Công nhận văn bằng nước ngoài cấp còn quá nhiêu khê và tốn kém

13/05/2018 08:13
Tấn Tài
(GDVN) - Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Giáo dục thẩm định, công nhận các loại văn bằng nước ngoài cấp đang nảy sinh nhiều bất cập, nhiêu khê và tốn kém.

Mới đây, sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, đang làm hồ sơ gửi Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm thủ tục công nhận văn bằng của hơn 356 học viên đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mẫu công nhận văn bằng nước ngoài cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh chụp lại mẫu do Bộ Giáo dục công bố
Mẫu công nhận văn bằng nước ngoài cấp của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh chụp lại mẫu do Bộ Giáo dục công bố

Đây là những học viên được thành phố cử đi học Đại học, Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các cơ sở đào tạo uy tín, chất lượng ở nước ngoài theo đề án.

Quy trình thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được quy định tại quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Và Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Đà Nẵng sẽ đề nghị công nhận văn bằng cho “nhân tài” du học nước ngoài trở về

Trước hết, không thể phủ nhận tác dụng tích cực của quy định này nhằm ngăn ngừa các bằng cấp ngoại “dỏm” hay các trường ma ở nước ngoài chuyên mua bán bằng giả.

Tuy nhiên, có một thực tế là từ khi bắt đầu triển khai thực hiện thì quyết định 77 thì cũng đã gây ra không ít những rắc rối, phiền hà cho các học viên.

Nhiều ý kiến cho rằng, tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không đưa ra một danh sách các cơ sở đào tạo nước ngoài đảm bảo chất lượng (được công nhận tại Việt Nam)?

Như vậy, không những giúp các học viên có căn cứ để lựa chọn trường theo học mà còn là cơ sở để sau khi về nước, tấm văn bằng của họ không gặp phải rắc rối nào.

Tránh trường hợp nhiều học viên sau 6-7 năm dùi mài kinh sử ở nước ngoài, có được tấm bằng Tiến sĩ.

Nhưng đến khi trở về thì tấm bằng của họ lại không có giá trị ở Việt Nam vì trường đó không được Bộ chấp nhận.

“Số lượng học viên Việt Nam ra học nước ngoài học tập hàng năm lên đến hàng ngàn người, mà ai cũng làm hồ sơ gửi đi đăng ký công nhận văn bằng thì rất tốn kém và phiền hà”, anh HTQ. (một Tiến sĩ vừa tốt nghiệp đại học ở Pháp) chia sẻ.

Cũng theo anh Q., mặc dù thời gian công nhận theo quy định là không quá 30 ngày nhưng có khi việc xác minh, cấp giấy công nhận của Bộ kéo dài đến 3-4 tháng. 

Đó là chưa kể đến các chi phí tài chính phát sinh liên quan đến hồ sơ, tài liệu, chuyển phát nhanh...

Những rối rắm trên cũng là lý do khiến nhiều Thạc sĩ, Tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài trở về nhưng không làm hồ sơ, thủ tục để gửi Bộ công nhận văn bằng.

Việt Nam bỏ thủ tục công nhận bằng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài

“Thay vì yêu cầu từng cá nhân làm thủ tục để được công nhận văn bằng thì Bộ nên lập danh sách các cơ sở đào tạo nước ngoài được công nhận tại Việt Nam. Việc này có ý nghĩa rất lớn.

Ví dụ, tại các cơ sở đào tạo, các cơ quan nhà nước… khi có nhu cầu tuyển dụng họ chỉ cần nhìn vào văn bằng là biết trường nước ngoài cấp bằng đó có đang được công nhận, văn bằng có giá trị tại Việt Nam hay không?”, anh Q. kiến nghị.

Chính quy định công nhận văn bằng này của Bộ cũng đã nảy sinh tình trạng “dở khóc, dở cười” là 100 người tốt nghiệp từ cùng một cơ sở đào tạo nước ngoài.

Và tất cả họ sẽ phải làm hồ sơ để được công nhận văn bằng, Bộ cũng phải phát hành 100 giấy công nhận (dù cùng một trường đại học nước ngoài). Điều này là vô cùng tốn kém và mất thời gian.

Đối với người học, sau khi tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo nước ngoài nên đi làm thủ tục để được công nhận ngay.

Bởi lẽ, có thể năm nay cơ sở đó được công nhận tại Việt Nam, nhưng một ngày nào đó, cũng ngôi trường đó nhưng lại không được công nhận.

Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy và vướng mắc như sau: Nếu năm nay, trường đại học mà học viên A. theo học được công nhận tại Việt Nam, nhưng vài năm sau thì ngôi trường này không được công nhận nữa.

Lúc đó, liệu rằng tấm bằng mà học viên đổ mồi hôi, tiền bạc và công sức đạt được, mang về nước có được Bộ Giáo dục công nhận hay hủy bỏ?

Hoặc ngược lại, khi A. tốt nghiệp thì văn bằng trường đó chưa được công nhận tại Việt Nam.

Nhưng 5 - 10 năm sau, ngôi trường đó lại được công nhận tại Việt Nam thì liệu rằng kết quả học trong quá khứ của A. có được công nhận vào thời điểm hiện tại hay không?

Tất cả phải được quy định rõ để học viên đi học nước ngoài không phải bỏ phí sức lực, tiền bạc, thời gian... khi muốn mang tấm bằng trở về cống hiến tại Việt Nam.

Tấn Tài