Công đoàn nhà trường muốn tử tế có được không?

12/02/2019 06:49
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Dù được quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ nhưng tổ chức công đoàn nhà trường, đặc biệt là Chủ tịch công đoàn vẫn không thể hiện được nhiều trước đơn vị.

Nếu làm đúng chức năng thì tổ chức công đoàn nhà trường có một vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Thế nhưng, vì nhiều nguyên do khác nhau mà một số tổ chức công đoàn chưa phát huy được chức năng nhiệm vụ của mình, chưa sâu sát đời sống công nhân viên trong đơn vị.

Nhiều người khi được giới thiệu vào Ban chấp hành công đoàn họ cũng tìm cách thoái thác, hoặc vào một vài năm là tìm lí do xin nghỉ.

Ảnh minh họa, nguồn: VOV.

Ảnh minh họa, nguồn: VOV.

Phải chăng, tổ chức công đoàn có quá nhiều công việc hay chính sự hoạt động mờ nhạt đã khiến nhiều giáo viên chán nản không thiết tha với tổ chức công đoàn nhà trường?

Như chúng ta đã biết, trong nhà trường, có rất nhiều tổ chức đoàn thể nhưng ngoài Ban giám hiệu ra thì có lẽ vai trò của Ban chấp hành công đoàn là có một vị thế cao nhất.

Vì thế, chọn được một người thủ lĩnh công đoàn thực sự biết phát huy vai trò của tổ chức, biết đứng về quyền lợi giáo viên khi quyền lợi, đời sống công công đoàn viên bị ảnh hưởng là điều không hề dễ dàng chút nào.

Bởi, thực chất dù các trường học tiến hành Đại hội công đoàn nhưng nhân sự vẫn do Hiệu trưởng chọn và quyết định.

Nên, dù được qui định rõ về chức năng, nhiệm vụ nhưng tổ chức công đoàn nhà trường, đặc biệt là Chủ tịch Công đoàn vẫn không thể hiện được nhiều trước đơn vị.

Theo hướng dẫn mấy năm gần đây thì người đảm nhận vai trò Chủ tịch công đoàn phải nằm trong chi ủy của Chi bộ nhà trường. Vì thế, thành phần chi ủy của nhà trường là các thành viên Ban Giám hiệu và cơ cấu thêm một ủy viên là Chủ tịch Công đoàn.

Tuy nhiên, việc giới thiệu và cơ cấu vào chi ủy thì Hiệu trưởng là người cầm trịch, lèo lái nên thường là cơ cấu một người thân tín của mình vào vị trí này.

Vì là người của Hiệu trưởng nên không có vị Chủ tịch công đoàn nào lên đảm nhận vị trí này mà có ý định đối đầu với Hiệu trưởng. Chủ tịch công đoàn và Hiệu trưởng trường nào cũng có một mối quan hệ mật thiết và khăng khít với nhau.

Phó Hiệu trưởng nhà trường có nên kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn không?

Nhiều trường học hiện nay được bố trí Phó Hiệu trưởng nhà trưởng kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch công đoàn thì vai trò của công đoàn lại càng mờ nhạt hơn.

Những cuộc họp, khi có ý kiến liên quan đến quyền lợi giáo viên, nhà trường thì tất nhiên phải hướng vào Hiệu trưởng, vào những thành viên Ban Giám hiệu.

Nhưng, Phó Hiệu trưởng là Chủ tịch công đoàn thì ai là người cầm trịch để mọi người đấu tranh cho quyền lợi của mình?

Chính vì thế mà hiện nay có một số tổ chức công đoàn nhà trường hoạt động chưa hiệu quả. Đời sống công nhân viên chưa được chú trọng, những bất đồng về quyền lợi thì công đoàn thường hay im lặng.

Một khi Chủ tịch công đoàn là cái bóng hoặc là người giúp việc của Hiệu trưởng thì điều dĩ nhiên quyền lợi của các công đoàn viên sẽ ít được chú trọng. Mọi chỉ đạo của Hiệu trưởng được công đoàn nhà trường thực hiện răm rắp.

Cũng có lẽ vì thế mà chúng ta thấy được rất nhiều những giáo viên đứng lên bảo vệ lẽ phải, đứng lên chống tiêu cực hay bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tập thể bị Hiệu trưởng trù dập tơi tả.

Nhưng, Ban chấp hành công đoàn vẫn đứng ngoài cuộc, thậm chí Hiệu trưởng còn mượn tay công đoàn để xử lí giáo viên chống đối.

Gánh nặng trả phụ cấp cho Ban chấp hành công đoàn.

