“Con kia có im mồm đi không, vả gẫy răng giờ”

13/05/2018 08:13
Thùy Linh
(GDVN) - Khi đi học về thấy con chơi đồ hàng búp bê mà có biểu hiện quát mắng: “Con kia có im mồm đi không, vả gẫy răng giờ” thì y rằng trường mầm non cô có vấn đề.

Ngày nay, nhiều phụ huynh mong muốn tìm một lớp kỹ năng sống chất lượng để con học những kỹ năng cần thiết và được trải nghiệm những điều mới mẻ ngoài kiến thức trong sách giáo khoa.

Tuy nhiên, tại hội thảo giáo dục của trường Everest, Phó giáo sư Nguyễn Thị Phương Hoa (là Tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục học, Viện Giáo dục, Đại học Tổng hợp Potsdam Công hòa Liên bang Đức; Bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), là chuyên gia tư vấn giáo dục kỹ năng sống cho rằng, nếu phụ huynh nghĩ rèn kỹ năng sống cho trẻ thông qua các khóa kỹ năng thì hỏng hoàn toàn.

Thực sự, trên thế giới không có nước nào dạy khóa kỹ năng sống bởi lẽ kỹ năng là phải được rèn luyện mỗi ngày từ khi trẻ còn bé. 

Phó giáo sư Nguyễn Thị Phương Hoa (cầm micro) cho rằng, khi đi học về thấy con chơi đồ hàng búp bê mà có biểu hiện quát mắng: “Con kia có im mồm đi không, vả gẫy răng giờ” thì y rằng trường mầm non cô có vấn đề. (Ảnh: Thanh Tùng)
Phó giáo sư Nguyễn Thị Phương Hoa (cầm micro) cho rằng, khi đi học về thấy con chơi đồ hàng búp bê mà có biểu hiện quát mắng: “Con kia có im mồm đi không, vả gẫy răng giờ” thì y rằng trường mầm non cô có vấn đề. (Ảnh: Thanh Tùng)

Cô Phương Hoa nhấn mạnh, các nhà tâm lý đã chứng minh được rằng, giai đoạn từ 0-7 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất, là giai đoạn đặt nền móng đầu tiên của sự hình thành tâm lý, nhân cách, tính cách của một đứa trẻ thông qua các trò chơi dân gian. 

Ví dụ, khi đi học về thấy con chơi đồ hàng búp bê mà có biểu hiện quát mắng: “Con kia có im mồm đi không, vả gẫy răng giờ” thì y rằng trường mầm non cô có vấn đề. 

Hoặc nhìn thấy cảnh học sinh chơi trò gấp phong bì thả vào túi nhau hóa ra là động tác phụ huynh thả phong bì vào túi thầy cô, trẻ nhìn thấy về chúng chơi với nhau....

Một ngày trong “quân ngũ” của những chiến sỹ tý hon

Mà trẻ là tấm gương phản ánh của cha mẹ, thầy cô, do đó bất kỳ trẻ nào có vấn đề gì về tính cách thì cần nhìn vào cha mẹ, thầy cô rộng ra mới là xã hội.

Do đó, đừng bao giờ đổ lỗi con hư là tại xã hội cám dỗ mà hãy trước tiên nhìn vào bản thân bố mẹ, thầy cô. 

Chuyên gia tâm lý này cũng cho rằng, đừng bao giờ kỳ vọng rèn cho con kỹ năng sống thông qua lớp học kỹ năng, nếu có chỉ là những khai mở ban đầu. 

Bởi lẽ, rèn kỹ năng sống thông qua từng hành vi, điệu bộ, cử chỉ của chính thầy cô, cha mẹ là giải pháp hữu hiệu nhất. 

“Không ai gọi là học kỹ năng sống mà là rèn kỹ năng sống”, phó giáo sư Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh. 

Từ đó, cô Hoa cho rằng, nếu bố mẹ ăn nói cộc lốc, trống không còn thầy cô suốt ngày quát nạt, không chia sẻ, không khích lệ động viên học sinh thì đừng bao giờ nghĩ rèn được kỹ năng giao tiếp cho các em. 

Giáo dục học sinh qua “lễ hội ẩm thực”

Ví dụ, sau một buổi tham quan dã ngoại các con trình bày lại những điều thu hoạch được với những cảm xúc của mình, thông qua đó, các con rèn luyện kỹ năng nói trước đám đông. 

Hoặc kỹ năng xử lý xung đột bạn bè xảy ra môi trường thực, bối cảnh thực và học cách xử lý thực chứ không phải trong môi trường mô phỏng về nhà thì trẻ sẽ quên ngay. 

Tuy nhiên, nếu ở trường con được rèn giũa tử tế mà về nhà cha mẹ không nghiêm ngắn rất khó để giáo dục thành công. 

Cô Hoa nêu ví dụ, buổi tối khi đến giờ con học bài nhưng bố mẹ cứ bật Tivi oang oang rồi nói chuyện nọ, kia. 

Hoặc cha mẹ cứ hô hào con đọc sách nhưng bản thân bố mẹ chẳng bao giờ đọc sách…

Từ những chia sẻ tâm huyết của Phó giáo sư Nguyễn Thị Phương Hoa hi vọng rằng, gia đình và nhà trường có sự phối hợp hoàn hảo để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ một cách hiệu quả nhất. 

Thùy Linh