Con phải làm gì để phù hợp với thế giới ngoài kia?

16/05/2018 06:06
Lại Cường
(GDVN) - Đây là câu hỏi của học sinh trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) gửi đến Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng.

Ngày 13/5, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn (huyện Lập Thạch) tổ chức buổi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Với diễn giả đặc biệt,  Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, nhà khoa học đặc biệt “hỏi gì đáp nấy”, KCT… thầy và trò trường Trần Nguyên Hãn đã có giờ ngoại khóa bổ ích.

Với nhiệt huyết của một nhà khoa học, một tấm gương tự học vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã trở thành tấm gương cho các thầy cô giáo và các em học sinh trường Trần Nguyên Hãn.

Sự nhiệt huyết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã gây ấn tượng mạnh với học sinh trường Trần Nguyên Hãn ( Ảnh: Lại Cường)
Sự nhiệt huyết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã gây ấn tượng mạnh với học sinh trường Trần Nguyên Hãn ( Ảnh: Lại Cường)

Trong buổi hội thảo, gần1000 em học sinh thuộc 2 cơ sở của trường Trần Nguyên Hãn đã hiểu được cơ hội và thách thức của thời đại công nghiệp 4.0.

Nhưng tấm gương vượt khó mà nhà giáo Nguyễn Lân Dũng giới thiệu đã trở thành niềm cảm hứng cho các em học sinh trường Trần Nguyên Hãn trước khi rời khỏi ghế nhà trường.

Những câu chuyện kinh nghiệm từ chính cuộc đời làm khoa học, những kiến thức được rút ra từ thực tiễn cuộc sống, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã định hình cho các em học sinh trường Trần Nguyên Hãn tâm thế và cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn trong đời sống của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4 (4.0) và đã chỉ ra những cơ hội, thách thức mà thế hệ trẻ Việt Nam phải đối mặt.

Những câu chuyện về tấm gương học tập, quá trình nghiên cứu khoa học, tự học của chính bản thân thầy.

Đặc biệt những tấm gương vận dụng kiến thức khoa học vào trong sản xuất mà thầy đã trực tiếp tư vấn giúp đỡ, tư vấn đã rất thu hút các em học sinh.

Là một trường Trung học phổ thông  nằm trên địa bàn một xã xa xôi của huyện miền núi Lập Thạch,trường Trần Nguyên Hãn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy và học tập.

Tuy nhiên, càng trong gian khó, các thầy cô và học sinh của nhà trường lại càng nỗ lực nhiều hơn để khẳng định chất lượng giáo dục của ngôi trường mang tên Trần Nguyên Hãn, một võ tướng tài ba của dân tộc cũng là người con của quê hương Lập Thạch.

Với địa bàn thuộc phía nam của huyện Lập Thạch, theo chia sẻ của thầy hiệu trường, Trần Nguyên Hãn là trường có chất lượng học sinh đầu vào không cao so với mặt bằng chung của tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước thực tế đó, Ban giám hiệu nhà trường đã xác định đề cao vai trò của giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm.

Nhiều trăn trở của các em học sinh đã được gửi gắm đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Lại Cường)
Nhiều trăn trở của các em học sinh đã được gửi gắm đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Lại Cường)

Trước yêu cầu của thực tế nhà trường, giáo viên chủ nhiệm tại trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn không chỉ làm công tác giảng dạy mà còn cố gắng, đảm nhiệm việc hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh.

Làm sao để trở thành người thầy, người thân và người bạn của các em là điều mà các thầy, cô giáo trong trường luôn hướng đến.

Thông qua việc trao đổi, tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh, các thầy, cô đã làm tốt vai trò là người động viên, khơi gợi tinh thần học tập và định hướng nghề nghiệp cho các em, giúp các em có sự lựa chọn đúng đắn nhất.

Con phải làm gì để phù hợp với thế giới ngoài kia? ảnh 3Cho em hỏi học sinh làm nhiều bài tập về nhà có ích cho giáo dục Việt Nam không?

Trong buổi hội thảo, trước sự gần gũi của Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các em học sinh của trường đã rất cởi mở và chia sẻ nhiều tâm tư với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Có em học sinh đã trăn trở, em phải làm thế nào để phù hợp với thế giới ngoài kia?

Hay em phải làm gì để có thể trở thành công dân toàn cầu? Em học gì để làm giàu trên chính quê hương mình….

Những trăn trở đó của các em đều đã nhận được những câu trả lời thỏa đáng từ nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng.

Chia sẻ sau buổi hội thảo em Trần Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 12A4 cho biết, nhờ những bài học của thầy em và các bạn thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người khác.

Qua những bài học, tấm gương lao động của giáo sư, Ngọc Ánh đã quyết tâm hơn trong việc chọn lựa nghề nghiệp của mình.

Từ lời khuyên của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Ngọc Ánh tin vào sự lựa chọn nghề luật của mình là đúng đắn, phù hợp với tình hình mới.

Buổi hội thảo là buổi ngoại khóa thiết thực và đầy ý nghĩa với các em học sinh trường Trần Nguyên Hãn (Ảnh: Lại Cường)
Buổi hội thảo là buổi ngoại khóa thiết thực và đầy ý nghĩa với các em học sinh trường Trần Nguyên Hãn (Ảnh: Lại Cường)

Ấn tượng về phong cách truyền tải của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, cô giáo Phan Thị Thuyên, giáo viên môn Ngữ văn  của trường Trần Nguyễn Hãn cho biết, phong cách nói chuyện, giảng dạy  của giáo sư Nguyễn Lân Dũng không chỉ làm thay đổi nhận thức của các em học sinh của trường mà còn làm thay đổi nhận thức của các thầy cô giáo trong trường.

Dưới sân trường đầy nắng tháng 5, các em đã có những bài học đầy ý nghĩa, hành trang trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Cũng trong buổi hội thảo, các thầy cô giáo được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tặng sách đều đã bày tỏ sự cảm kích trước các công trình nghiên cứu khoa học của thầy.

Cuổi buổi hội thảo, hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Nguyễn Nhật Tuấn đã bày tỏ xúc động trước tấm lòng của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã dành cho thày và trò trường Trần Nguyên Hãn.

Thầy giáo Tuấn đã cảm ơn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo đầy bổ ích dành cho thầy và trò nhà trường.

Thầy giáo Nguyễn Nhật Tuấn đã thay mặt cán bộ và giáo viên nhà trường hứa với nhà giáo Nguyễn Lân Dũng, tập thể giáo viên nhà trường sẽ quyết tâm vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng học sinh của trường, xứng đáng với niềm tin mà nhân dân giao phó.

Chuỗi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước.

Với diễn giả đặc biệt là giáo sư, nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Các trường có thể đăng ký qua hotline: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777.

Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Lại Cường