Ban chấp hành công đoàn ở các trường hiện nay rất đông, ngoài Chủ tịch, phó Chủ tịch, ban nữ công, thanh tra, thủ quĩ…còn có các tổ trưởng công đoàn.

Mỗi tháng công đoàn viên đóng 1% đoàn phí. Sau khi nộp lên trên, thì công đoàn cấp trên trích lại một phần kinh phí để hoạt động cho cơ sở.

Từ nguồn kinh phí ít ỏi đó, Ban chấp hành phải chi phụ cấp cho từng thành viên của Ban chấp hành và các tổ trưởng công đoàn nên nhiều đơn vị phải dành gần 1/3 kinh phí công đoàn để trả lương cho Ban chấp hành.

Trong số tiền ít ỏi còn lại, dành để chi cho thăm hỏi gia đình công đoàn viên khi cưới hỏi, ma chay, đau ốm…

Rõ ràng, kinh phí công đoàn đang dành một phần rất lớn kinh phí của mình để “nuôi” một lượng rất lớn cán bộ công đoàn nhà trường nhưng những gì làm được cho người lao động lại rất mờ nhạt.

Tổ chức Công đoàn đã “lo” cho công đoàn viên trong trường những gì?

Ngoài chuyện gia đình các công đoàn viên trong trường có cưới hỏi, ma chay... được một vài thành viên trong Ban chấp hành công đoàn đến thăm hỏi và chia sẻ thì những hoạt động của tổ chức này không có hoạt động nào rõ nét.

Năm có mấy ngày lễ tổ chức toàn trường như Khai giảng năm học, ngày Nhà giáo Việt Nam và Tổng kết năm học thì là sự phối hợp với các tổ chức trong nhà trường.

Chỉ có ngày 8/3 hàng năm thì công đoàn đứng ra tổ chức vài trò chơi hay thi nấu ăn là hết. Có những vị Chủ tịch công đoàn đứng ra tổ chức tọa đàm ngày 8/3 mà không biết nói như thế nào.

Chỉ nói được dăm ba câu vô thưởng vô phạt rồi giới thiệu 1-2 thành viên hát tặng các cô vài bài hát là kết thúc.

Cách nào để công đoàn luôn dám đứng về phía người lao động?

Vì thế, năm đầu vị này đảm nhận Chủ tịch công đoàn thì giáo viên còn tham gia đông đủ, đến các năm sau giáo viên người ta chán ngán nên số lượng người tham dự thưa thớt dần.

Thế nhưng, trong các bản tự kiểm đánh giá đảng viên định kì, cuối năm của Chủ tịch công Đoàn hay phần báo cáo trong Đại hội công đoàn thì bao giờ cũng có câu: “Chăm lo tốt cho đời sống công đoàn viên” nhưng “tốt” như thế nào thì giáo viên và mọi người đều biết rất rõ.

Hàng trăm giáo viên bị thanh lý hợp đồng, giáo viên bị phụ huynh bắt quỳ ngay trong nhà trường, giáo viên treo băng rôn trong nhà trường yêu cầu Hiệu trưởng công khai tài chính…

Nhưng, hình như chúng ta không thấy bóng dáng của công đoàn nhà trường ở đâu.

Phải thừa nhận một điều là với cơ chế thủ trưởng đơn vị hiện nay thì tổ chức công đoàn trong nhà trường rất khó đứng về phía người lao động được.

Bởi, người đứng đầu đơn vị là Hiệu trưởng và đồng thời kiêm luôn Bí thư chi bộ nhà trường thì tổ chức công đoàn bắt buộc phải phục tùng người đứng đầu và không thể tách rời được.

Vì thế, muốn tổ chức công đoàn làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình thì tất nhiên cũng phải điều chỉnh nhiều văn bản chồng chéo hiện nay. Bởi, chừng nào Chủ tịch công đoàn còn được Hiệu trưởng dựng lên thì vai trò của tổ chức này sẽ vẫn còn mờ nhạt, kém hiệu quả.

Mỗi nhiệm kì của Ban chấp hành công đoàn ở các trường học thường có thời gian 5 năm, nhân sự của Ban hành công đoàn của thường do Hiệu trưởng định hướng, cơ cấu thì làm sao tổ chức công đoàn nhà trường thực hiện hết vai trò của mình.

Chính vì thế, những người tâm huyết thì ngoảnh mặt làm ngơ, kẻ cơ hội, a dua thì tìm cách len lỏi vào. Vậy nên, một số trường học hiện nay cơ cấu các chức danh đoàn thể thì đa phần là những người thân tín của Hiệu trưởng.

NGUYỄN NGUYÊN