Công nghệ và bất bình đẳng xã hội

20/03/2017 06:54
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Về nguyên tắc, theo dự báo, chỉ trong hai thập kỷ tới, robot với trí tuệ thông minh có thể làm được hầu hết những công việc mà con người có thể làm được.

LTS: Một trong những chủ đề được bàn luận tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos và mới đây cũng được nhắc đến tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2017 là công nghệ và bất bình đẳng xã hội.

Để độc giả hiểu rõ hơn vấn đề, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin được giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, nghiên cứu sinh về giáo dục Hoa Kỳ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
 
Năm 2017 được bắt đầu với một hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới đầy sức nóng, với những chủ đề “rất cập nhật” do những lãnh đạo quốc gia, những lãnh đạo tập đoàn, nhà nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ cùng tập trung thảo luận ở Davos. 

Những chủ đề chính được nêu lên tại Diễn đàn Davos là tăng trưởng kinh tế - Cách mạng công nghiệp 4.0, tương lai của hệ thống an sinh xã hội, sức mạnh của tổ chức dân sự, trách nhiệm trong kinh doanh và lãnh đạo…[1] 

Mặc dù các chủ đề đều riêng biệt và tập trung vào nhiều yếu tố kỹ thuật gắn với từng chủ đề nhưng một trong những nội dung xuyên suốt các chủ đề được nêu ra tại Davos là sự bất bình đẳng trong thu nhập và những giải pháp, đặc biệt trong thời điểm ứng dụng công nghệ 4.0, cho những người lao động chưa được chuẩn bị về kỹ năng lao động trong thời đại công nghệ “trí tuệ thông minh”?

Theo báo cáo của Oxfam, 8 nhà đại tỷ phú có thu nhập và tài sản tương đương với một nửa số người trên hành tinh của chúng ta (ứng với khoảng 3,6 tỷ người) [3].  

Câu chuyện về sự phát triển về công nghệ và bất bình đẳng đếu được nêu lên tại các diễn đàn lớn. (Ảnh: Corbis)
Câu chuyện về sự phát triển về công nghệ và bất bình đẳng đếu được nêu lên tại các diễn đàn lớn. (Ảnh: Corbis)

Câu chuyện này sẽ là một vấn đề của xã hội, vì không chỉ là thu nhập mà sẽ còn là định hướng nghề nghiệp tương lai, mức “thu nhập xã hội” ấn định, mô hình xã hội và lãnh đạo xã hội khi hầu hết người lao động không còn nhiều việc để làm, khi con người chỉ sống và lĩnh lương do chính phủ phát, v.v…

Theo đánh giá về tương lai của công việc, khi nền công nghiệp đi cùng với trí tuệ thông minh, robot, công nghệ nano và in 3D, thì những con người với kỹ năng lao động phổ thông sẽ bị gạt ra ngoài lề của công việc.  

Báo cáo của Diễn đàn Davos 2016 đã chỉ ra việc 65% học sinh tiểu học hiện nay sẽ làm những công việc mà hầu hết chưa tồn tại trong vòng 10 năm tới.  

Những con số chỉ ra rằng tự động hóa đã biến đổi ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp chế biến, và giờ đây, kể cả trong ngành giáo dục đang là nỗi ám ảnh của các chính phủ, các tổ chức lao động và người lao động toàn cầu.

Trong năm 2016, chúng ta đều đã nghe đến khái niệm “lương cơ bản trả cho công dân” ở một số nước phát triển như Thụy Sĩ  hay Phần Lan[3].  

Công nghệ và bất bình đẳng xã hội ảnh 2

Giáo Thứ thời "thế giới ảo”

Theo đó, dù có hay không có việc làm, người dân vẫn có thể nhận lĩnh một mức lương tối thiểu do nhà nước chi trả để đảm bảo họ có mức sống tối thiểu.  

Mặc dù vậy, người dân Thụy Sĩ đã bỏ phiếu phản đối dự luật trả lương cơ bản cho toàn dân, bởi họ xác định việc làm là quyền con người, quyền hiến định và họ cần có việc làm để minh chứng giá trị lao động, chứ không thể chỉ ngồi nhà và lĩnh lương từ nhà nước.

Tương tự như vậy, tranh luận về mô hình chia sẻ công việc với robot có thể đi cùng với mô hình trả lương toàn dân hay không cũng là một đối thoại “mở” ở Davos.  

Về nguyên tắc, theo dự báo, chỉ trong hai thập kỷ tới, robot với trí tuệ thông minh có thể làm được hầu hết những công việc mà con người có thể làm được.  

Do vậy, để sống và phát triển với xã hội robot, Bill Gates đã đề xuất một ý tưởng là “hãy đánh thuế trên robot” và khoản thuế này sẽ do các tập đoàn sử dụng robot chi trả nhằm sử dụng tiền đó thanh toán hỗ trợ xã hội cho những người bị mất việc [4].  

Tuy nhiên, ý tưởng này hiện đang vấp phải rất nhiều ý kiến khác nhau ở Mỹ, bởi không ai muốn nhìn thấy cảnh người thật thì đi lĩnh lương “an sinh xã hội” và robot thay thế hết con người trong các công xưởng của nước Mỹ cả [5], trong khi bản chất đầu tư vào robot hay vào người lao động cũng là để tìm kiếm “hiệu quả kinh doanh”.

