tư và xây dựng nhiều vào chuyên môn như nhiệm kì thứ nhất.

Có lẽ, chế độ thủ trưởng đơn vị trong các trường học hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế và không phù hợp với thực tiễn nhiệm vụ của ngành.

Quyền lực tập trung cho một người quá nhiều nên quy chế dân chủ ở đơn vị trở nên mờ nhạt và hình thức.

Nên chăng, đã đến lúc chúng ta thay đổi cách nghĩ, cách làm hiện nay thì mới tránh được sự độc đoán, độc quyền của một số hiệu trưởng.

Chỉ khi nào, trường học thực sự dân chủ thì mới thúc đẩy đơn vị phát triển được.

Nguyễn Nguyên