Với Việt Nam, câu chuyện về bất bình đẳng đã được thể hiện qua một phim ký sự ngắn về Oanh (hình dưới đây), một bệnh nhân chạy thận 10 năm và phải đi bán trà nước rong ở bệnh viện để kiếm tiền trả tiền viện phí đã được trình chiếu tại Davos.

Câu chuyện này như một biểu tượng của sự nghèo đói và bất bình đẳng thu nhập, làm hạn chế cơ hội được tiếp cận với vấn đề chăm sóc sức khỏe cần thiết. 

Nhân vật Oanh trong bộ phim ký sự ngắn được trình chiếu tại Diễn đàn Davos. (Ảnh từ WEF)
Nhân vật Oanh trong bộ phim ký sự ngắn được trình chiếu tại Diễn đàn Davos. (Ảnh từ WEF)

Những vấn nạn về bất bình đẳng trong công việc, trong thu nhập xã hội bởi ảnh hưởng của công nghệ đã chính thức, một lần nữa, được nêu ra tại APEC 2017 [2] tại Việt Nam.  

Điều mà Diễn đàn Davos và APEC 2017 tại Việt Nam đang nêu ra là làm sao để công nghệ có thể được sử dụng theo hướng phục vụ con người, mang tính nhân bản và tạo ra những cơ hội cho con người, chứ không phải tạo ra những khoảng cách lớn hơn giữa công việc và con người.

Chúng ta bắt đầu được nhận những thông tin như Công ty gốm sứ Minh Long I hiện đã có nhà máy giảm đến 95% lao động bằng tự động hóa [6], hay nhà máy sữa của Vinamilk Bình Dương được vận hành khép kín và tự động hoàn toàn [7] , và đi cùng với trí tuệ thông minh, y tế và giáo dục cũng đã có những dịch vụ sử dụng robot thay thế [8].

Công nghệ và bất bình đẳng xã hội ảnh 4

Giờ đây, không chỉ máy tính kiểm tra bạn ở sân bay, robot sẽ làm hết thay bạn

Trong bối cảnh phát triển công nghệ nhanh chóng và tạo ra những khoảng cách lớn hơn về bất bình đẳng ở Việt Nam (kể từ cơ hội làm việc, học tập, đến thu nhập và thụ hưởng thành quả lao động, chăm sóc sức khỏe, cơ hội chuẩn bị cho tuổi già…) đang là bài toán nan giải. 

Tổ chức Oxfam đã cảnh báo về tình trạng này ở Việt Nam và khuyến nghị:

Để giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng nghiêm trọng hiện nay, Việt Nam cần thực hiện ngay các chính sách tiến bộ về quản trị nhà nước, hệ thống thuế, chi tiêu công, dịch vụ công, quyền của người lao động và sự tham gia của người dân.” [9].  

Và đây chính là thông điệp của Diễn đàn Davos, hãy chia sẻ sức mạnh quản lý xã hội với người dân, hãy gắn kết và trao quyền quản lý cho các tổ chức xã hội đại diện cho lợi ích của nhân dân nhằm đảm bảo người dân có khả năng tham gia, học tập và tự chủ trong quá trình chuyển đổi công việc, hình thức lao động cho thời kỳ công nghệ 4.0 đang tới.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.weforum.org/events/world-economic-forum-annual-meeting-2017

[2] https://www.apec2017.vn/ap17-c/

[3] http://vneconomy.vn/the-gioi/thuy-sy-sap-bo-phieu-tra-luong-2400-usdthang-cho-toan-dan-20160201104151800.htm; http://www.baomoi.com/nguoi-thuy-si-noi-gi-ve-ket-qua-bo-phieu-o-khong-lanh-luong-nghin-do/c/19551613.epi

[4, 5] http://www.economist.com/news/finance-and-economics/21717374-bill-gatess-proposal-revealing-about-challenge-automation-poses-why-taxing

[6] http://www.thesaigontimes.vn/157558/Minh-Long-I-da-giam-95-lao-dong-thay-bang-tu-dong-hoa.html

[7] http://www.tienphong.vn/kinh-te-doanh-nghiep/vinamilk-hoan-thanh-hai-sieu-nha-may-sua-620364.tpo

[8] http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/suc-khoe-24h/tin-moi-lan-dau-tien-viet-nam-dung-robot-thay-khop-goi-359114.html

[9] https://vietnam.oxfam.org/press_release/oxfam-c%C3%B4ng-b%E1%BB%91-b%C3%A1o-c%C3%A1o-v%E1%BB%81-b%E1%BA%A5t-b%C3%ACnh-%C4%91%E1%BA%B3ng-ta%CC%A3i-vi%C3%AA%CC%A3t-nam-va%CC%80-kh%E1%BB%9Fi-%C4%91%E1%BB%99ng-chi%E1%BA%BFn-d%E1%BB%8Bch-thu-h%E1%BA%B9p

Nguyễn Thị Lan Hương